COVID-19 lây qua aerosol giữa các tòa nhà gần nhau thế nào?

Google News

Một nghiên cứu mới đây của Trung Quốc cảnh báo về nguy cơ lây COVID-19 qua aerosol giữa các tòa nhà gần nhau dùng làm nơi cách ly tập trung. Vì vậy, giới chức trách cần tăng cường giám sát chất lượng không khí và khử trùng các khu vực này.

Nguy cơ lây COVID-19 qua aerosol ở các tòa nhà gần nhau
Các nhà nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc và các nhân viên kiểm soát dịch bệnh địa phương tại tỉnh Quảng Đông thực hiện một nghiên cứu về nguy cơ lây lan COVID-19 qua aerosol giữa các tòa nhà gần nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 lan truyền qua aerosol - những giọt chất lỏng rất nhỏ - có thể mang virus lơ lửng trong không khí giữa các tòa nhà gần nhau dùng làm nơi cách ly tập trung.
Các chuyên gia còn phát hiện virus SARS-CoV-2 lan truyền qua aerosol nhiều khả năng còn vì hoạt động của máy điều hòa cũng như việc đóng/mở cửa ra vào và cửa sổ. Chính vì vậy, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc khuyến cáo cần tăng cường giám sát chất lượng không khí tại các khu vực cách ly dành cho bệnh nhân COVID-19 cũng như khử trùng các khu vực này.
Nghiên cứu này được thực hiện trong bối cảnh vào tháng 5/2021, một người dân ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, bị nghi ngờ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 qua aerosol mang mầm bệnh của một bệnh nhân mắc COVID-19 tại tòa nhà khác ở cùng bệnh viện. Hai bệnh nhân này đều là người nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc.
Trước khi được chẩn đoán mắc COVID-19, hai người trên được cách ly ở hai tòa nhà nằm cách nhau khoảng 50 cm. Hai tòa nhà có chung phần trần nhà bên ngoài, tạo ra một không gian tương đối khép kín. Để xác định đường lây của virus SARS-CoV-2, các chuyên gia làm thử một thí nghiệm tại bệnh viện trên. Họ sử dụng các kính hiển vi huỳnh quang để quan sát, mô tả sự khuếch tán của các hạt aerosol trong không khí.
Kết quả thí nghiệm cho thấy hoạt động của máy điều hòa, việc đóng/mở cửa ra vào và cửa sổ cũng như hoạt động đi lại thường xuyên của con người có thể tác động đến sự lan truyền của aerosol giữa các tòa nhà nằm cạnh nhau. Những tòa nhà có hệ thống thông gió càng tốt thì tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 càng nhanh. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất giới chức trách và các bệnh viện bố trí các khu cách ly và khu điều trị ngoại trú ở khoảng cách an toàn. Đồng thời, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra cách bố trí luồng không khí ở các khu cách ly và tăng cường khử trùng để giảm nguy cơ lan truyền virus qua aerosol.
COVID-19 lay qua aerosol giua cac toa nha gan nhau the nao?
 Chuyên gia Trung Quốc Trung Quốc cảnh báo về nguy cơ lây COVID-19 qua aerosol giữa các tòa nhà gần nhau dùng làm nơi cách ly tập trung. 
Trước đó, vào tháng 7/2020, website của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông tin về nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 qua các thủ thuật y tế tạo ra aerosol (những giọt siêu nhỏ dạng sương mù) chính là khí dung trong điều trị một số bệnh hô hấp.
Trong lúc nói chuyện hoặc khi ho, một số giọt bắn hô hấp có thể được phát tán dưới dạng aerosol siêu nhỏ, lơ lửng trong không khí một thời gian, tạo ra nguy cơ lây nhiễm trong môi trường ở trong nhà (thông khí kém).
Tháng 1/2020, các chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc tiến hành nghiên cứu về sự lây lan của virus SARS-CoV-2 qua aerosol. Theo đó, 12 người mắc COVID-19 ở tỉnh Hồ Nam sau khi đi xe bus được lựa chọn tham gia thí nghiệm.
Trong số những người tham gia thí nghiệm, một hành khách (được gọi là bệnh nhân A) không đeo khẩu trang và lây nhiễm COVID-19 cho 8 người khác trên một xe bus có máy điều hòa vào ngày 22/1. Bệnh nhân A được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 vào ngày 28/1.
Cũng trong ngày 22/1, bệnh nhân A đi trên một xe bus khác có máy điều hòa khoảng 1 giờ đồng hồ và lây lan virus SARS-CoV-2 cho 2 người tiếp theo.
Ca nhiễm COVID-19 thứ 11 là một hành khách bắt chuyến xe bus tiếp theo khoảng 30 phút sau khi bệnh nhân A xuống xe. Với kết quả nghiên cứu này, các chuyên gia phát hiện virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong môi trường có máy điều hòa khép kín ít nhất 30 phút và khiến nhiều người nhiễm COVID-19.
Theo các chuyên gia, khoảng cách giữa bệnh nhân A với hành khách bị nhiễm gần nhất và hành khách bị nhiễm xa nhất trên xe bus lần lượt là gần 0,5m và khoảng 4,5m. Bệnh nhân A và hành khách bị nhiễm xa nhất không có tiếp xúc gần.
Tình trạng lây nhiễm ở khoảng cách xa như trên cho thấy khả năng virus SARS-CoV-2 lây qua aerosol trong môi trường khép kín. Nghiên cứu của các chuyên gia cũng cảnh báo khả năng lây lan của virus này trong môi trường có máy điều hóa khép kín có thể lên đến từ 1 - 2m.
Giải pháp làm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 qua aerosol
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các chuyên gia đưa ra một số giải pháp dành cho các chủ tòa nhà và nhà quản lý các cơ sở y tế, khu cách ly về việc tăng cường thông gió và chất lượng không khí cho các không gian trong nhà.
Theo đó, các tòa nhà cần thực hiện các biện pháp như giữ cho cửa sổ và cửa ra vào luôn mở trong những cơ sở không có máy lạnh và lắp đặt quạt hướng ra bên ngoài để tăng cường trao đổi không khí.
Đối với các cơ sở, tòa nhà có điều hòa không khí, cần đảm bảo hệ thống thông gió hoạt động tốt và tối đa hóa lượng không khí ngoài trời. Không khí nên được lọc sạch ít nhất 1 lần/ngày và thường xuyên hơn ở những khu vực có nguy cơ cao hơn.
Giáo sư Dale Fisher, chuyên gia tư vấn cấp cao tại bộ phận bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore cho biết việc lây lan virus SARS-CoV-2 lây qua aerosol có thể được ngăn chặn bằng hệ thống thông gió và chất lượng không khí tốt.
“Hãy tưởng tượng nếu có một số lượng hạt aerosol nhất định trong một không gian nhỏ nhưng có hệ thống thông gió tốt, cửa mở và quạt thổi chúng ra thì khi đó, nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm đi nhiều”, giáo sư Dale Fisher nói.

Mời độc giả xem video: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới. Nguồn: THDT.


Tâm Anh (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)