Vợ chồng lục đục vì... hạn mặn

Google News

Cái mặn đắng của nước rồi cũng nhiễm vào bầu không khí an lành của gia đình.

Mấy tháng qua, miền Tây hạn mặn, ruộng lúa, cây ăn trái tổn thất nặng. Vùng Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nước ngọt quanh năm, mùa khô năm nay bất ngờ xâm nhập mặn, khiến người trồng sầu riêng trở tay không kịp. Cái mặn đắng của nước rồi cũng nhiễm vào bầu không khí an lành của gia đình.
Nước đổ mặn, người đổ quạu
Sáng sớm, đã có cuộc cự cãi ì xèo giữa vợ chồng chú tư. Thím tư biểu chú tư rải phân cho sầu riêng, thì chú buông điện thoại xuống, xực lại: “Nước đâu tưới mà rải với xịt? Đừng có tài lanh kéo bao phân về…”. Thấy chồng thụ động, “dầu sôi lửa bỏng” mà cứ ngồi lướt mạng, thím tư cau có chỉ tay ra vườn, nơi mấy cây sầu riêng bị sâu ăn quéo lá. Thím giục chú đi chở nước ngọt, dù là nước được cứu trợ, hay phải mua từng khối cũng phải đem về để cứu cây. Trễ vài ngày nữa là cây chết khô, nguồn sống gia đình cũng rụi.
Vo chong luc duc vi... han man
Người dân Cai Lậy chở từng thùng nước để sinh hoạt và cứu khát cho cây - Ảnh: N.T. 
Chú tư đặt điện thoại cái cộp trên bàn, tín hiệu cho thím đừng nói nữa. Đâu phải chú thảnh thơi lướt mạng, mà tìm đọc thông tin, nghiên cứu cách xử lý nước, lọc nước, giá cả các máy lọc nước ngọt, khoan giếng… Phương án nào cũng vượt quá khả năng kinh tế và trình độ của chú. Tháng trước, gia đình đã tốn khoảng hai mươi triệu đồng mua nước từ xà lan để tưới cây. Một vài cây đang khát khô, được tưới thành ra sốc nước, héo lá khiến chú thím đổ lỗi nhau tưng bừng.
Chính quyền cho nước ngọt, nhưng chở đường xa bằng xe máy từng can một, tiền xăng mấy lượt và công cán đổ ra cũng nhiều. Thỉnh thoảng chú thím lén mở vòi nước máy tạt vài ca cho cây cầm cự, nhưng làm vậy thì hụt nước sinh hoạt của nhà khác.
Có khi nước yếu, không chảy giọt nào, nước ngọt không đủ “tắm tráng” cho mấy đứa cháu. Chúng rít người, ngứa, dị ứng, la khóc nháo nhào. Chú thím, con ruột, con rể, con dâu đổ thừa, cự nự nhau. Người quá chú trọng, người thì thờ ơ, ngồi nhậu một chút cũng sinh cãi cọ, giận hờn.
Rồi chuyện chia sẻ nước ngọt cũng gây phiền. Nhà sui làm đám giỗ gặp ngay đợt nước mặn, thằng rể âm thầm về chiết nước đem tiếp viện nhà mình. Giận vì thằng rể tự ý chôm nước, chú Tư la: “Biết có đám giỗ mà không phòng hờ trước. Đợt khó khăn này thì cúng một mâm gọn gọn, phô trương làm gì?”. Rồi chú kể tội trước giờ của thằng rể ham chơi, cờ bạc, nợ nần, khiến nhà vợ phải phụ trả, không biết tích lũy, nhà sui lại bênh con, quay sang ăn hiếp con gái nhà mình… Thím tư ngăn chú lại, sợ sui gia mích lòng rồi vợ chồng tụi nó lại cắn đắng. Vậy là có “cuộc chiến” mới giữa vợ chồng chú tư.
