Các nhà khoa học của NASA lập ra 3 mục tiêu cụ thể cho sứ mệnh tàu thăm dò đáp xuống mặt trăng Europa được bao phủ bởi băng của sao Mộc trong thời gian sắp tới.
Nhiệm vụ đầu tiên của tàu thăm dò này là tìm kiếm những vật chất không phải là băng tại ít nhất hai điểm sâu dưới bể mặt của mặt trăng Europa, để tìm hiểu thành phần muối, vật chất hữu cơ và các chất khác trên thiên thể này.
Mục tiêu thứ hai là lập bản đồ địa vật lý của mặt trăng Europa để chứng minh nó tồn tại băng và đại dương bằng kỹ thuật địa chấn học và trắc từ học – kỹ thuật đo các dải từ trường của đất.
Cuối cùng, các nhà khoa học hy vọng tàu thăm dò mặt trăng Europa sẽ cho phép họ xác định được địa chất trên bề mặt của vệ tinh tự nhiên này.
“Đưa tàu thăm do đáp xuống mặt trăng Europa là một mục tiêu tương lai của khoang học hành tinh”, tiến sĩ Robert Pappalardo, thuộc Phòng thí nghiệm phản lực của NASA, cho biết. “Giải đáp được những vấn đề khoa học quan trọng nhờ tàu thăm dò mặt trăng Europa tương lai, sẽ giúp chúng tập trung vào các công nghệ cần thiết để đưa con người lên đó”.
Tháng 3 vừa qua, các nhà khoa học thuộc Viện công nghệ California (Mỹ) đã phát hiện thấy bằng chứng rõ ràng nhất về nước mặt tại một đại dương chất lỏng rộng lớn dưới bề mặt đóng băng của mặt trăng Europa. Bằng chứng này củng cố thêm cho giải thuyết cho rằng sự sống có thể tồn tại trên Europa.
Các nhà khoa học cho rằng sự trao đổi hóa chất giữa đại dương và bề mặt trên mặt trăng Europa, giúp tạo ra một môi trường giàu hóa chất hơn dưới đại dương. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để sự sống tồn tại.
Các nhà khoa học cũng tin rằng cấu tạo của đại dương trên mặt trăng Europa có thể gần giống với biển trên Trái đất.
Mặt trăng Europa lần đầu tiên được thăm dò bởi tàu Voyager vào năm 1979 và tàu Galileo vào những năm 1990. Cùng với Europa, các nhà khoa học cho rằng mặt trăng Encelade quay quanh sao Thổ cũng có thể tồn tại sự sộng.