Chị Nguyễn Thị Tần, trú tại Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, vợ chồng chị chuẩn bị đáo hạn sổ tiết kiệm 500 triệu đồng nhưng lãi suất ngân hàng hiện quá thấp nên đự định sẽ mang đi mua vàng.
“Năm ngoái, 500 triệu đồng vợ chồng tôi gửi kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 8,2%/năm. Sắp tới rút sẽ được 41 triệu đồng tiền lãi. Tuy nhiên, giờ lãi suất xuống quá thấp, nếu gửi tiếp kỳ hạn 12 tháng chỉ được 4,9%/năm, gửi một năm mới được 24 triệu đồng. Trong khi đó, nếu năm ngoái tôi mua hết vàng thì lãi lên tới 60-80 triệu đồng/năm”, chị Tần phân tích.
Chị Tần muốn mua vàng để cất két nhưng vẫn chưa biết mua vàng miếng hay vàng nhẫn. (Ảnh minh hoạ).
Theo chị Tần, vào ngày 1/1/2023, giá vàng miếng SJC được các cửa hàng niêm yết ở mức 65,9-66,7 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giá vàng nhẫn chỉ 53-54 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), chênh lệch mua bán chỉ 1 triệu đồng/lượng.
Tới ngày 11/1/2024, giá vàng SJC đang ở mức 72,7-75,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), chênh lệch 2,5 triệu đồng/lượng; giá vàng nhẫn ở mức 62-63,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), chênh lệch 1,1 triệu đồng/lượng.
Như vậy, từ tháng 1 năm ngoái đến bây giờ, giá vàng nhẫn tăng 9,1 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC cũng tăng 8,5 triệu đồng/lượng. Với 500 triệu đồng năm ngoái chị mua được khoảng 9 lượng vàng nhẫn hoặc hơn 7 lượng vàng SJC, đến giờ mang bán lãi từ 60-80 triệu đồng.
Vì vậy, với số tiền 500 triệu đồng chuẩn bị đáo hạn ngân hàng, vợ chồng chị Tần quyết định mang hết đi mua vàng. Tuy nhiên, băn khoăn mãi, chị Tần vẫn chưa biết nên mua vàng nhẫn hay vàng miếng SJC.
Chị Tần cho rằng, nên mua vàng nhẫn vì có giá sát với giá vàng thế giới hơn.
“Chồng tôi thì cho vàng SJC có tính ổn định hơn, được Nhà nước quản lý nên luôn đảm bảo được chất lượng vàng, dễ thanh khoản, giá cũng cao hơn nên lợi nhuận sẽ tốt hơn nên nếu đầu tư chắc sẽ có lợi nhuận cao hơn. Vàng nhẫn rất dễ rớt giá và không thích hợp cho việc mua tích trữ. Tôi thì ngược lại, thấy mua vàng nhẫn hợp lý hơn”, chị Tần phân tích.
Chị Tần cho rằng, giá vàng miếng SJC có sự chênh lệch giữa mua và bán quá cao, có thời điểm chênh lệch lên tới 5-6 triệu đồng/lượng và chênh lệch với giá vàng thế giới tận 14 triệu đồng/lượng 20 triệu đồng nên chị rất sợ rủi ro.
Ngược lại, theo chị Tần, vàng nhẫn chỉ chênh lệch so với giá vàng thế giới từ 2-3 triệu đồng, mình vừa tích trữ lại vừa có thể dùng làm trang sức, đi chơi, đi tiệc, trao tặng thuận tiện hơn.
Theo chị Tần, vàng nhẫn vừa có thể tích trữ lại vừa dùng để làm trang sức, đi chơi, đi tiệc.
Trao đổi với PV, ông Đình Tùng Lâm – Viện đầu tư Tài chính DaVinci, giá vàng thế giới đang trong thời gian biến động mạnh và có xu hướng tăng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC đang quá cao và cao hơn giá vàng thế giới 14 triệu đồng/lượng nên đầu tư mua vàng miếng SJC sẽ gặp nhiều rủi ro.
Theo ông Lâm, thời gian qua, khi giá vàng miếng SJC lên quá cao, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu không để vàng hoá nền kinh tế và đánh giá lại thị trường vàng.
Tiếp đó ngày 4/1/2024, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 02 sửa đổi, sổ sung Quyết định 1623/QĐ-NHNN ngày 23/08/202 về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN.
Ngoài ra, NHNN đã sẵn sàng phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC trong thời gian tới.
Từ những yếu tố nêu trên thì giá vàng miếng SJC sẽ về gần hơn với giá vàng thế giới. “Vì vậy, hiện tại nên mua vào vàng nhẫn hơn là vàng SJC do giá chênh lệch với giá vàng thế giới không quá lớn”, ông Lâm nhấn mạnh.