Mới đây, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (mã: PTI) đã công bố thông tin nhận được quyết định của Cục Thuế TP Hà Nội về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
Theo đó, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện đã có hành vi vi phạm chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định. Cụ thể, ngày 23/10/2023, Bảo hiểm Bưu điện nộp chậm tờ khai khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, kỳ tính thuế tháng 9/2023, quá hạn 3 ngày so với hạn nộp hồ sơ ngày 20/10/2023.
Tuy nhiên, theo Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện có tình tiết giảm nhẹ do vi phạm trong hoàn cảnh khó khăn khi hệ thống mạng internet của đơn vị bị lỗi kỹ thuật. Do đó, doanh nghiệp chỉ bị cảnh cáo đối với vi phạm này.
Liên tiếp vi phạm thuế, bị xử phạt
Đáng chú ý, liên quan đến vi phạm thuế, đây không phải là lần đầu Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện bị Cục Thuế TP Hà Nội bêu tên. Trước đó, vào cuối tháng 3/2023, Bảo hiểm Bưu điện cũng đã nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
Quyết định ghi rõ, Bảo hiểm Bưu điện đã kê khai sai, dẫn đến thiếu số thuế phải nộp hơn 1,05 tỷ đồng theo công văn của Kiểm toán Nhà nước. Trong đó, thuế giá trị gia tăng hơn 989,41 triệu đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 60,63 triệu đồng. Hậu quả, Bảo hiểm Bưu điện bị xử phạt tiền do khai sai mức 20% trên số thuế tăng thêm qua kiểm toán với số tiền hơn 210 triệu đồng
Ngoài ra, Bảo hiểm Bưu điện còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả gồm: Nộp đủ số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp thiếu năm 2018 gần 61 triệu đồng; nộp đủ số tiền thuế giá trị gia tăng thiếu năm 2018 hơn 989 triệu đồng và nộp tiền thuế chậm nộp hơn 63 triệu đồng.
Như vậy, tổng số tiền thuế tăng thu, tiền phạt và tiền chậm nộp mà Bảo hiểm Bưu điện cần nộp là hơn 1,3 tỷ đồng.
Mặt khác, Cục Thuế TP Hà Nội cũng cho biết, số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng hơn 1,05 tỷ đồng đã được Bảo hiểm Bưu điện nộp bù đủ vào ngân sách Nhà nước các ngày 12 - 13/8/2019.
Tương tự, hồi cuối tháng 10/2022, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện cũng bị Cục Thuế Hà Nội ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Cụ thể, về thuế giá trị gia tăng, Bảo hiểm Bưu điện đã xuất sai thuế suất, xuất chậm hoá đơn quà tặng, kê khai khấu trừ hoá đơn mua vào của doanh nghiệp đã bỏ địa chỉ kinh doanh.
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Bảo hiểm Bưu điện đã hạch toán không đúng quy định chi phí hóa đơn mua vào của đơn vị bỏ địa chỉ kinh doanh; thuế giá trị gia tăng đầu ra quà tặng đơn vị hạch toán vào giá vốn, các khoản chi phí không có đủ hồ sơ hóa đơn theo quy định.
Đối với thuế thu nhập cá nhân, công ty đã tăng thuế thu nhập cá nhân đối với các cá nhân có nhiều nguồn thu nhập ủy quyền quyết toán không đúng cho đơn vị, khấu trừ thiếu thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn. Về thuế nhà thầu, đơn vị này xác định sai tỷ lệ thuế phải nộp…
Tổng số tiền truy thu thuế, tiền phạt và chậm nộp của Bảo hiểm Bưu điện là hơn 4,3 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty phải giảm thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau với số tiền hơn 418 triệu đồng.
Kinh doanh khởi sắc, vượt mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng
Được biết, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện được Sở Kế hoạch và Đầu tư Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào ngày 01/02/2007, có địa chỉ trụ sở chính tại số 95 phố Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật công ty là ông Nguyễn Kim Lân.
|
Chậm nộp hồ sơ khai thuế, bị cảnh cáo, lợi nhuận Bảo hiểm Bưu điện ra sao? Ảnh minh họa: Internet. |
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Bảo hiểm Bưu điện tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận đạt gần 1.075 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí nhượng tái bảo hiểm (giảm 40%) giảm mạnh hơn doanh thu phí bảo hiểm gốc (giảm 15%).
Trong kỳ, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 8% so với cùng kỳ xuống còn gần 1.052 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí bồi thường bảo hiểm giảm 24% xuống còn hơn 467 tỷ đồng. Cùng với đó, lợi nhuận gộp hoạt động tài chính tăng lãi 77% so với cùng kỳ, lên hơn 57,4 tỷ đồng, qua đó giúp Bảo hiểm Bưu điện có lãi trở lại trong quý III/2023 với 38,6 tỷ đồng lãi sau thuế, trong khi cùng kỳ lỗ ròng hơn 167 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Bảo hiểm Bưu điện ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 3.732 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 124,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 348 tỷ đồng. Công ty thoát lỗ chủ yếu nhờ lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm có lãi trở lại với gần 165 tỷ đồng và lợi nhuận gộp hoạt động tài chính tăng 42% lên hơn 120 tỷ đồng. Năm 2023, Bảo hiểm Bưu điện đặt mục tiêu doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 5.730 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 112 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã vượt gần 14% mục tiêu lợi nhuận năm chỉ sau 9 tháng.
Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Bảo hiểm Bưu điện ghi nhận đạt hơn 8.650 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu nằm ở đầu tư tài chính với danh mục đầu tư có sự chuyển dịch kỳ hạn.
Cụ thể, khoản tiền và các khoản tương đương tiền giảm 76% so với đầu năm, lùi về mức 56,9 tỷ đồng. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng nhẹ 4% so với đầu năm lên 3.999,5 tỷ đồng. Trong đó, Bảo hiểm Bưu điện giảm gần 688 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn ngắn so với đầu năm xuống còn 2.501 tỷ đồng và giảm 74% chứng chỉ tiền gửi còn 65 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, Bảo hiểm Bưu điện chuyển sang đầu tư vào trái phiếu với giá trị gấp hơn 3,4 lần đầu năm, lên hơn 1.433 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản mục hàng tồn kho lùi về 646,6 tỷ đồng, giảm 57,5% so với đầu năm. Khoản đầu tư tài chính dài hạn cũng tăng mạnh, gấp gần 2,8 lần đầu năm, lên 854,6 tỷ đồng, trong đó, chiếm phần lớn là khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 821 tỷ đồng, chủ yếu do tăng tiền gửi có kỳ hạn dài từ 54 tỷ đồng lên gần 714 tỷ đồng và giảm 112 tỷ đồng đầu tư trái phiếu.
Tại cuối quý III/2023, nợ phải trả của Bảo hiểm Bưu điện tăng 2% so với đầu năm, lên gần 6.715 tỷ đồng, chủ yếu do công ty ghi nhận mới khoản vay ngắn hạn gần 328 tỷ đồng. Tại ngày 30/9/2023, công ty còn khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ghi nhận ở mức gần 191 tỷ đồng, tăng hơn 124 tỷ đồng so với đầu năm.