Đứng đầu danh sách do Re:wild công bố là một loại cá da trơn đặc hữu của Colombia - còn gọi là cá mèo - lần gần nhất được nhìn thấy vào năm 1957. Đây là loại cá da trơn nước ngọt duy nhất trên thế giới có phần thân bao bọc bởi các vòng mỡ, khiến chúng nhìn giống như bị béo phì.
Ông Michael Edmondstone, trưởng ban truyền thông của Shoal, tổ chức chuyên bảo tồn các loài cá nước ngọt, cho biết nhóm rất phấn khích trước viễn cảnh loài cá này được tìm thấy.
"Mọi người đều hy vọng có cơ hội tìm hiểu thêm về chúng và đưa ra các biện pháp phù hợp để đảm bảo loài này sẽ phát triển trong tương lai", ông Edmondstone nói thêm.
|
Cá da trơn Colombia lần cuối cùng được tìm thấy vào năm 1957, điểm đặc trưng của chúng là các ngấn mỡ bao bọc cơ thể. Ảnh: IFL Science. |
Danh sách này còn bao gồm một số loài đặc hữu khác, trong đó có chuột Togo - loài gặm nhấm có vú sống trên cạn từng phổ biến ở Togo và Ghana trước khi biến mất vào năm 1890.
Cùng với đó là kỳ nhông mù Blanco, một loài lưỡng cư sinh sống sâu dưới các tầng nước ngầm ở nước Mỹ, vốn được nhìn thấy lần cuối vào năm 1951.
|
Kỳ nhông mù Blanco được nhìn thấy lần cuối vào năm 1951. Ảnh: AP. |
Re:wild là tổ chức có trụ sở ở Texas với nhiệm vụ tìm kiếm những loài động vật được cho là đã tuyệt chủng vì quá lâu rồi không ai phát hiện ra chúng trong thế giới tự nhiên.
Một trong những nhà sáng lập của Re:wild chính là tài tử Hollywood Leonardo DiCaprio. Kể từ khi ra đời vào năm 2017, tổ chức này đã giúp phát hiện 8 loài vẫn còn tồn tại trong tự nhiên nhưng từng được coi là tuyệt chủng, thông qua các cuộc thám hiểm và phân tích khoa học.
Trong số những loài được nhóm phát hiện có loài rùa khổng lồ ở quần đảo Galapagos và loài ong lớn nhất thế giới được tìm thấy ở Indonesia.
Theo thống kê, đang có ít nhất 2.200 loài động thực vật ở 160 quốc gia được coi là đã tuyệt chủng từ 10 năm trở lên. Các tác nhân cho tình trạng này là việc mất sinh cảnh, ô nhiễm, săn bắn tràn lan và biến đổi khí hậu.
Giới khoa học mô tả những gì diễn ra là sự kiện tuyệt chủng hàng loạt thứ 6 trong lịch sử Trái Đất, và là lần đầu tiên điều đó được thúc đẩy bởi một loài động vật khác, trong trường hợp này là con người.
Ông Barney Long, giám đốc cấp cao về chiến lược bảo tồn của Re:wild cho biết: "Khi chúng tôi khởi động cuộc tìm kiếm các loài đã mất, chúng tôi không chắc liệu sẽ có thể phát hiện thành công bất cứ loài nào trong danh sách của chúng tôi".
"Mỗi phát hiện mới đã nhắc nhở chúng ta rằng vẫn có hy vọng ngay cả trong những tình huống ít khả năng nhất, và câu chuyện về những loài vẫn còn tồn tại nhưng không được ghi nhận, có thể là một liều thuốc giải độc mạnh mẽ cho nỗi tuyệt vọng", ông Long nói thêm.
Chuyên gia này cũng chia sẻ rằng Re:wild sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc thám hiểm và nghiên cứu nhằm tìm cách bảo tồn các loài được phát hiện còn sống.