Lại một mùa Xuân nữa lại về, chúng ta chắc chắn sẽ nghĩ đến những việc vệ sinh nhà cửa và cả những thiết bị mà mình sử dụng. Đó có thể là máy tính, loa,… và cả chiếc iPhone yêu quý.
Nhưng vệ sinh iPhone không hề đơn giản nếu không biết cách thực hiện. Dưới đây là một vài gợi ý cho mọi người.
Tháo và vệ sinh vỏ bảo vệ
Nếu sử dụng vỏ bảo vệ, hãy tháo nó ra trước khi bắt đầu. Người dùng có thể làm sạch vỏ riêng biệt vì nó có khả năng chống hư hại cao hơn nhiều so với iPhone và cũng tương đối rẻ tiền để thay thế. Với vỏ bảo vệ, người dùng có thể thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Lau sạch màn hình
Màn hình là phần tiếp xúc nhiều nhất trên iPhone và cũng nhạy cảm nhất, vì vậy người dùng cần vệ sinh nó một cách cẩn thận. Apple sử dụng lớp phủ oleophobic cho màn hình iPhone 8 trở về sau nhằm đẩy lùi dầu mỡ ngón tay.
Để lau dọn lớp phủ oleophobic, người dùng chỉ nên sử dụng nước tinh khiết để làm sạch màn hình iPhone mà không sử dụng chất tẩy rửa mài mòn, nước lau kính, thuốc xịt bề mặt, cồn,… vì sẽ làm hỏng lớp phủ này. Khi lau dọn, hãy sử dụng miếng vải mềm không có xơ và làm ẩm nó với nước tinh khiết, sau đó hãy cố gắng di chuyển theo hướng dọc màn hình để đẩy lùi vết bụi bẩn ra khỏi màn hình. Nhưng điều này không cần thiết nếu người dùng có sử dụng miếng bảo vệ màn hình iPhone.
Làm sạch cổng sạc
Cổng sạc có thể chứa những miếng vải nhỏ, lông tơ, mẩu giấy hoặc các mảnh vụn khác làm kẹt và ngăn các điểm tiếp xúc các chân sạc với bộ sạc làm chậm tốc độ sạc. Vì vậy, vệ sinh cổng sạc sẽ rất cần thiết. Người dùng không nên sử dụng khí nén để làm sạch cổng sạc mà hãy tận dụng que đẩy SIM đi kèm. Nếu không, có thể tìm vật sắc nhọn tương tự.
Bây giờ, hãy đưa que chọc vào lỗ và cạo những gì mà người dùng có thể thấy cho đến khi hết thì thôi. Chúng ta có thể kiểm tra lại bằng cách chiếu đèn vào bên trong cổng sạc.
Làm sạch phần tiếp xúc của cáp Lighting
Trạng thái cáp sạc Lightning sẽ ảnh hưởng đến tốc độ sạc pin. Khi các tiếp điểm gắn vào cổng sạc nhiều lần, nó có thể tích tụ bụi bẩn và khiến sạc không đúng cách. Hãy rút cáp sạc Lightning ra khỏi iPhone trước khi làm sạch nó. Người dùng có thể sử dụng một miếng vải ẩm và làm sạch các điểm tiếp xúc cho đến khi thấy chúng sáng lấp lánh là được.
Làm sạch lỗ micrô/loa
Đây là một trong những khu vực khó vệ sinh nhất nhưng lại là một trong những phần bị nhiễm bẩn hàng đầu của iPhone. Tuyệt đối không sử dụng khí nén vì có thể làm hỏng hoặc mất khả năng chống nước của máy, thay vào đó hãy sử dụng một bàn chải đánh răng siêu mềm, mịn và chà nhẹ khu vực này để loại bỏ bụi bẩn bị kẹt trong các khe. Lưu ý: không sử dụng quá nhiều lực.
Nếu gặp những vết bụi cứng đầu, người dùng có thể sử dụng tăm xỉa răng, nhưng hãy cẩn thận đừng đẩy quá mạnh làm hư hại cho các thành phần bên trong .
Làm sạch công tắc bật/tắt tiếng
Mỗi iPhone đều có công tắc bật/tắt tiếng dọc theo cạnh trái của thiết bị. Khi sử dụng một thời gian, nó có thể nhiễm bụi và nếu nặng sẽ khiến việc bật/tắt công tắc khá khó khăn. Lúc này, hãy sử dụng cây tăm và cạo sạch bụi bị kẹt ra ngoài. Xong, gạt công tắc một vài lần để đảm bảo thao tác mượt nhất có thể.
Nếu vẫn không đủ, một miếng bông gòn mịn với một chút cồn isopropyl sẽ giải quyết. Điều quan trọng là không để bất kỳ chất cồn nào trên màn hình hoặc các bộ phận nhạy cảm khác của iPhone trong khi thực hiện việc này vì nó có thể loại bỏ lớp phủ bảo vệ của iPhone.
Những nơi vệ sinh khác
Ngoài ra còn có một số khu vực sẽ cần được vệ sinh thường xuyên hơn, nơi mọi người có thể thực hiện với một miếng vải mềm bên mình để sử dụng dọn dẹp khi cần. Chúng gồm:
- Nút Home/Touch ID để giúp quét vân tay không bị sự cố.
- Mảng cảm biến trên iPhone X trở về sau bởi chúng có chứa nhiều cảm biến để hỗ trợ Face ID. Bụi bẩn có thể làm ảnh hưởng đến khả năng quét khuôn mặt.
- Vỏ ống kính máy ảnh: điều này áp dụng cho cả camera trước và sau. Nếu ống kính máy ảnh bị bẩn, khi chụp ảnh bạn sẽ thấy các tình huống như vệt sáng, hình ảnh mờ, khó lấy nét… Làm sạch thường xuyên bằng vải mềm và không có xơ sẽ giúp tránh các phiền toái này.