Năm 1929, Đông Dương đạt được tiến bộ đáng kể khi khai trương hình thức du lịch bằng đường hàng không và nỗ lực thiết lập tuyến bay Sài Gòn - Angkor. Trước đó, mạng lưới các tuyến hàng không mới chỉ áp dụng trong lĩnh vực bưu chính và thương mại.
Từ tuyến bay Sài Gòn - Phnom Penh - Angkor...
Bài viết hành trình du lịch bằng đường hàng không đầu tiên ở Đông Dương đăng trên Tạp chí Đông Dương (Revue Indochinoise) số 35, tháng 5/1929 cho biết những thông tin về tuyến bay dịch vụ du lịch đầu tiên bằng thủy phi cơ: Sài Gòn - Phnom Penh - Angkor.
|
Toàn cảnh Sài Gòn đầu thế kỷ 20 do Cục Hàng không Đông Dương chụp từ trên không. Nguồn: Lưu trữ Hải ngoại Pháp.
|
Bên cạnh đó, bài viết cũng đề cập tới dự định mở tuyến bay thẳng Sài Gòn - Angkor cho những du khách lưu trú ngắn ngày ở Sài Gòn và khai thác những lợi thế của du lịch nơi đây.
Theo bài viết, cuối thập niên 1920, mạng lưới giao thông đường bộ ở Đông Dương dần được cải thiện. Những chiếc đò, phà bắt đầu nhường chỗ cho các cây cầu. Hệ thống khách sạn và nhà nghỉ được xây dựng hoặc mở rộng.
Hoạt động lưu thông được tăng cường bằng các phương tiện giao thông công cộng hoặc xe ôtô cá nhân. Lượng khách du lịch đổ về đây ngày càng nhiều. Và đương nhiên không một du khách nào khi đi qua Viễn Đông mà lại không muốn dừng chân tại Sài Gòn để tới Angkor với những di tích vĩ đại của thành quốc Khmer nổi tiếng.
Tuy nhiên, vấn đề định tuyến là rất quan trọng nhằm giúp khách du lịch có đủ số thời gian cần thiết để ở lại Angkor. Một số hãng du lịch ở Đông Dương đưa ra ý tưởng thiết lập một số dịch vụ cho phép hành khách đi du lịch trên các con tàu lớn có thể dừng chân ở Sài Gòn để đến thăm Angkor và biến khoảng thời gian dừng chân ngắn ngủi của họ ở Đông Dương thành một thú vui thực sự.
Bên cạnh đó người ta còn định nối Angkor với Sài Gòn bằng một chuyến bay thẳng chưa tới 4 giờ đồng hồ. Việc làm này cho phép khách du lịch chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh huy hoàng của vùng châu thổ Đông Dương và lưu trú tại Angkor đủ lâu để tận hưởng vẻ đẹp của các công trình và toàn bộ di tích.
Kinh nghiệm cho thấy rằng việc đi lại giữa Sài Gòn và Angkor bằng máy bay không còn là điều gì quá lớn lao hay ngoài tầm với nữa mà đã có thể nằm trong tầm tay của mọi người. Ngày 10/4/1929, chiếc thủy phi cơ của Hãng hàng không Pháp đã cất cánh từ bờ sông Sài Gòn và hạ cánh xuống Phnom Penh trên sông Mekong chỉ sau 2 giờ, trước mặt Toà Khâm sứ Cao Miên.
Buổi chiều cùng ngày, chiếc máy bay tiếp tục lên đường, bay qua sông Mekong, Hồ Lớn và chỉ sau đó 1 giờ 45 phút, nó đã đỗ tại khu vực phía Nam quần thể đền đài Angkor wat. Ngày hôm sau, chiếc máy bay trở lại Sài Gòn cũng theo lộ trình này. Chuyến hành trình kết thúc một cách tốt đẹp mà không gặp phải bất kỳ khó khăn cũng như trục trặc nào.
Đây không gọi là thành tích mà là một cuộc dạo chơi thực sự được thực hiện trong điều kiện tốt nhất, nó cho phép du khách được chiêm ngưỡng cảnh đẹp với một biên độ nhìn rộng lớn mà không một phương tiện giao thông nào có khả năng làm được.
... Đến ý tưởng lập tuyến bay thẳng Sài Gòn - Angkor trong 4 giờ đồng hồ
Cũng theo bài viết, để đi du lịch tại Đông Dương, người ta có thể cân nhắc giữa máy bay thông dụng và thủy phi cơ.
Tuy nhiên, có vẻ như thủy phi cơ là phương tiện được quan tâm đặc biệt tại khu vực châu thổ như Nam Kỳ và Cao Miên nơi mà hệ thống kênh, rạch, sông ngòi tương đối dày đặc, nơi mà dòng sông Mekong rộng lớn ôm chặt mặt đất bằng nghìn cánh tay của nó, nơi mà đâu đâu người ta cũng bắt gặp một hồ nước để có thể hạ cánh…
|
Đền Angkor.Nguồn: Trang Gallica của Thư viện Quốc gia Pháp.
|
Cũng chính vì thế mà ông Robbe, quan cai trị - đại diện cho Hãng hàng không Pháp đã lựa chọn thủy phi cơ và lộ trình mà ông ta thông qua sau đó chắc chắn là một trong những điểm hấp dẫn nhất của chuyến đi…
Việc sử dụng thuỷ phi cơ cho lộ trình Sài Gòn - Angkor và ngược lại mất khoảng 4 giờ đồng hồ trong khung cảnh thú vị nhất; nó cho phép bạn dừng chân ở Phnom Penh và có đủ số thời gian cần thiết để đi khắp thủ đô của Cao Miên, tham quan cung điện, bảo tàng và chùa bạc, và đưa bạn đến tận thành trì của Angkor.
4 giờ đi và 4 giờ về, khách du lịch vẫn có thể dành từ một, hai đến ba ngày cho Angkor tuỳ theo thời gian sắp xếp. Cách thức du lịch độc đáo, hấp dẫn và nhanh chóng này làm tăng thêm sức hút cho cuộc hành trình tới Angkor và chắc chắn rằng phương thức này sẽ sớm được đưa vào nghiên cứu.
Tuy nhiên trước tiên, cần phải chứng minh đây là chương trình có thể thực hiện được và để làm được điều đó, chuyến bay đầu tiên phải chuyên chở những du khách thực sự…
Bài viết cũng đưa ra khuyến nghị: Ví dụ trên đây thật đáng được tiếp tục theo đuổi, nhất là khi, ngay đầu mùa tới, các dịch vụ sẽ hoạt động thường xuyên hơn và ngày càng có thêm nhiều sáng kiến mới.