Chiêu thức "miễn phí" và hành trình "sập bẫy"
Có lẽ, không có hành trình lừa đảo nào lại dễ lấy lòng tin của người ta đến vậy. Một thông báo được phát lên tường cá nhân của người dùng Facebook. Để có được thông báo này, "người bán hàng online" sẽ tạo một hộp box tự động chứa các thông tin. Bằng một khoản chi trả quảng cáo, các kênh bán hàng này sẽ được nhận một danh sách khách hàng phù hợp.
Thông thường, những "kênh bán hàng" sẽ dụ "con mồi" bằng hàng loạt các lời mời mọc mà những người dùng thiếu hiểu biết về công nghệ sẽ dễ dàng tin ngay. Các lời mời sẽ tùy thuộc vào dạng hàng được rao bán nhưng thông thường sẽ là "tri ân khách hàng", "khách hàng thân thiết" hay thậm chí chỉ là "lựa chọn ngẫu nhiên".
|
Chỉ cần nhấn nút là nhận ngay "quà free", đây là chiêu tiếp cận quen thuộc. |
Nhưng đó chưa phải là lý do lớn nhất khiến người mua hàng dính bẫy, mà lý do chính lại nằm ở sự "miễn phí" một cách đầy "ngẫu nhiên" mà người sử dụng "được" nhận. Nhiều người khi chưa kịp hiểu tại sao mình nhận được box thông tin thì đã vội vàng ấn vào vì thấy chỉ có một số lượng quà nhất định mà thôi. Và đó cũng chính là nguyên nhân mà nhiều người sử dụng mạng xã hội bị "dính bẫy".
Hàng loạt câu hỏi tự động được gửi đến người dùng với những lời thuyết phục vô cùng hấp dẫn và đương nhiên tất cả vẫn là miễn phí. Từ vòng phong thủy, mỹ phẩm, tai nghe, thực phẩm chức năng đều được tặng miễn phí. Người sử dụng vô tư xác nhận đầy đủ thông tin cá nhân và thậm chí cảm ơn cả người gửi tin nhắn.
Hàng tặng không bán nhưng vẫn phải trả phí gấp 10 lần giá thực
3 đến 5 ngày sau, nhân viên giao hàng sẽ gọi điện xác nhận về đơn hàng. Nhưng điểm chung của những "quà tặng" này là muốn nhận được hàng, người nhận sẽ phải chi trả một khoản phí đảm bảo như bảo hiểm cho mặt hàng "có giá trị".
|
Những chiếc vòng phong thủy là món quà "đặc sản" ở các trang hàng tặng quà miễn phí. |
Nguyễn Quỳnh Anh (sinh viên năm thứ hai, Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: "Em là một người rất sùng văn hóa tín ngưỡng. Do đó, khi biết mình được nhận một chiếc vòng tay do các sư thầy tận Tây Tạng trì chú miễn phí thì em sẵn sàng chịu trả phí thỉnh. Em đã phải trả khoảng gần 250.000 đồng để nhận được một mẫu vòng như vậy".
Tuy nhiên, khi hỏi về thông tin cụ thể nơi tạo ra chiếc vòng này thì ngay chính bản thân Quỳnh Anh cũng không xác định được. Khi tham khảo tại thị trường, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi biết chiếc vòng Quỳnh Anh nhận được có giá chỉ 25.000 đồng. Nhưng để có "món quà miễn phí", Quỳnh Anh đã phải trả số tiền gấp 10 lần chi phí thực.
Để tăng thêm phần tin tưởng, các đối tượng thường thêm tính tâm linh vào những mặt hàng của mình. Thủ thuật thông thường nhất có thể được kể đến là việc "trì chú" (là hình thức tụng niệm của các vị sư vào các đồ vật để thêm tính linh nghiệm).
Với những người có niềm tin đặc biệt về tâm linh thì chắc chắn sẽ không ngại bỏ một khoản tiền gấp hàng chục lần giá trị thật của món hàng để "đảm bảo" cho chính niềm tin của mình. Tuy nhiên, người dùng không có cách nào để có thể xác định được có thật những món hàng nhận được được trì chú hay không.
Với những mặt hàng khác, nhiều khi vì quá sùng tín hoặc cả nể công giao hàng của nhân viên mà người dùng Facebook phải miễn cưỡng nhận "quà tặng miễn phí".
Lộng hành do đâu
Chỉ với một vài thủ thuật đơn giản, một "lệ phí" quảng cáo siêu rẻ và những "chiêu thức" phù phép về tâm linh, những đối tượng bán hàng online thoải mái làm giàu mà không hề lo ngại bất kể vấn đề gì.
Điều đáng ngạc nhiên là ngoài những tin nhắn được cài đặt để trả lời tự động thì mặc nhiên không có một thông tin liên hệ cụ thể nào. Gọi điện về hàng chục cơ sở được gắn tên tặng "quà tri ân miễn phí", chúng tôi đều nhận được thông tin họ không hề tổ chức đợt tri ân nào như vậy. Cá biệt, còn có trường hợp tạo luôn cả tên cơ sở và địa chỉ giả.
Người được "tặng quà" khi phát hiện nghi vấn cũng không thể nào phản hồi với bên cung cấp quà cho mình. Và khi phát hiện bị lừa thì cũng chỉ biết tặc lưỡi cho qua vì tất cả đều đã được hợp thức hóa bằng sự "thuận mua vừa bán". Khách hàng đã xác nhận về thỏa thuận đồng ý mua và trả phí giao hàng trong chuỗi tin nhắn tự động. Tiền đã mất, mà sản phẩm thì không dám sử dụng.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Quy, chuyên kinh doanh mặt hàng phong thủy trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), cho biết: "Những người kinh doanh mặt hàng này đều lấy từ 1 nguồn, ngay cả những lời quảng cáo những chép ra từ một nguồn đó mà thôi".
Chuyên gia phong thủy Phùng Văn Khánh (Trung tâm phong thủy Phùng Khánh, phố Lê Duẩn, Hà Nội) cho biết: "Người ta sẽ tìm đến những vật dụng như trang sức phong thủy để củng cố niềm tin như một phép "thắng lợi" tinh thần. Nhưng không nên quá mù quáng, không thể cứ sở hữu một chiếc vòng mà được bình an, may mắn, làm ăn phát đạt được. Nếu chỉ đeo vòng mà mọi mong muốn đều đạt được thì chúng ta không cần làm gì khác ngoài việc đi mua vòng về đeo.
Những người đó bán vật phẩm phong thủy được trì chú mỗi ngày thì sư nào, thầy nào có nhiều thời gian chỉ đi phục vụ cho họ được, trong khi trì chú chỉ có thể thực hiện trên từng chiếc và phải có chủ sử dụng cụ thể".
Công nghệ phát triển khiến cuộc sống của con người hạnh phúc, tiện lợi hơn, tuy nhiên cũng đi kèm nhiều hệ lụy. Một trong số đó là việc hàng loạt chiêu thức lừa đảo mới được ra đời. Điều này không chỉ đòi hỏi người dùng mạng xã hội phải tỉnh táo hơn nữa mà các cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc sớm để ngăn chặn những sự việc đáng tiếc xảy ra.