Vì sao Hà Nội biến thành “hỏa diệm sơn”?

Google News

Những ngày qua, nhiệt độ cao nhất ghi nhận được ở Hà Nội từ 39-40 độ. Tuy nhiên, nhiệt độ ngoài đường lên tới hơn 50, thậm chí gần 60 độ. Đây là hệ quả của quá trình đô thị hóa quá nhanh dẫn đến hiện tượng đảo nhiệt đô thị.


Vi sao Ha Noi bien thanh “hoa diem son”?
 
Nhiệt độ chênh tới gần 20 độ
Nhiệt độ cao nhất ngày 22/6 ở Hà Nội là 40,2 độ C tại điểm đo Láng, quận Đống Đa. Tuy nhiên, khi lưu thông trên đường Láng Hạ, anh Hoàng Văn Hà lấy nhiệt kế đo thì thấy nhiệt độ mặt đường lên tới 58,5 độ C, cao hơn 18 độ C so với lều khí tượng. Anh Lê Minh Quang (Cầu Giấy) cũng giật mình khi đo được nhiệt độ 57 độ trên đường Trần Duy Hưng trưa 23/6.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, Hà Nội cũng như các đô thị lớn trên thế giới chịu ảnh hưởng của hiện tượng đảo nhiệt. Đây là kết quả của quá trình đô thị hóa, khi nhiều công trình xây dựng mọc lên khiến cây xanh và hồ điều hòa được thay thế bằng các khối bê tông, cốt thép, cung đường trải nhựa. Các vật liệu này hấp thụ và tỏa nhiệt lớn hơn hẳn các bề mặt tự nhiên.
Ông Lê Thanh Hải, Tổng thư ký Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam, nói rằng, nhiệt độ bên ngoài thực tế phụ thuộc nhiều yếu tố như điều kiện địa hình, hướng gió, mật độ cây xanh, mặt nước, tỷ lệ bê tông hóa. Vì thế, những ngày nóng nhất, khu vực nội đô càng trở nên hầm hập, gay gắt giống như một ốc đảo với nhiệt độ cao hơn hẳn vùng xung quanh.
Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thông tin, khoảng 10 năm gần đây, Hà Nội mọc lên hàng loạt tòa cao ốc, kéo theo sự thay đổi vi khí hậu tại chỗ. Cùng với việc giảm diện tích cây xanh, mặt nước do mật độ xây dựng dày đặc, các tòa nhà còn tỏa ra nhiệt lượng lớn do dùng các thiết bị điều hòa. “Cao điểm nắng nóng, mỗi tòa nhà có thể có hàng chục, thậm chí hàng trăm cục nóng điều hòa tỏa nhiệt ra môi trường, càng làm cho nội đô Hà Nội trở nên hầm hập”, ông Đức nói.
 

Cần xanh hóa các công trình xây dựng

Tỷ lệ cây xanh trên đầu người ở Hà Nội được đánh giá khá thấp dù vài năm gần đây, thành phố tích cực trồng nhiều cây xanh. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, thành phố trồng thêm hơn 1,5 triệu cây xanh, đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ diện tích xanh trên bình quân đầu người đạt 10-11 m2.

Theo các chuyên gia, ngay cả khi đạt được mục tiêu này, tỷ lệ cây xanh ở Hà Nội vẫn rất thấp bởi tỷ lệ bình quân các đô thị trên thế giới khoảng 20-25m2/người. Ở một số đô thị, tỷ lệ này còn cao hơn nhiều như Singapore có diện tích cây xanh đến 30,3 m2/người, Seoul là 41 m2/người, Berlin (Đức) 50m2/người, Mátxcơva (Nga) 44m2/người.

Ông Đức cho rằng, Hà Nội cần tăng tỷ lệ diện tích xanh trên bình quân đầu người bằng việc trồng thêm nhiều cây, mở rộng diện tích cây xanh, công viên, mặt nước, nhất là ở khu vực nội đô, thay vì biến các bãi đất trồng thành tòa nhà cao tầng. Bên cạnh đó, cần xanh hóa các công trình xây dựng, như thực hiện mái xanh, sân xanh, hiên xanh che phủ những bề mặt hấp thụ nhiệt lớn như bê tông, kim loại.

Yêu cầu chủ đầu tư các công trình tăng tỷ lệ cây xanh trên các mặt đứng của công trình xây dựng, nhất là cao ốc. Ngoài ra, có thể thay các bề mặt không thấm nước bằng các bề mặt khác như như thảm cỏ, vườn cây, gạch lát rỗng, tăng cường sử dụng thiết bị điện tử thân thiện với môi trường. “Việc phủ xanh nóc các công trình xây dựng cũng góp phần giảm nhiệt trong những ngày nắng nóng gay gắt”, ông Đức nói.

Nguyễn Hoài/Theo Tiền phong

>> xem thêm

Bình luận(0)