Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances, các nhà khoa học từ Durham, Berkeley giải thích lý do tại sao đồng tử của các động vật có hình dạng khác nhau.
Ví dụ, đồng tử mèo có thể mở to tròn hết mức và cũng có thể co lại thành một đường thẳng đứng. Khi trời tối, đồng tử trong mắt mèo mở rộng để chúng có thể tiếp nhận ánh sáng tối đa và nâng cao tầm nhìn.
Nhưng khi trời sáng, đồng tử của chúng lại khép lại để thích nghi với ánh sáng mạnh. Khi đồng tử mèo co lại, dẫn đến một sự thay đổi lớn giữa các trạng thái co lại và giãn ra. Nó có thể làm tăng kích thước con ngươi từ 135 đến 300 lần. Trong khi, con ngươi của người chỉ tăng khoảng 15 lần. Điều này đặc biệt hữu ích cho động vật đang hoạt động cả ngày lẫn đêm, cho phép tầm nhìn tốt hơn nhiều trong điều kiện ánh sáng yếu.
Những động vật có con ngươi kéo dài theo chiều dọc rất có khả năng là kẻ săn mồi phục kích ẩn nấp cho đến khi chúng tấn công con mồi từ khoảng cách tương đối gần. Mèo nhà là ví dụ rõ ràng về điều này.
Ngược lại, đồng tử kéo dài theo chiều ngang hầu như luôn được tìm thấy ở động vật chăn thả như dê, cừu, ngựa và hươu. Thay vì nằm ở phía trước như loài mèo, mắt của loài dê nằm ở 2 bên đầu, giúp dê có tầm nhìn gần 360 độ và tạo ra các vùng nhìn rõ theo chiều ngang.
Ảnh minh họa
Con ngươi kéo dài theo chiều dọc trong những kẻ săn mồi phục kích giúp tăng khả năng phán đoán chính xác khoảng cách mà không cần phải di chuyển đầu, điều này có thể khiến chúng có mặt trước con mồi tiềm năng.
Còn động vật chăn thả cần kiểm tra xung quanh có kẻ săn mồi hay không và chúng cần phải chạy trốn thật nhanh trong trường hợp bị tấn công.
Con người có đồng tử tròn giúp chúng ta thấy một bức tranh lớn hơn với độ chi tiết tương đối, cho phép quan sát tổng quát hơn.
Điều này đặc biệt hữu ích đối với việc tìm kiếm thức ăn trong môi trường có nhiều cảnh quan phức tạp như hái quả trên cây, săn bắt và nhận dạng khuôn mặt khi sống tập thể. Đồng tử tròn cũng xuất hiện ở nhiều loài động vật như chó, sói hay gấu,…