Đế chế cà phê của ông Vũ và bà Thảo sụt giảm 50% lợi nhuận

Google News

Trong khi doanh thu liên tục tăng trưởng thì lợi nhuận của Trung Nguyên lại bị giảm. Lợi nhuận năm 2018 của tập đoàn này đạt thấp nhất trong 5 năm gần đây.

Số liệu báo cáo tài chính năm 2018 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên cho biết năm vừa qua tập đoàn này ghi nhận hơn 4.842 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 9% so với 2017.
Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp doanh thu của Trung Nguyên ghi nhận đà tăng trưởng giữa vòng xoáy kiện tụng của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng trưởng của doanh thu, lợi nhuận của Cty Trung Nguyên thu về lại giảm liên tục trong những năm vừa qua.
De che ca phe cua ong Vu va ba Thao sut giam 50% loi nhuan
 
Lợi nhuận Trung Nguyên giảm 50%
Năm 2018, sau khi trừ các chi phí và giá vốn hàng bán, Trung Nguyên ghi nhận gần 347 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 50% so với năm 2017. Đáng chú ý, năm 2017, Trung Nguyên thu về 681 tỷ đồng lãi trước thuế, nhưng mức này cũng đã giảm hơn 11% so với 2016.
Trong quá khứ, lợi nhuận của Trung Nguyên cũng từng sụt giảm rất mạnh từ 1.300 tỷ năm 2014 xuống 800 tỷ năm 2015. Nguyên nhân là do tập đoàn ghi nhận khoản lãi bất thường từ việc hợp nhất lợi nhuận từ các công ty con năm 2014.
Lần này, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Trung Nguyên sụt giảm đến từ việc giảm hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi trong những năm gần đây.
Cụ thể, trong khi doanh thu tăng trưởng qua từng năm thì giá vốn từ hoạt động sản xuất kinh doanh còn tăng mạnh hơn, khiến lợi nhuận gộp công ty thu về giảm dần.
Năm 2018, Trung Nguyên ghi nhận 1.353 tỷ đồng lãi gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm hơn 160 tỷ đồng so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp của tập đoàn cũng giảm từ mức 37,4% năm 2016, xuống chỉ còn chưa tới 28% năm vừa qua.
Yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận của Trung Nguyên chính là đà tăng mạnh của chi phí bán hàng.
Năm qua, để ghi nhận doanh thu tăng 8%, Trung Nguyên đã phải chi ra tới 725 tỷ đồng chi phí bán hàng, tăng 19%. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến lợi nhuận trước thuế của công ty sụt giảm mạnh hàng trăm tỷ đồng.
Các công ty thành viên của Trung Nguyên làm ăn ra sao?
Trái ngược với kết quả kinh doanh sụt giảm liên tục của tập đoàn mẹ, các công ty thành viên của Trung Nguyên lại ghi nhận đà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tương đối tốt.
Trong đó, Công ty Cổ phần Cà phê Hòa Tan Trung Nguyên và Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên là 2 thành viên chính trong hệ thống của Trung Nguyên đều có kết quả kinh doanh khả quan.
Năm 2018, Công ty Cổ phần Cà phê Hòa Tan Trung Nguyên ghi nhận 134 tỷ đồng doanh thu và 28 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng trưởng lần lượt 37% và 180% so với năm trước. Tuy chưa thể quay lại mức doanh thu và lợi nhuận những năm trước 2016, nhưng đà tăng trưởng của Công ty Cổ phần Cà phê Hòa Tan Trung Nguyên trong năm qua cũng là một dấu hiệu tích cực giữa những khó khăn đang gặp phải.
Trong khi đó, doanh thu và lợi nhuận của Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên cũng tăng lần lượt 28% và 53% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu ước đạt 1.480 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 161 tỷ.
Tuy nhiên, riêng hoạt động của Trung Nguyên Franchising, doanh nghiệp vận hành và quản lý hệ thống các cửa hàng cà phê Trung Nguyên, vẫn ghi nhận thua lỗ gần 24 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của Tập đoàn Trung Nguyên vào khoảng 6.081 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2017 nhưng vẫn thấp hơn giá trị ghi sổ cuối năm 2016.
Tập đoàn này cũng ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt gần 1.900 tỷ đồng. Nếu cộng cả khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại 2 công ty thành viên là Công ty Cổ phần Cà phê Hòa Tan Trung Nguyên và Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên, tổng lợi nhuận chưa phân phối của hệ thống này đạt trên 2.500 tỷ đồng.
Tập đoàn Trung Nguyên được thành lập năm 2006 do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Từng được mệnh danh là “vua cà phê” tại thị trường Việt, hoạt động của Trung Nguyên đã bị ảnh hưởng rất nhiều sau mâu thuẫn trong nội bộ gia đình ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Trong chia sẻ mới nhất với truyền thông, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết chính những mâu thuẫn giữa ông và bà Thảo đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của tập đoàn. Chỉ trong vài năm vừa qua, ông Vũ và bà Thảo đã tham gia 4 phiên tòa, với 1 phiên ly hôn và 3 phiên kiện tụng.
Trong diễn biến mới nhất của vụ ly hôn, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đã kháng nghị bản án của TAND cùng cấp, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ theo đúng quy định của pháp luật.
Trong đó, Viện Kiểm sát yêu cầu xem xét lại một loạt quyết định của TAND TP.HCM về việc phân chia tài sản giữa hai bên và tỷ lệ phân chia ông Vũ 60%, bà Thảo 40% như kết luận trước đó.
Thiên Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)