Loài nho “ma cà rồng” giữ chặt con mồi trong mạng lưới chặt chẽ của nó.
Nhưng không chỉ có động vật, ở những vùng như vậy, cũng có nhiều loài thực vật săn mồi vô cùng bí ẩn.
Nho ma cà rồng
Một trong những thực vật săn mồi đáng sợ nhất là “nho ma cà rồng uống máu”, sống ở những vùng đầm lầy sâu nhất của Nicaragua, mà người bản địa gọi là “Bẫy của quỷ”. Loài cây này được phát hiện tình cờ bởi một nhà tự nhiên học Mỹ tên là Dunstan, người đã dành hai năm nghiên cứu các loài thực vật và động vật trong vùng.
Dunstan kể, khi đang thu thập các mẫu thực vật và côn trùng trong khu vực đầm lầy gần hồ Nicaragua thì đột nhiên ông nghe tiếng con chó của mình phát ra đầy kinh hãi lẫn đau đớn. Dunstan vội vàng chạy đến nơi phát ra tiếng kêu thì thấy con vật bị một mạng lưới rễ và dây leo bao chặt. Con chó mắc bẫy ra sức vẫy vùng và rên rỉ như đang vô cùng đau đớn.
Khi định thần lại trước cảnh tượng khủng khiếp này, Dunstan tìm cách giải thoát con chó bằng con dao mang bên mình. Tuy nhiên, dây leo này khó cắt một cách đáng ngạc nhiên và ông kinh hoàng khi phát hiện ra các tua giống như dây thừng chủ động quấn cuộn tròn và bóp chặt quanh bàn tay ông.
Cuối cùng, Dunstan cũng giải thoát con chó sau nhiều nỗ lực và nhận thấy da tay chỗ bị những dây leo nắm chặt đỏ bầm và phồng rộp. Ông cũng kinh ngạc khi phát hiện toàn thân con chó bê bết máu và đầy những đốm nhăn nheo trên da như thể bị hút máu. Con chó, mặc dù vẫn còn sống, nhưng thường bị mất phương hướng và đi lại khó khăn.
Nhà tự nhiên học kể với những người bản xứ về cuộc chạm trán kinh hoàng này và được cho biết đây là loài nho nổi tiếng, đáng sợ nhất trong khu vực, họ cảnh báo ông nên tránh xa chúng. Tính hiếu kỳ trỗi dậy, Dunstan tìm cách thu thập thêm thông tin về loài cây kỳ lạ trên. Tuy nhiên, ông nhận thấy rất khó đến gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với nó mà không bị tổn thương. Mặc dù vậy, thông qua những quan sát của mình, ông đã suy luận về khả năng hút và cách ăn của loài này.
Dunstan viết trong một báo cáo:
- Lực hút của cây này nằm ở những miệng hút rất nhỏ, thường đóng, mở để tiếp nhận thức ăn. Nếu là động vật, máu sẽ được hút ra và xác của con vật xấu số sau đó rơi xuống. Một cục thịt sống ném vào đó thì chỉ trong vòng 5 phút ngắn ngủi, máu sẽ bị hút sạch và phần còn lại bị ném sang một bên. Sự phàm ăn của nó thật đáng kinh ngạc.
Dunstan cũng mô tả sự khó khăn khi phải tách rời các tua của cây khi bị nó quấn vào, nạn nhân có thể bị mất da. Cuối cùng, ông đành từ bỏ nghiên cứu của mình về cây nho ma cà rồng và sau đó rất ít thông tin khác về nó được biết.
Rắn thực vật
Một loài nho khác cũng là thực vật săn mồi mọc trong những khu rừng mưa chưa được khai thác ở nội địa châu Phi, mà người bản địa gọi là “rắn thực vật”, đã được báo cáo vào năm 1852. Cây có hình dạng của một con rắn đốm, tự lê mình trên mặt đất. Ở vị trí lẽ ra là đầu thì lại là một bông hoa hình cái chuông, chứa một chất lỏng nhầy nhớt.
Ruồi và các loại côn trùng khác, bị thu hút bởi mùi của nước trái cây, xâm nhập vào hoa và bị dính chặt. Sau đó, bông hoa sẽ đóng lại cho đến khi các tù nhân bị biến thành chất dinh dưỡng. Các phần khó tiêu hóa, như đầu và cánh, được đẩy ra ngoài bởi hai lỗ mở. Rắn thực vật này có da giống như lá, trắng và mềm.
Ngoài ra, ở các vùng hoang dã thuộc Mexico cũng có những loài thực vật giống rắn. Trên tạp chí Horticultural Times ra vào tháng 9/1892, có một bài báo về loài cây kỳ lạ này như sau:
- Một du khách đến Mexico trong chuyến thám hiểm nghiên cứu thực vật. Ngày nọ, ông ta quan sát thấy một vật thể đen trên mỏm đá của dãy núi Sierra Madre. Với sự hiếu kỳ, ông đã dùng ống nhòm để xem xét nó một cách kỹ lưỡng. Thấy đó là một cái cây có vẻ ngoài khác thường, ông quyết định dùng ngựa tìm cách lên đỉnh núi tiếp cận nó. Thế nhưng chỉ còn cách cây khoảng 5m, ông không thể nào lên được vì dốc dựng đứng.
Nhìn lên, nơi cây đứng, ông thấy nó không có tán, thay vào đó là những chi dài mảnh mai, rũ xuống như cành liễu. Chúng có vẻ ngoài nhầy nhụa, có lúc cả cây như đang quằn quại. Sự tò mò đã thúc giục ông tìm đến địa điểm này nhiều lần nữa. Một ngày nọ, ông nhìn thấy một con chim lượn vòng quanh cây rồi bay lên đậu trên ngọn.
Lúc này, các chi của cây bỗng chuyển động, cong hết lên trên, quay quanh con chim và kéo nó xuống. Chẳng mấy chốc con vật mất dạng. Như vài lần trước đây, nhà thực vật học cố gắng leo lên dốc để xem xét kỹ hơn nhưng tảng đá mà ông bước lên rời ra và rơi xuống.
Ông không bị thương và thấy tảng đá rơi xuống đã để lại một cái hốc khá lớn. Với cái bay mang theo, ông khoét rộng nó ra để dễ leo lên. Đến nơi, ông nhìn thấy xác chim bẹp dúm nằm dưới đất, chỉ còn xương và lông. Thu hết can đảm, ông tiến lại gần cái cây. Nó cao khoảng 6m, nhưng che phủ một khu vực rộng lớn. Thân của nó có độ dày kỳ lạ, thắt nút và có vảy.
Cách mặt đất vài mét, các chi mảnh mai của nó vểnh phần đầu và toàn thân hướng xuống gần như chạm đất. Khi ông mạo hiểm chạm nhẹ vào một trong những chi, nó hút tay ông với một lực mạnh, khi gỡ ra được da của ông hầu như bị rách.
Ngày hôm sau, ông lại đến, mang theo vài con gà để cho nó ăn. Khi ném những con gà vào các chi của cây, ông thấy chúng bắt đầu lắc lư qua lại với sự chuyển động nhanh nhẹn. Sau khi chúng hoàn toàn tĩnh lặng, ông tiến lại gần để xem xét kỹ hơn thì thấy chúng được bao phủ bởi các mút tương tự như của bạch tuộc. Máu của những con gà đã được hấp thụ, để lại những vết màu đỏ thẫm trên bề mặt của chúng.
Có những loài thực vật ăn thịt người trong thế giới hoang dã hay đây chỉ là những câu chuyện thuộc về truyền thuyết? Mọi chuyện vẫn còn trong vòng bí ẩn.