Ngày 23/11, một tài khoản có tên Alex Tan đã đăng tải lên mạng xã hội Facebook với nội dung chỉ trích Singapore đã bắt giữ người tố cáo và gian lận trong bầu cử.
Sau đó, chính phủ Singapore đã yêu cầu tài khoản Alex Tan sửa lại nội dung bài viết trên Facebook. Tuy nhiên, ông Tan cho rằng mình đang sống ở Australia và không phải là công dân Singapore nên đã phớt lờ yêu cầu trên.
Ngày 30/11, chính phủ đảo quốc sư tử đã yêu cầu Facebook đính chính lại thông tin trên bài đăng của Alex Tan. "Facebook được pháp luật Singapore yêu cầu thông báo bài đăng này chứa nội dung sai lệch", nội dung được nhúng dưới bài đăng của Alex Tan và chỉ những người dùng Facebook ở Singapore có thể thấy thông tin này.
|
Facebook đã đăng thông tin đính chính dưới bài viết của Alex Tan. |
Vài năm trước, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg còn tự tin khẳng định đại đa số tin trên Facebook là “thật”. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau, Zuckerberg lại cam kết “Facebook đang làm hết sức để ngăn chặn vấn nạn tin giả”.
Sunday Times, trang báo Anh, nhận định việc truyền đi thông điệp “đang làm tất cả để chống tin giả” hay tung ra những công cụ trong ngắn hạn chỉ nhằm phục vụ mục đích truyền thông của Facebook mà thôi. Mạng xã hội này chưa bao giờ xem lại một cách nghiêm túc cách thức kinh doanh và mô hình vận hành của mình.
Tháng 11/2018, Hạ nghị sĩ Mỹ David Cicilline cũng từng nêu rõ quan điểm trên Twitter “Không thể tin tưởng vào việc Facebook tự lập ra các điều luật để đối phó với tin giả”.
Theo Sarah Logan, Chuyên gia về an ninh mạng, Đại học New South Wales (Australia), phần lớn tin giả, tin sai sự thật được tung ra nhằm mục đích chính trị.
Pháp, Đức, Singapore, Malaysia hay Campuchia đều cảm nhận được sự đe dọa của vấn nạn tin giả. Luật được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền là điều cần thiết.