Những ngày này, người dùng Tinder, ứng dụng hẹn hò phổ biến nhất thế giới, thường xuyên nhận được tin nhắn chào đón khác thường: “Giãn cách xã hội không có nghĩa là ngắt kết nối. Chúng tôi hy vọng được là nơi kết nối giữa mọi người trong giai đoạn thách thức này, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng đây chưa phải là thời điểm để gặp gỡ trực tiếp đối tượng hẹn hò ngoài đời thường. Hãy duy trì mọi thứ tại đây”, thông điệp được Tinder chuyển đến người dùng.
Đúng với bản năng con người, nhu cầu được kết nối với người khác, nhất là về một điều lãng mạn, mạnh mẽ hơn tất cả. Việc siết chặt đi lại toàn cầu và giảm tiếp xúc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đã chứng tỏ được hiệu quả tại châu Á và nhiều khu vực khác. Nhưng liệu nó có làm chậm tốc độ các cặp đôi mới được thiết lập, nhất là ở những nước mà hẹn hò qua mạng đã phổ biến với nhiều người trong chuyện gặp gỡ?
Không hẳn là như vậy. Tuy vẫn chia sẻ những hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về giãn cách xã hội trên nền tảng của mình và hướng dẫn người dùng không gặp gỡ trực tiếp, Tinder và nhiều ứng dụng hẹn hò khác đã chứng kiến sự ra tăng mạnh về lượng truy cập trong vài tuần gần đây.
Hẹn hò khi xa cách xã hội
Lars, 45 tuổi người Berlin, tiếp tục sử dụng ứng dụng hẹn hò kể từ khi dịch COVID-19 lây lan đến Đức, nhưng anh chưa gặp mặt bất kỳ đối tác nào ngoài đời thực. Đây không phải là điều quá bình thường, Lars chia sẻ với tờ DW. Lý do là bởi anh thường có thói quen sau một thời gian hẹn hò trên mạng mới gặp mặt. “Nhiều cặp đôi có tán gẫu gặp gỡ trong điều kiện cách xa xã hội, cũng có nhiều người cười đùa cho rằng kiểu tìm kiếm bạn đời như thế đánh mất hết sự lôi cuốn và lãng mạn. Tôi thì cho rằng đó mới là cách thức đúng để hẹn hò có trách nhiệm - gặp gỡ nhưng tôn trọng giãn cách xã hội”, Lars bày tỏ.
Chú thích ảnh
Tinder, ứng dụng hẹn hò qua mạng, đang được ưa chuộng thời dịch bệnh. Ảnh: TechCrunch
Hiện chưa có số liệu chính thức về tỉ lệ những người hẹn hò qua mạng tại Đức và những nơi trên thế giới giảm gặp mặt ngoài đời kể từ khi giãn cách xã hội được khuyến cáo rộng rãi. Thế nhưng, với việc các quán bar, nhà hàng bị đóng cửa, rõ ràng số lượng địa điểm phù hợp cho gặp gỡ đã giảm đáng kể. Theo Tinder, người dùng tại những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh là số tương tác tích cực nhất kể từ khi bắt đầu áp dụng các quy định đóng cửa, hạn chế đi lại. Trên môi trường này, họ cũng dành thời gian trò chuyện nhiều hơn, như một tín hiệu cho thấy số này cảm thấy khá thoải mái trong giao tiếp qua mạng tại thời điểm mà gặp gỡ mặt đối mặt là không thể, hoặc được khuyến cáo là không nên.
Theo người phát ngôn của Tinder, số tin nhắn trung bình hàng ngày tại Mỹ đã tăng từ 10-15% trong tháng 3 so với tháng 2. Còn tại Italy, Tây Ban Nha và trên toàn châu Âu, mức tăng vào khoảng 25% so với vài tuần trước đó và thời gian trò chuyện trên Tinder cũng tăng 10-30% so với tháng 2.
Không chỉ có vậy, giãn cách xã hội không làm giảm độ lãng mạn trong tình yêu. Số người dùng Tinder hiện có cách tương tác khác biệt so với trước thời điểm dịch bùng phát. Chia sẻ với tờ DW, nhiều người cho biết họ nhận thấy đối tác của mình, đặc biệt là số nam giới, trở nên “tốt đẹp hơn” trước đây, rõ nhất là việc họ sẵn sàng tương tác lâu hơn, theo một cách thức cuốn hút hơn với đích hướng tới là một cuộc hội thoại ý nghĩa.
Một thị trường giàu tiềm năng
Nhiều phân tích khác nhau cho thấy, thị trường hẹn hò qua mạng có doanh thu khoảng 6-10 tỉ USD và đang phát triển mạnh khi ngày càng nhiều người muốn tìm bạn đời qua mạng. Thị trường có sức hút, bằng chứng là việc Facebook hồi tháng 9/2019 đã cho ra mắt một công ty liên doanh chuyên về hẹn hò qua mạng. Nhìn qua, có vẻ như mức độ lây lan của dịch COVID-19 đi cùng đó là biện pháp phong tỏa trên diện rộng sẽ có ảnh hưởng lớn đến ngành này – ngành dịch vụ mà hình thức giao tiếp mặt đối mặt sau bước làm quen có vai trò rất quan trọng. Nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy, các nền tảng ứng dụng hẹn hò qua mạng lại đang sống khỏe giữa thời điểm khủng hoảng.
Các công ty cung cấp dịch vụ này là những người phản ứng nhanh nhạy với tác động của COVID-19. Hãng Bumble đã giới thiệu gọi cuộc gọi nội ứng dụng và ghi nhận mức tăng 20% lượng người dùng nhờ đặc tính này trong tuần qua. Khi dịch bệnh diễn biễn xấu đi, hãng Plenty of Fish cũng cho ra mặt lựa chọn truyền trực tuyến ở một số khu vực, cho phép các cặp đôi có thể nhìn thấy đối tác của mình theo thời gian thực. Tinder cũng có sự thay đổi bước ngoặt về chính sách, giới thiếu gói “hộ chiếu”, cho phép người dụng diện thuê bao được phép kết nối với bất kỳ ai ở bất kỳ địa điểm nào trên toàn thế giới.
Với Lars, một trong những hệ quả lớn từ COVID-19 chính là việc đại dịch này đã “bất ngờ gây ra sự thiếu hụt kết nối giữa người với người”. Anh cho rằng, những ứng dụng như Tinder rất hữu ích tại thời điểm hiện nay, vì chúng cho phép người dùng có cơ hội để giao tiếp, nói chuyện, dù là không trực tiếp đối mặt. Và đó cũng chính là điều mà Giám đốc điều hành Tinder, ông Elie Seidman, đề cập trong thông điệp gửi tới người dùng hồi tuần trước: “Chúng tôi biết rằng, với nhiều người dùng thì vấn đề kết nối quan trọng hơn địa điểm gặp gỡ. Đây là giai đoạn thách thức. Và dù vẫn chưa phải là thời điểm để các cặp đôi gặp nhau trực tiếp, thì chúng tôi vẫn nhận thấy rằng Tinder, một ứng dụng chuyên về kết nối, có thể đóng vai trò quan trọng khi mọi người tìm cách định vị lại tình cảnh bất ổn mà COVID-19 gây ra đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta”.