Rót thêm hàng ngàn tỷ đồng vào BWID
BWID (liên danh Liên doanh của Becamex và quỹ đầu tư Warburg Pincus) sẽ tăng vốn điều lệ thêm 5.097 tỷ, từ 8.678 lên gần 13.775 tỷ đồng.
Do đó, để duy trì tỷ lệ nắm gữ 30%, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex, HoSE: BCM) sẽ góp thêm hơn 1.529 tỷ đồng vào BWID.
Trong đó đợt 1, Becamex góp thêm gần 845 tỷ đồng bằng tiền mặt chậm nhất vào 31/12/2021. Đợt 2, Becamex sẽ chi 684 tỷ đồng mua hơn 68 triệu cổ phần phát hành thêm của BWID, chậm nhất 30/6/2022.
Sau khi tăng vốn, tỷ lệ sở hữu của Becamex tại BWID vẫn duy trì mức 30% vốn, tương ứng lên tới 4.132 tỷ đồng.
Vay nợ tài chính tới 16.000 tỷ đồng
Tại thời điểm 30/6/2021, Becamex ghi nhận tới 13.401 tỷ đồng đầu tư vào liên doanh liên kết, tăng thêm 1.477 tỷ đồng so đầu kỳ.
Trong đó, Becamex đã đầu tư tới 2.603 tỷ đồng vào BWID và tại ngày 30/6/2021 lợi nhuận phát sinh từ khoản đầu tư này chỉ hơn 27 tỷ đồng. Đây là khoản đầu tư lớn thứ 2 của Becamex vào công ty liên doanh liên kết, chỉ sau Công ty TNHH Becamex Tokyu (2.932 tỷ).
Cũng cần lưu ý, tại thời điểm cuối quý 2/2021, Becamex đang vay nợ tài chính tới hơn 16.000 tỷ đồng, chiếm 33% tổng nguồn vốn (48.464 tỷ đồng). Trong đó Becamex huy động qua kênh trái phiếu hơn 8.321 tỷ đồng, và từ đầu năm đến nay vẫn liên tục huy động hàng ngàn tỷ từ kênh này.
Việc vay nợ lớn khiến Becamex cũng nặng gánh với chi phí lãi vay khi hàng năm phải chi tới từ 600 - 1.000 tỷ cho khoản này.
Becamex ghi nhận hàng tồn kho tới 22.922 tỷ đồng, chiếm tới gần phân nửa tổng tài sản.
Cũng cần lưu ý, các khoản vay của Becamex đều được thế chấp bằng các dự án như Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, 2, 3; đất trong khu Thành phố mới Bình Dương; quyền sử dụng đất tại phường Hoà Phú, TP Thủ Dầu Một; Khu tái Định cư Hoà Lợi; bất động sản ở huyện Bến Cát; khu đô thị Lai Hưng; khu đô thị Bàu Bàng; khu dân cư ấp 5C…
|
Thành phố mới Bình Dường, một trong những dự án lớn nhất của Becamex. |
Vì sao người dân chưa được cấp sổ nhiều dự án của Becamex?
Trong một diễn biến khác, cuối tháng 9 vừa qua, cử tri ở Bình Dương phản ánh người dân mua đất tại một số dự án của Becamex nhiều năm nhưng vẫn chưa được cấp sổ. Đơn cử là dự án Khu tái định cư 5A (huyện Bàu Bàng) và dự án Khu dân cư Thuận Giao (TP Thuận An) của Becamex.
Cụ thể, cử tri tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng phản ánh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân được tái định cư tại khu dân cư 5A rất chậm. Một số hộ dân nhận đất tái định cư từ năm 2014 đến nay nhưng chưa được cấp nên không thực hiện được thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà ở, làm ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi.
Còn cử tri ở phường Thuận Giao cho rằng Becamex bán đất cho người dân tại Khu dân cư Thuận Giao đã 5 năm nay mà người dân chưa làm được thủ tục cấp quyền sử dụng đất. Vụ việc này trong kỳ tiếp xúc cử tri giữa năm 2020, người dân đã ý kiến nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết.
Cử tri đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết vấn đề này và kiểm tra xem có dấu hiệu vi phạm pháp luật không, trách nhiệm thuộc về cá nhân hay tổ chức, yêu cầu giải quyết bảo đảm quyền lợi của người dân.
Về vấn đề này, Sở Tài Nguyên và Môi trường Tỉnh Bình Dương cho biết, đối với Khu tái định cư 5A qua rà soát hồ sơ, Becamex đã được UBND tỉnh điều chỉnh diện tích, vị trí các loại đất đã được giao đất tại Quyết định số 1825 ngày 7/5/2009 do thay đổi quy hoạch chi tiết xây dựng; đồng thời giao đất (đợt 2) tại Quyết định số 156 ngày 16/01/2020.
Becamex đã thực hiện nghĩa vụ tài chính và được Sở Tài và nguyên Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên đến nay, Sở Tài Nguyên và Môi trường chưa nhận được hồ sơ đề nghị thu hồi đất của Becamex giao về cho UBND huyện Bàu Bàng để cấp tái định cư cho các hộ dân. Sở sẽ có văn bản đôn đốc đề nghị Becamex khẩn trương lập thủ tục theo quy định.
Đối với dự án Khu dân cư Thuận Giao, chủ đầu tư phải có giấy chứng nhận, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật theo quy định chi tiết được duyệt và được kiểm tra xác nhận… Qua rà soát, hiện nay Sở Tài Nguyên và Môi trường chưa nhận được hồ sơ của Becamex để làm thủ tục chuyển nhượng cho người dân tại Khu dân cư Thuận Giao.
Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng giữa người dân và Becamex trước tiên do các bên tự thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không tự thỏa thuận được thì tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Do đó, Sở Tài Nguyên và Môi trường đề nghị cử tri liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, hướng dẫn, giải quyết theo quy định.