Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa (hay tứ Định) là câu nói người dân TP HCM thường dùng để nhắc đến bốn vị đại phú hào giàu có bậc nhất Sài Gòn xưa.
Người đứng đầu là Huyện Sỹ, tên thật Lê Nhứt Sỹ (1841 - 1900) được xem là hào phú giàu có bậc nhất Đông Dương.
Sở hữu cả kho tiền bí mật
Lê Nhứt Sỹ sinh ra trong một gia đình Công giáo. Thuở nhỏ, ông được các tu sĩ người Pháp đưa sang Malaysia học tập. Trong thời gian này, Lê Nhứt Sỹ đổi tên thành Lê Phát Đạt do tên cũ trùng với tên một người thầy của ông. Trở về Sài Gòn, ông được bổ nhiệm làm thông ngôn, rồi trở thành Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam kỳ.
Sau này, ông được phong hàm lên cấp huyện. Dù đã đổi tên nhưng người dân vẫn quen gọi ông bằng cái tên Nhứt Sỹ. Danh xưng Huyện Sỹ gắn bó với ông từ đó.
|
Ảnh hiếm hoi vợ chồng ông Lê Phát Đạt. Ảnh: Anhxua.net |
Ông Huyện Sỹ giàu lên không phải nhờ chức tước, bổng lộc. Theo sách Sài Gòn năm xưa, ông Huyện Sỹ giàu lên nhờ việc gom tiền mua rẻ những thửa đất có địa thế tốt do chính quyền Pháp phát mãi.
Những năm đầu khi người Pháp đưa quân đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa ở Nam kỳ, tình hình loạn lạc, dân chúng tìm cách chạy. Đất đai bỏ trống, dù người Pháp có kêu gọi dân chúng cũng chẳng có ai muốn quay về. Các chủ đất bấy giờ không muốn theo Pháp nên không nghe lời kêu gọi. Họ hy vọng sau này Pháp rút thì sẽ nhận lại đất.
Người Pháp thu giữ và phát mãi số ruộng đất này song không ai mua. Thấy thế người Pháp yêu cầu người Việt đang làm việc trong chính quyền phải mua số đất này để làm gương cho dân chúng và người khác noi theo.
Lúc này ông Lê Phát Đạt có một ít vốn, định mua nhà phố ở Sài Gòn rồi cho thuê. Trước sự vận động của người Pháp, ông mua đất thửa có địa thế tốt, rồi cho người thuê trồng trọt. Năm ấy được mùa, lúa xanh tốt nên ông cũng thu lợi rất lớn. Thấy vậy, ông Huyện Sỹ vay mượn thêm tiền để mua đất tiếp, mấy năm trúng mùa liên tiếp khiến tài sản ông tăng đến chóng mặt.
Ở thời kỳ cực thịnh, gia đình Huyện Sỹ nắm trong tay toàn bộ vùng đất trù phú ở Gò Công, Long An, Tiền Giang kéo dài đến tận biên giới Campuchia. Nhận thấy xu hướng của thành phố Sài Gòn, Lê Phát Đạt mua một loạt khu đất ngoại thành sát thành phố, đặc biệt ở Gò Vấp để cho thuê xưởng, nhà máy. Ông cũng dựng hàng nghìn căn nhà cho thuê. Điều này mang đến cho ông một nguồn lợi khổng lồ.
Gia đình Huyện Sỹ giàu đến mức xuất hiện giai thoại ông có một kho tiền bí mật. Để tiền không bị mốc, hỏng, ông Huyện Sỹ thuê hẳn một nhóm người bảo quản, đem tiền ra phơi nắng rồi cất lại vào kho.
Giáo dục con cái chi tiêu chừng mực
Dù được xem là người giàu có bậc nhất Đông Dương thời bấy giờ nhưng ông Huyện Sỹ giáo dục con cái rất chu đáo, chi tiêu chừng mực chứ không hoang phí, không chi tiêu vào những thứ vô bổ. Vợ ông cũng dạy con theo lễ nghĩa truyền thống dân tộc.
Ông cho con cái đi du học ở những trường danh giá của Pháp. Khi trở về ông chia cho các con quản lý một phần tài sản ở các vùng khác nhau.
|
Nhà thờ Huyện Sỹ là nơi lưu dấu về vị đại phú hộ giàu có nhất Sài Gòn xưa. Ảnh: Vietnamnet |
Con trai cả của ông Huyện Sỹ là Lê Phát An được vua Bảo Đại phong là An Định Vương, tước Vương là cao nhất, vốn chỉ phong cho người trong Hoàng tộc có công trạng lớn.
Con gái của ông là Lê Thị Bính sinh ra Nguyễn Hữu Thị Lan. Năm 1934, Nguyễn Hữu Thị Lan lấy vua Bảo Đại, trở thành Nam Phương hoàng hậu. Ông Lê Phát An đã tặng cho cháu 1 triệu đồng tiền mặt làm của hồi môn, tương đương với 20.000 lượng vàng. Từ món quà hồi môn này, dân gian đồn thổi tài sản của gia tộc Huyện Sỹ còn giàu có hơn nhiều so với vua Bảo Đại.
Ngoài ra, ông Huyện Sỹ còn chi tiền để xây dựng nhà thờ Chợ Đũi (sau gọi là nhà thờ Huyện Sỹ), số tiền bỏ ra rất lớn, tương truyền bằng 1/7 gia sản của ông. Sau khi hiến tặng 6 mẫu đất để xây nhà thờ Chí Hòa nhưng giáo xứ không có tiền xây, ông Huyện Sỹ đã cắt bớt một gian công trình nhà thờ Chợ Đũi rồi thêm tiền hiến tặng đó xây nhà thờ Chí Hòa.
Noi gương ông, người con trai Denis Lê Phát An cũng hiến tặng tiền để xây nhà thờ Hạnh Thông Tây thay cho ngôi nhà thờ nhỏ cũ kỹ và dột nát.
Ông Huyện Sỹ mất năm 1900 khi công việc xây nhà thờ vẫn chưa xong.
Đến năm 1920, vợ của Lê Phát Đạt mất, thi hài hai vợ chồng ông Huyện Sỹ mới được đưa vào an táng trong một gian phòng phía sau cung thánh tại nhà thờ Huyện Sỹ.