Chiếc tàu thám hiểm Curiosity đã khám phá sao Hoả kể từ khi chạm xuống hành tinh này vào ngày 6/8/2012. Vừa qua, con tàu kỷ niệm cột mốc 3.000 ngày sống 'cuộc sống khoa học' rất tốt trên sao Hoả.
Một ngày trên hành tinh đỏ, được gọi là 'sol', dài hơn một ngày trên Trái Đất, ước tính khoảng 24 giờ 39 phút.
|
Tàu thám hiểm của NASA lập kỷ lục 3.000 ngày trên sao Hỏa |
Các nhà khoa học theo dõi các hoạt động của tàu thám hiểm dựa trên sol. Những hình ảnh do tàu chụp được gắn thẻ bằng số sol, bức ảnh chụp vào ngày kỷ niệm của con tàu có gắn thẻ 'sol 3.000'.
Tàu thám hiểm đã dành khoảng thời gian đáng ngưỡng mộ đó để đi vòng quanh, điều tra khí hậu và địa chất sao Hoả để xác định xem liệu hành tinh đỏ có thể sinh sống được hay đã từng có sự sống trong quá khứ hay không.
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA đã đánh dấu sự kiện đặc biệt này bằng việc cho ra mắt một loạt bức tranh toàn cảnh ấn tượng. Khung cảnh tuyệt đẹp ở miệng núi lửa Gale trên sao Hoả cho thấy một phần ngọn núi Sharp, ngọn núi khổng lồ trung tâm bên trong miệng núi lửa.
Bức tranh toàn cảnh bao quát tạo ra từ 122 hình ảnh mà chiếc tàu thám hiểm Curiosity chụp được vào ngày 18/11/2020, đó là sao Hoả sol 2946.
Trong thời gian trên sao Hỏa, Tàu Curiosity đã di chuyển quãng đường khoảng 24 km và đã cung cấp nhiều hình ảnh chi tiết gửi về Trái Đất phục vụ cho việc nghiên cứu.
Trong thời gian tới, Chiếc tàu thám hiểm Curiosity sẽ có thêm người bạn đồng hành là tàu thám hiểm Perseverance đã bắt đầu hành trình tới sao Hoả từ Cape Canaveral, Florida, Mỹ ngày 30/7/2020 và dự kiến hạ cánh trên hành tinh đỏ vào khoảng tháng 2/2021.
Một lần nữa, mục đích chính nhiệm vụ sắp tới đó là đánh giá thành phần của sao Hỏa để xác định có thể sinh sống được hay không.
Thay đổi lớn mà các nhà khoa học phát triển trên tàu Perseverance chính là việc gắn thêm nhiều camera hơn, chất lượng hình ảnh cao hơn tàu cũ.