Cơm áo gạo tiền của cả gia đình trông chờ vào trái sầu riêng nên người dân đứng ngồi không yên khi cây hấp hối trong vườn. Nhịp sống bình yên thường nhật, dự trù kinh phí tu bổ vườn tược đảo lộn tùng phèo. Không thích nghi được, các thành viên trong gia đình cũng căng thẳng, “cơm không lành, canh không ngọt”. Những gút mắc, nghi ngờ, “bằng mặt chẳng bằng lòng” bấy lâu bùng phát. Tất cả gói trong hai chữ “nước mặn”.
Tình người xin cứ ngọt với nhau
Giờ cứ đề cập đến chuyện nước là chỉ trong vòng vài nốt nhạc, vợ chồng lại nạt nhau, cha mẹ gắt gỏng đánh đòn con. Thử hình dung gia đình cần một số tiền để mua nước tưới giá vài chục ngàn một khối, ai sẽ đi chở, ai sẽ là người hạ mình đi mượn tiền họ hàng, bạn bè trong thời điểm nhà ai cũng ngặt? Khoan giếng ngót mười triệu đồng, động mạch nước ngầm có khi bị chính quyền nhắc nhở, lại không chắc gặp nguồn nước tốt. 
Sau tết Nguyên đán, dịch bệnh khởi phát khiến cửa khẩu bị đóng, sầu riêng đã phải bán đổ bán tháo, kinh tế các gia đình bị thiệt hại nặng, không còn khoản tiền để tu bổ vườn, lại bồi tiếp đợt hạn mặn này. Chẳng những mọi dự tính như trả dứt nợ, sang năm cất nhà, cưới dâu… bị vỡ tan, mà đến cả ăn nói nhẹ nhàng, lắng nghe nhau cho trọn ý cũng không dễ. Cảm xúc cũng bị “nhiễm mặn”. Cự cãi riết rồi vợ chồng nhận ra chẳng thể chịu nổi tính khí và quan điểm của nhau.
Chồng đọc thông tin người nổi tiếng ở TP.HCM quyên tiền cứu trợ nước ngọt cho miền Tây vượt qua cơn hạn mặn, đã chê bai một số vợ chồng ca sĩ giàu vậy mà keo, không cứu trợ thì thôi, cứu trợ phải cho đáng. Vợ lại bênh: “Của ít lòng nhiều. Làm nghề gì thì đồng tiền cũng là mồ hôi nước mắt. Mình dưới quê gặp hạn mặn cây chết, người ta trên thành phố thì đóng cửa nhà hát, tụ điểm. Ca sĩ, diễn viên mất sô, họ nhín chút tiền để cứu trợ là may phước rồi, còn chê ít. Chê vậy mai mốt ai dám đóng góp nữa?”. Chồng quật lại, cho rằng họ thành tâm giúp người thì ít, đánh bóng tên tuổi thì nhiều. Nghe tức mình, vợ phán chồng “vô ơn” rồi đùng đùng bỏ ra vườn. Tối đến, mạnh ai nấy ngủ, mạnh ai nấy thở dài.
Ai đâu ngờ có chuyện hạn mặn dai dẳng đối với miền Tây vốn gắn liền hai chữ “sông nước”. Hạn mặn ập đến nhắc người dân rằng, bấy lâu bà con diễm phúc được thiên nhiên ưu đãi, ít nhất là về nguồn tài nguyên nước. Nhưng các phương án phòng bị là không thừa. Một cái đê, một mương sâu, một cống nước, một hàng lu, một bồn trữ… để vững vàng, linh hoạt mọi tình hình.
Đã gọi là tài nguyên thì quý và không phải vô tận. Không chuẩn bị, đón lấy, tìm cách đối phó với đồng khô, ruộng cạn, nước mặn tứ bề, để đến khi lâm cảnh khốn cùng, sức chịu đựng có hạn, người một nhà dễ sinh chuyện, bất đồng... Càng nghĩ càng ngao ngán!
Theo Phunuonline

>> xem thêm

Bình luận(0)