Những ngày qua, dư luận nóng lên bởi nhiều sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh do ông Lê Thanh Thản làm chủ tịch hội đồng quản trị.
Theo ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), những câu chuyện liên quan đến pháp luật của Tập đoàn Mường Thanh đã có cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Còn một số vấn đề liên quan đến chất lượng chung cư ông Thản, tại sao Tập đoàn Mường Thanh làm được nhà giá rẻ mà doanh nghiệp khác thì không... thì ông muốn làm rõ.
|
12 tòa nhà HH Linh Đàm là một trong những dự án lớn của ông Lê Thanh Thản |
Khẳng định chưa từng tiếp xúc trực tiếp với ông Lê Thanh Thản mà chỉ đi kiểm tra các công trình do doanh nghiệp của ông Thản thực hiện, ông Lê Văn Thịnh nhận định, Tập đoàn Mường Thanh đã làm được điều mà nhiều doanh nghiệp khác không làm được, trong khi tập đoàn này không hề nhận được ưu đãi gì trong quá trình đầu tư xây dựng các chung cư ở Hà Nội.
"Thực tế, Mường Thanh cũng phải đi mua đất làm nhà, lo từ thiết kế đến thi công.
Ngay từ khâu đầu tiên là thiết kế, ông Thản đã có một doanh nghiệp thiết kế riêng, những người thiết kế chỉ ăn lương của ông Thản nên chi phí thiết kế đã tiết kiệm được rất nhiều.
Về chi phí về quản lý dự án và chi phí giám sát thi công xây dựng, Mường Thanh tiết kiệm được do họ tự làm.
Nhân sự quản lý dự án và nhân sự giám sát của Mường Thanh cũng vô cùng ít, chỉ 4-8 người và họ làm rất tốt, khác với các chủ đầu tư khác "phóng tay áo xô" thuê tư vấn giám sát.
Về vật tư, vật liệu, ông Thản tự sản xuất nên rẻ.
Xét về chất lượng, nhà giá rẻ của Mường Thanh không thua kém gì nhà ở thương mại. Còn về tiện nghi nhà ở đúng là cần phải xem lại, đặc biệt các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy phải tuân thủ hết sức nghiêm ngặt", ông Lê Văn Thịnh phân tích.
Trở lại với câu hỏi: Tại sai ông Thản làm được nhà giá rẻ mà doanh nghiệp khác không làm được?, ông Lê Văn Thịnh trả lời: Chỉ vì doanh nghiệp muốn lãi nhiều hay lãi ít. Quan điểm của ông Thản là không lãi nhiều.
"Bộ Xây dựng đưa ra yêu cầu về suất vốn đầu tư cho một công trình nhà cao tầng không phải là nhiều, nếu không kể tiền đất. Nếu không bao gồm tiền đất thì 7-8 triệu/m2, cùng lắm chỉ 10 triệu đồng/m2, đã được nhà đẹp.
Thế nhưng ở đây, kể cả tiền đất, những nhà đầu tiên ông Thản bán ở Hà Nội cũng chỉ từ 13-15 triệu đồng/m2. Tại sao Mường Thanh làm được?
Chi phí đúng là nỗi khổ của nhà đầu tư mà không ai nói ra được. Tuy nhiên, một phần chi phí, thủ tục là do các nhà đầu tư lấy cớ mà thôi. Không phải chỗ nào cũng tiêu cực dẫn đến chi phí cho mỗi mét vuông nhà cao lên. Cơ bản là doanh nghiệp khác thích lãi nhiều", vị chuyên gia thẳng thắn.
Ông Lê Văn Thịnh khẳng định, xây nhà giá rẻ không hề khó. Nếu Nhà nước thật sự quan tâm đến người nghèo, người thu nhập thấp thì chỉ cần cấp đất hoặc giao đất với giá rẻ thì chắc chắn người dân sẽ có nhà ở giá rẻ, chất lượng tốt ngang nhà ở thương mại.
Còn trường hợp nhà đầu tư tự kiếm đất, khi ấy tùy thuộc doanh nghiệp muốn thặng dư bao nhiêu họ sẽ quyết định chi phí đầu ra.
"Nhà đầu tư không phải là nhà từ thiện. Nếu với cách làm như ông Thản, đồng thời ông Thản nghiêm túc thực hiện pháp luật, tuân thủ các quy chuẩn về xây dựng, các tiêu chuẩn kỹ thuật thì mọi chuyện đều tốt đẹp", ông nhấn mạnh.
Trong câu chuyện của mình, nói về những vi phạm của Tập đoàn Mường Thanh, ông Lê Văn Thịnh lưu ý đến trách nhiệm của chính quyền sở tại.
"Theo Luật Xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm thông báo ngày khởi công cho UBND sở tại nơi có công trình trước 7 ngày kèm theo giấy phép xây dựng. Vấn đề là chính quyền sở tại có giám sát chặt chẽ hay không, đó là việc của họ.
Chẳng hạn, đối với việc xây vượt tầng, tòa nhà cao tầng như thế không phải cái kim giấu được mà chính quyền sở tại không biết", ông Thịnh nói.
Bởi thế, một lần nữa ông lưu ý rằng nên có cái nhìn khách quan trong vụ việc liên quan đến Tập đoàn Mường Thanh. Bản thân ông Thản phải tuân thủ quy chuẩn xây dựng theo Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật khác, còn chính quyền, xã hội cần giám sát thì cứ làm.