Chàng trai Quảng Trị “giấu” hàng trăm triệu đồng dưới ao đất

Google News

Nghỉ làm kỹ sư vì dịch Covid-19, chàng trai Quảng Trị-anh Trần Công Hiếu thử sức nuôi ốc bươu đen. Trải qua nhiều lần thất bại, Hiếu bước đầu thành công, có thu nhập khá cao nhờ công việc này.

Thất bại là học phí phải bỏ ra

Nuôi ốc bươu đen để làm giàu là khái niệm khá mới ở tỉnh Quảng Trị. Bởi nhiều người nghĩ rằng, ốc bươu đen dễ nuôi nên nhiều người đã nuôi, sản phẩm làm ra phải cạnh tranh gay gắt, bán không được giá. Trò chuyện với Trần Công Hiếu – chủ trại ốc bươu đen ở thôn Nhật Lệ, xã Cam Thuỷ (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) chúng tôi mới biết, thực tế không phải vậy.

Dẫn chúng tôi thăm gia trại của mình, Hiếu cho biết bản thân đã trải qua nhiều lần thất bại, thua lỗ hàng chục triệu đồng mới đạt được thành công bước đầu như hiện nay.

Chang trai Quang Tri “giau” hang tram trieu dong duoi ao dat

Sau nhiều lần thất bại, Trần Công Hiếu (bên trái), xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) đã nuôi ốc bươu đen thành công, đem lại thu nhập khá cao. Không những vậy, Hiếu còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người để cùng nuôi. Ảnh: Ngọc Vũ.

Chàng trai 30 tuổi này cho biết, sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ cầu đường vào năm 2014, anh làm kỹ sư cho một công ty xây dựng ở tỉnh Kon Tum, mức lương 15 triệu đồng/tháng. Chàng kỹ sư trẻ được công ty cử đi nhiều tỉnh để làm việc, kể cả qua nước bạn Lào. Công việc của Hiếu cứ thế êm trôi cho đến khi gặp biến động vì dịch Covid-19.

Ăn Tết Nguyên đán năm 2019 xong, Hiếu sắp xếp đồ đạc dự định rời quê nhà, trở lại Lào tiếp tục xây dựng công trình thì dịch Covid-19 bùng phát mạnh, không thể di chuyển.

Là con nhà nông chính hiệu, không thể để chân tay rảnh rỗi, Hiếu lên mạng tìm hiểu cách làm kinh tế nông nghiệp. Thấy mô hình nuôi ốc bươu đen hiệu quả, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương và đặc biệt là vừa với túi tiền khá eo hẹp của mình, Hiếu bắt đầu nghiên cứu sâu hơn.

Sau khi cân nhắc các yếu tố, Hiếu trình bày ý tưởng với gia đình về việc nuôi ốc bươu đen. Tuy nhiên, cha mẹ của Hiếu tỏ ý không vừa lòng vì sợ con trai gặp thất bại. Không nản lòng, Hiếu quyết tâm nuôi thử nghiệm.

Ban đầu, Hiếu mua 5kg ốc về nuôi trong 10m2 ao lót bạt. Thế nhưng, chỉ sau thời gian ngắn, toàn bộ số ốc bị chết.

Chang trai Quang Tri “giau” hang tram trieu dong duoi ao dat-Hinh-2

Trần Công Hiếu đưa ốc bố mẹ vào khu vực lưới chắn để tiện chăm sóc. Ảnh: Ngọc Vũ.

Tháng 9/2019, Hiếu bỏ ra 9 triệu đồng mua 30.000 con ốc giống nuôi trong 2 ao lót bạt, mỗi ao 15m2. Dù Hiếu đã chăm sóc rất kỹ nhưng ốc vẫn chậm lớn. Không những thế, tháng 10/2019, Quảng Trị đón trận mưa đầu mùa rất lớn. Vì không có kinh nghiệm xử lý nguồn nước, toàn bộ ốc bươu đen trong 2 ao nuôi của Hiếu chết sạch.

Hiếu giải thích, nước mưa đầu mùa chứa nhiều axit, làm giảm độ PH trong ao nuôi một cách đột ngột. Khi đó, người nuôi phải xử lý để đảm bảo độ PH trong nước.

Ban đầu gia đình đã không đồng tình, sau khi ốc chết, Hiếu bị phản đối nhiều hơn. Thế nhưng, với quan điểm "Thất bại là học phí phải bỏ ra thì mới có ngày thành công", thông qua hội nông dân, Hiếu vay Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh huyện Cam Lộ 80 triệu đồng để tiếp tục nuôi.

Rút kinh nghiệm những lần thất bại trước, Hiếu học cách xử lý nước đạt độ PH tối ưu từ 6,5 đến 7 và mua bạt che để tránh nước mưa chảy vào ao nuôi lót bạt. Công tác chuẩn bị xong, Hiếu mua 10.000 con ốc bươu đen giống thả nuôi. Những tưởng lần này sẽ thành công, nhưng sau 1 tháng nuôi, ốc bươu đen của Hiếu vẫn chậm lớn. Nguy cơ thua lỗ nằm ngay trước mắt.

Nuôi ốc bươu đen làm giàu

Nhận thấy bản thân không có duyên với phương pháp nuôi ốc bươu đen trong ao lót bạt, Hiếu quyết định "đánh liều".

Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sẵn có 1 sào ruộng (500m2) của gia đình, Hiếu thuê thêm 5 sào ruộng giáp ranh để cải tạo thành 7 ao nuôi.

Chang trai Quang Tri “giau” hang tram trieu dong duoi ao dat-Hinh-3

Ốc bươu đen mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm cho chàng trai Trần Công Hiếu.

Hiếu thả toàn bộ ốc bươu đen nuôi trong ao lót bạt ra ao đất. Chỉ sau thời gian ngắn, ốc bươu đen nuôi trong ao đất phát triển mạnh, ít bệnh, đẹp bóng loáng. Sau 3 tháng nuôi, Hiếu bán 30kg ốc bươu đen. Số ốc còn lại Hiếu để làm ốc bố mẹ sinh sản.

Vụ tiếp theo, Hiếu thả nuôi 30.000 con ốc bươu đen giống. Tháng 4/2020, Hiếu vui mừng xuất bán 2 tạ ốc. Đây là động lực rất lớn để chàng trai miền "đất lửa" quyết tâm làm giàu từ ốc bươu đen.

Thế nhưng, niềm vui vừa nhen nhóm của Hiếu bị trận lũ lịch sử tháng 10/2020 dầm trong nước đục. Toàn bộ ốc bươu đen trong ao của Hiếu chết không sót một con. Lần thất bại này khiến Hiếu thiệt hại rất lớn.

Với một số người, khi gặp quá nhiều thất bại sẽ nản chí, bỏ cuộc. Còn với Hiếu, đam mê làm giàu từ ốc bươu đen như than đỏ vùi trong bếp. Nhận được "ngọn gió" là sự động viên của gia đình, bạn bè và chính quyền địa phương, Hiếu tiếp tục vay mượn 100 triệu đồng be bờ đắp đê, xử lý môi trường ao để tiếp tục thả nuôi.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và vốn kinh nghiệm tích luỹ, Hiếu đã cắt được chuỗi thất bại để đạt được thành công.

Từ năm 2021 đến nay, mỗi năm Hiếu xuất bán ra thị trường 2 tấn ốc thịt (giá giao động từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng/kg tuỳ theo size to hay nhỏ) và rất nhiều ốc giống. Sau khi trừ chi phí, Hiếu lãi 200 triệu đồng/năm.

Chang trai Quang Tri “giau” hang tram trieu dong duoi ao dat-Hinh-4

Trần Công Hiếu cho ốc bươu đen ăn thức ăn xanh gồm các loại rau, quả. Ảnh: Ngọc Vũ.

Hiếu cho biết, tháng 4 đến tháng 10, thời tiết ấm áp, ốc phát triển mạnh, đó cũng là chính vụ nuôi ốc. Muốn nuôi ốc bươu đen thành công, trước tiên phải đảm bảo độ PH của nước từ 6,5 đến 7. Hơn thế, hàng tuần nên bổ sung nguồn nước mới vào ao, xử lý vi sinh vật gây hại. Nên thả thêm một ít cá mè trong ao nuôi ốc bươu đen. Loại cá này ăn thức ăn thừa của ốc và xủi bùn, giúp ao không bị khí độc tích tụ.

Thức ăn của ốc bươu đen gồm các loại rau, quả như bầu bí, rau đậu, khoai, môn… Ao nuôi ốc bươu đen phải thả trồng các loại bèo như bèo tây, bèo tay tượng hay cây hoa súng... Những loại thuỷ sinh này không chỉ tăng độ che phủ để làm mát vào mùa hè, giữ ấm vào mùa đông mà còn có tác dụng lọc nước.

Chang trai Quang Tri “giau” hang tram trieu dong duoi ao dat-Hinh-5

Trần Công Hiếu trồng các loại thuỷ sinh trong ao nuôi ốc bươu để làm mát vào mùa hè, giữ ấm về mùa đông, giúp ốc sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Ngọc Vũ.

Mùa hè, mực nước trong ao nên để từ 0,8m đến 1,2m. Mùa đông nên giảm mực nước còn 15cm đến 20cm. Ở mực nước này, các loại thuỷ sinh sẽ nằm gần sát đáy ao, giúp ốc có nơi trú ngụ, giữ ấm tốt hơn.

Sau khi ốc bố mẹ đẻ trứng, Hiếu đưa vào thùng xốp, có máy móc hỗ trợ để ấp trong 25 ngày, nâng tỷ lệ trứng nở so với môi trường tự nhiên.

Ốc khi mới nở cần dùng các loại chế phẩm làm giàu nước và cho ăn các loại thức ăn mềm như mướp, bầu. Tuỳ theo yêu cầu về kích cỡ của khách hàng mà Hiếu nuôi ốc từ 3 đến 5 tháng là có thể xuất bán.

Ông Võ Thanh Tú – Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thuỷ (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) cho biết, so với làm ruộng, mô hình nuôi ốc bươu đen của Trần Công Hiếu có hiệu quả kinh tế vượt trội.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, Hiếu còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người có chung chí hướng, giúp nhau xoá đói giảm nghèo.

Nhờ vậy, trên địa bàn xã đã có thêm một số mô hình nuôi ốc bươu đen có triển vọng. Trần Công Hiếu xứng đáng là tấm gương để mọi người học tập.

Theo Ngọc Vũ/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)