Ảnh bông tuyết đầu tiên được chụp như thế nào?

Google News

Năm 1885, một nông dân người Mỹ có tên là Wilson Bentley gắn một chiếc máy ảnh vào chiếc kính hiển vi của ông chụp ra bức ảnh bông tuyết đầu tiên.

Mặc dù khi đó những bức ảnh bông tuyết này chỉ được bán với giá năm xu, nhưng giới khoa học đánh giá chúng đã góp phần giúp định hình ra thế giới nhiếp ảnh khoa học. Với các cấu trúc tinh thể độc nhất và đối xứng mong manh, kể từ đó tới nay các bông tuyết đã trở thành đối tượng mê hoặc đối với các nhiếp ảnh gia.
Theo bà Sue Richardson, chắt của ông Bently, những hình ảnh đầy đột phá của ông là thành quả của hơn hai năm thí nghiệm với đủ các thông số về độ mở ống kính, ánh sáng, độ phơi sáng và tiêu cự. Từ khi còn nhỏ, bà Sue vẫn thường được nghe kể về ông cố nổi tiếng của mình với cái tên “Chú Willy”.
 
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin CNN, bà cho biết: “Ông đã đi trước thời đại của mình rất xa với những nghiên cứu và khả năng nhiếp ảnh của mình, mà tất cả đều được ông tự học”.
Một hướng tiếp cận khoa học
Thí nghiệm của ông Bentley được bắt đầu với một chiếc kính hiển vi được mẹ ông mua cho vào ngày sinh nhật thứ 15. Lớn lên tại tiểu bang Vermont băng giá, ông Bentley có thể dễ dàng tìm được các bông tuyết mà ông ưa thích, rồi dọn sạch các bông tuyết khác bằng một chiếc lông gà tây. Sau đó ông đưa bông tuyết này vào một bản kính trong kính hiển vi, nín thở để tránh làm mẫu vật bị tan chảy bởi hơi thở nóng ấm của mình.
Cuối cùng, ông Bentley đã tìm ra cách để gắn cố định chiếc máy ảnh của ông vào chiếc kính hiển vi, một kết cấu cơ bản được giáo sư về nhiếp ảnh vi sinh vật Michael Peres ở Viện Công nghệ Rochester đánh giá là đã góp phần giúp thành tựu của ông trở nên ấn tượng hơn.
 
Ông Peres nói: “Chụp ảnh bông tuyết là một nhiệm vụ rất khó khăn khi phải cô lập, bảo quản, lấy nét và chiếu sáng một cấu trúc tinh thể bé xíu. Ông Bentley phải làm việc với các công cụ rất thô sơ, điều đã khiến nghiên cứu của ông trở nên rất đáng trân trọng. Những vật liệu chụp ảnh ngày xưa rất kém về độ nhạy sáng và khả năng phân biệt chi tiết”. Những hạn chế về công nghệ còn tạo một thách thức khác. Ông Bentley phải chờ cho tới mùa xuân, khi nhiệt độ lên tới mức đủ để ông chụp các bức ảnh trong kho củi của mình. Nhưng những thành quả đạt được đã khiến ông bị quyến rũ.
Trong một bài báo được xuất bản trên tờ Người đưa tin Công giáo năm 1904 có tiêu đề “Sự kỳ diệu và vẻ đẹp của tuyết”, ông Bentley viết: “Các tinh thể tuyết... đến với chúng ta không chỉ để thể hiện vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên mà còn dạy chúng ta rằng tất cả những vẻ đẹp trên trái đất là rất ngắn ngủi và sẽ nhanh chóng tàn lụi. Nhưng mặc dù vẻ đẹp của tuyết rất chóng phai mờ, giống như vẻ đẹp của mùa thu, sẽ tương tự như bầu trời đêm dù tan biến nhưng sẽ xuất hiện trở lại”.
Một cơ sở dữ liệu bông tuyết
Sau khi chụp thành công những bức ảnh đột phá, những bức đầu tiên trong số hơn 5.000 bức ảnh được chụp, ông Bentley háo hức được chia sẻ khám phá của mình với thế giới. Năm 1904, ông tiếp cận thư ký Viện Smithsonian Samuel Langley với 500 bức ảnh đẹp nhất của mình.
 
