Ngày 13/9/2019, liên quan đến dự định thả cá Koi tại 2 điểm xử lý ô nhiễm môi trường bằng công nghệ Nano - Bioreactor tại đoạn sông Tô Lịch, góc Hồ Tây của Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản, anh Trần Bảo Hòa - chủ một trang trại cá Koi lớn ở TP. HCM khẳng định, đây là một quyết định mạo hiểm, tốn tiền mà khó có thể thành công!
Theo anh Hòa, cá Koi về Việt Nam hiện nay chủ yếu là 2 loại cá Koi Nhật Bản và cá Koi có xuất xứ từ Trung Quốc.
|
Cá Koi Nhật Bản là loài ưu môi trường sạch. |
"Nếu cá Koi có xuất xứ từ Trung Quốc thì có 2 loại, một là cá Koi được lai tạo giống nên những đặc tính về thẩm mỹ bị giảm đi, rõ nhất là ở khuôn hình và màu sắc. Hai là cá chép được nhuộm phẩm màu. Cả 2 loại này đều không đạt được tiêu chuẩn về một con cá Koi đẹp.
Trong đó, cá Koi lai tạo sẽ làm giảm đi đặc tính của loài cá Koi vốn được coi là biểu tượng của Nhật Bản mà giới nhà giàu thường hay sưu tầm nên giá thành rất rẻ" - anh Hòa nói.
Còn cá Koi Nhật Bản thường có đầu tù, vai nở, phần thân ngắn, phần đuôi và vây dài, có thể bằng tới 2/3 cơ thể của con cá. Đầu có một vệt màu đỏ tươi, phủ kín đầu - biểu tượng cho quốc kỳ của Nhật Bản nên thường rất đắt, có giá lên tới vài chục triệu đồng/con.
Anh Hòa nhận định, nếu là cá Koi thả ở khu vực xử lý nước bằng công nghệ Nhật Bản thì có thể là cá Koi Nhật Bản vì mang tính biểu tượng cho đất nước này.
"Cá Koi Nhật Bản là loài rất nhạy với sự thay đổi của môi trường, nước nuôi phải luôn trong sạch, nồng độ pH lý tưởng là từ 7-7,5pH, nhiệt độ nước và nồng độ pH nếu bị thay đổi đột ngột có thể làm cá bị sốc và chết, vì vậy cần giữ môi trường sống ổn định cho Koi, nếu muốn thay nước hồ thì phải thay từ từ, không nên thay 1 lần và lưu ý là phải khử Clo trong nước trước khi thả cá" - anh Hòa cho biết.
Với những đặc tính của loài cá Koi Nhật Bản, anh Hòa cho rằng việc thả cá Koi tại 2 điểm xử lý ô nhiễm môi trường bằng công nghệ Nhật Bản tại sông Tô Lịch và góc Hồ Tây là một quyết định mạo hiểm.
Bởi đây là khu vực xung quanh môi trường bị ô nhiễm nặng, nguồn nước không ổn định. Chỉ cần sơ hở, để nước bên cạnh xâm nhập thì rất có thể cá Koi sẽ bị bệnh, sốc dẫn tới chết.
"Chỉ cần một trận mưa hoặc xả nước mà nước ở bên ngoài tràn vào là khu vực xử lý thì cả đàn cá có thể bị chết. Nếu có chữa thì cũng phải đưa cá đến một nơi khác để chăm sóc. Có khi tiền chăm, chữa bệnh cho đàn cá còn lớn hơn cả giá trị đàn cá Koi!" - anh Hòa bày tỏ.
|
Khu vực xử lý nước ở sông Tô Lịch, Hồ Tây bằng công nghệ Nhật Bản có thể tắm được nhưng cũng khó có thể đảm bảo môi trường sống ổn định cho loài cá Koi. |
Anh Trần Hữu Quốc - chủ một trang trại cá Koi Nhật Bản ở Bình Dương cũng cho biết, thức ăn của cá Koi Nhật Bản chủ yếu là các động vật nhỏ như giun, ốc, ấu trùng… Ngoài ra, cá còn ăn cám, bã đậu, phân xanh, thóc lép, các thức ăn chế biến sẵn cho cá.
Tuy nhiên, môi trường khu vực xử lý nước theo công nghệ Nhật Bản ở sông Tô Lịch, hồ Tây lại không đảm bảo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá, hoặc có đi chăng nữa thì nguồn thức ăn cũng khó đảm bảo vệ sinh nên rất có thể cá Koi sẽ bị bệnh về đường ruột mà không phát triển được.
"Môi trường nuôi là yếu tố quan trọng nhất đối với cá Koi, đây là loại ưu sạch sẽ. Tiếp đến là thức ăn cho cá Koi cũng phải sạch, ổn định.
Với những yêu cầu này thì tôi cho rằng khu vực sông Tô Lịch và Hồ Tây khó có thể đáp ứng được mà dễ bị mắc các bệnh như biếng ăn, ngứa mình, đốm trắng, lở da, rụng vảy, lở môi..." - anh Quốc cho hay.
Chủ trang trại cá Koi Nhật Bản này cho rằng, ý tưởng thả cá Koi Nhật Bản ở khu vực xử lý nước bằng công nghệ Nano - Bioreactor là rất hay nhưng chỉ thành công khi cả khu vực xung quanh cũng được đảm bảo sự trong sạch, không bị ô nhiễm.
Thế nhưng, sông Tô Lịch thường ngày phải nhận một lượng nước thải lớn từ sinh hoạt của người dân đổ ra nên bị ô nhiễm nặng, chỉ có những loài cá như rô phi, cá trê hay một vài loài vi sinh vật khác có thể sống được. Còn cá Koi Nhật Bản chắc chắn sẽ khó sống.
Kể cả trong trường hợp, các chuyên gia khẳng định khu vực nước được xử lý có thể tắm và uống được nhưng cũng không chắc chắn đảm bảo an toàn cho loài cá này bởi ở tầng đáy, lớp bùn có thể không phù hợp với môi trường của loài.
Người nuôi cá Koi thường thiết kế khu vực đáy là sàn gạch hoặc bê tông chứ không có lớp bùn nào. Khu vực nuôi cũng thường xuyên được sục khí, lọc nước để đảm bảo sự sạch sẽ. Nếu khu vực thả cá Koi ở sông Tô Lịch, Hồ Tây thì ít nhất cũng phải lắp thêm 2 công cụ này.
"Việc thả cá ở khu vực sông Tô Lịch và Hồ Tây đòi hỏi phải có công chăm sóc, theo dõi thường xuyên. Như thế rất mệt mà khả năng đàn cá bị bệnh, chết rất cao nên cần cân nhắc lại, không thể tùy tiện mà làm hại cả đàn cá và tốn tiến mà chẳng đem lại lợi ích gì" - anh Quốc bày tỏ.