Bà Pamela Henson, một nhà lịch sử tại Kho tư liệu Viện Smithsonian cho biết, những bức ảnh cùng với các bản ghi chép chi tiết của của ông Bentley ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu.
Bà nói: “Các chuyên gia của Viện Smithsonian đã nghiên cứu về thời tiết từ những năm 1840, và đã tuyển mộ nhiều tình nguyện viên để thu thập các kết quả nghiên cứu về thời tiết trên khắp nước Mỹ cho một dự án về khí tượng. Và Wilson Bentley, với lo ngại rằng các bức ảnh của mình có thể bị mất trong một đám cháy, muốn bảo đảm rằng chúng sẽ được bảo quản tốt”.
Các trường đại học và cao đẳng trên khắp thế giới bắt đầu bày tỏ sự quan tâm tới các hình ảnh này, và ông Bentley đã làm hài lòng họ bằng cách bán các tấm phim âm bản của mình với giá chỉ 5 xu mỗi tấm. Được thúc đẩy bởi niềm đam mê hơn là vì lợi nhuận, ông đã giữ nguyên mức giá này trong suốt cuộc đời của mình.
 
Đến năm 1931, Cơ quan Thời tiết Hoa Kỳ (hiện là Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ), đã xuất bản một cuốn sách có tiêu đề “Các tinh thể tuyết” được ông Bentley viết chung với nhà vật lý người Mỹ William Jackson Humphreys. Nội dung cuốn sách này bao gồm nghiên cứu và 2.600 bức ảnh của ông Bentley. Ông Peres nói: “Đó là khi những bức ảnh của ông Benley bắt đầu có ích với xã hội. Những bức ảnh đó không chỉ đề cao vẻ đẹp và khoa học, chúng còn lưu giữ khoa học giúp người ta có thể tiếp tục nghiên cứu sau này”.
Sự tiến hóa của một hình thức nghệ thuật
Công trình của ông Bentley đã giúp mở đường cho nhiều thế hệ các nhiếp ảnh gia khoa học. Ngày nay, các hình ảnh bông tuyết đã được cải thiện đáng kể nhờ công nghệ mới, thí dụ như những máy ảnh đa góc có thể dõi theo các tinh thể tuyết khi chúng rơi qua không khí.
Bằng cách điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ và luồng không khí, giáo sư vật lý Kenneth Libbrecht đã khám phá ra các điều kiện quyết định cấu trúc của mỗi tinh thể tuyết. Ông đã phát triển các phương pháp để tạo ra và phân tích các bông tuyết trong một căn phòng được xây dựng đặc biệt tại Viện Công nghệ California.
Và đến lượt mình, bộ sưu tập bao gồm hơn 10.000 bức ảnh bông tuyết đầu tiên của ông Libbrecht lại tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiếp ảnh gia người Nga Alexey Kljatov. Nhiếp ảnh gia 42 tuổi này đã sửa đổi một chiếc máy ảnh du lịch Canon thành một chiếc máy ảnh chụp cận cảnh kỹ thuật số có khả năng phóng to và tự động lấy nét giữa các lần chụp liên tiếp tốc độ cao. Ông sử dụng thiết bị này để chụp ra các hình ảnh với nhiều lớp, từ đó tạo ra các bức ảnh cực kỳ sắc nét.
Ông Peres nhận xét: “Công nghệ đã có những tác động sâu sắc. Thật là thú vị khi bạn là người duy nhất có thể thấy được bông tuyết đặc biệt đó. Nó biến mất trong một giây và bạn vừa kịp ghi lại một thứ gì đó mà nó sẽ không còn tồn tại nữa”.
Trong khi các kỹ thuật cơ bản hầu như thay đổi rất ít từ thời của ông Bentley, thì giờ đây kỹ thuật chụp ảnh bông tuyết đã trở nên phổ biến hơn đối với các nhiếp ảnh gia nghiệp dư. Các ứng dụng điện thoại và các ống kính có thể tháo rời giúp việc cô lập và chụp ảnh các bông tuyết trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Nhưng đối với bà Richardson, sự phát triển của công nghệ mang lại một lợi ích không ngờ khác, đó chính là làm sống lại sự quan tâm đối với thành tựu của ông cố Bentley. Bà nói: “Ông ấy không được đánh giá đúng mức trong suốt cuộc đời mình, nhưng với sự bùng nổ của mạng Internet, người ta sẽ được biết đến Wilson Bentley và tìm hiểu rõ về ông”.
Theo Nhân Dân

>> xem thêm

Bình luận(0)