|
Cứ mùng 4 tháng Giêng hằng năm, cả thôn Yên Trường lại nhộn nhịp ăn cỗ thịt chó (ảnh minh họa). Nguồn: Internet |
Gọi thịt chó là “mộc tồn” ấy là học theo cách chơi chữ của Trạng Quỳnh thuở xưa. "Mộc" có nghĩa là "cây", "tồn" là "còn", “cây còn” nói lái là “con cầy”, tức chỉ thịt chó qua cách nói ý nhị, văn hoa…
Nếu nhiều làng quê Việt tảo mộ vào tháng Chạp, hoặc tiết thanh minh tháng Ba, riêng ở Yên Trường, người dân đi thăm mộ phần tổ tiên vào ngày mùng 4 Tết. Lệ bất di bất dịch, hằng năm, vào ngày này mùng 4 tháng Giêng, khắp thôn Yên Trường rộn ràng, nô nức như trẩy hội. Dù sinh sống khắp nơi, con cháu của hơn 50 dòng họ trong thôn lại đổ về sum họp, lũ lượt ra đồng tảo mộ.
Sau khi “thăm các cụ”, tri ân công đức tổ tiên, từng họ tề tựu tổ chức cỗ tiệc thịt chó. Vào ngày này, khắp khôn Yên Trường dậy mùi riềng, mẻ… Bữa tiệc sum vầy mùng 4 đầu xuân, nhất định phải là cỗ thịt chó.
|
Không kiêng kỵ, nhưng người dân trong thôn vẫn giàu có, nhà tầng mọc lên san sát.
|
Ông Nguyễn Bá Kỳ (67 tuổi) cho biết: “Lệ ăn thịt chó đầu năm vào mùng 4 tháng Giêng cổ truyền từ lâu đời. Không ai biết chính xác từ bao giờ, tôi năm nay gần 70 tuổi, chỉ biết đời bố tôi, ông tôi đã có. Có lẽ, ngày Tết ăn nhiều thịt lợn, gà chán ngấy, các cụ xưa đổi món mới cho ngon miệng mà thành lệ truyền hậu thế”.
Những nét riêng độc đáo
Trưởng thôn Nguyễn Gia Tứ kể, “vào lệ”, họ nào lớn tiêu thụ hết 80 - 90kg thịt chó (đã mổ sẵn, mua từ đại lý - PV), họ nhỏ cũng hết trên 30kg. Ngày này mỗi năm, cả thôn chế biến hết cả tấn “mộc tồn”. Các đại lý thịt chó trong thôn phải mua gom chó sống từ trước Tết nửa tháng mới đủ phục vụ.
Chẳng những không kiêng thịt chó đầu năm, cách chế biến thịt chó ở Yên Trường cũng mang những nét riêng độc đáo. “Mâm cỗ thịt chó cổ các cụ xưa truyền lại gồm 2 đĩa dồi luộc, 2 bát xáo răm hành, 2 bát xương. Ngày nay, người làng chế biến thêm một số món mới phong phú như nấu măng, xáo canh đu đủ. Cách chế biến độc đáo riêng, ăn một bữa nhớ cả đời”, ông Tứ nói.
|
Trưởng thôn Yên Trường - Nguyễn Gia Tứ thổ lộ về nét văn hóa riêng biệt của làng. |
Ông Nguyễn Đình Thành, Phó trưởng thôn phấn khởi chia sẻ: “Ngày thường, món thịt chó đã là khoái khẩu của làng. Vào lệ càng tuyệt vời, không thể thiếu thịt chó, thiếu không thành cỗ. Con cháu các dòng họ có khi 30, mùng Một không về được. Nhưng ngày mùng 4 Giêng người từ Hà Nội, Hải Dương…, người trong Nam bay ra tụ họp, trở về với cội nguồn. Mọi người quần tụ thưởng thức món ăn cổ truyền quê hương, chia sẻ vui buồn sau 1 năm tất bật, động viên nhau vươn lên trong năm mới”.
Vị Phó thôn tâm tình, thịt chó ở Yên Trường nổi tiếng độc đáo, ngon lạ, đặc biệt với hai món xáo răm hành và dồi. “Vị cay bùi của hành và rau răm, kết hợp vị ngọt của xương tạo nên nồi xáo có vị hấp dẫn riêng. Món dồi khác biệt hoàn toàn các nơi khác, có hành tươi, lá ổi, lạc rang hòa quện cho vị bùi thơm, ngậy ít nơi sánh bằng. Chẳng vậy mà có ông khách ở Phú Thọ được ăn một bữa nhớ mãi, gọi điện luôn luôn mời tôi lên chơi chỉ để làm giúp cho một bữa thịt chó ngon ra trò”, ông Thành nói.
Một trong những món thịt chó “trứ danh” khác của đất Yên Trường đó là món giò chó. Vậy nhưng, món này ít được sử dụng phổ biến vì chi phí đắt đỏ, cách làm cầu kỳ, công phu hơn hết.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Gia Tứ, ăn thịt chó ngày mùng 4 Tết có họ chỉ ăn theo đinh (nam giới của mỗi nhà), họ khác cho phép cả trai cả gái đều được dự tiệc. Dù đặc biệt ngon, nhưng thịt chó chỉ được dùng phổ biến vào ngày giỗ và ngày “Lệ làng” mùng 4 tháng Giêng, tuyệt nhiên không bày cúng lễ, không ăn trong các đám cưới.
Giàu của cải, đậm sắc văn hóa
Mặc dù đi ngược quan niệm kiêng ăn thịt chó vào những ngày đầu tháng, đầu năm vì sợ xui rủi ở nhiều nơi, đời sống người dân “thôn chuyên ăn thịt chó đầu năm” vẫn thịnh vượng, đậm đà bản sắc văn hóa.
|
Vào làng, không khó bắt gặp nhiều ô tô của người dân. |
Ông Tứ chia vui, người Yên Trường không mê tín, không sợ xui rủi, bao năm ăn thịt chó đầu năm chẳng hề gì. “Toàn thôn có hơn 1.200 hộ dân, phát triển đa dạng ngành nghề như mây tre đan mỹ nghệ, thợ nề, thợ mộc, kinh doanh… Nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo, được công nhận là Làng văn hóa và làng nghề thủ công mỹ nghệ”, ông Tứ chia sẻ.
Thôn có chợ trung tâm buôn bán nhộn nhịp, sầm uất, doanh thương phát triển thịnh vượng, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa kiên cố, nhà tầng mọc lên san sát. Nhiều gia đình giàu có, nuôi con ăn học thành tài, hàng chục doanh nghiệp thành đạt, không chỉ tạo việc làm cho người địa phương mà còn giúp các lao động các xã lân cận.
“Đáng tự hào, thôn ngày một nổi lên nhiều tỷ phú, có cô gái trẻ mới ngoài 20 tuổi buôn bán vải vóc ở TP.HCM đã gửi tiền về xây nhà gần 2 tỷ; rồi đứng nhất nhì thôn như gia đình ông Trình Bá Long xây hẳn siêu thị 5 tầng, trang bị thang máy hiện đại, người ra vào tấp nập”, ông Tứ nói.
Giàu có về vật chất, đời sống tinh thần nhân dân thôn Yên Trường phong phú, đậm đà bản sắc truyền thống. Vào cuối tháng Giêng, người dân trong thôn long trọng tổ chức “Tết cùng”. Sự kiện đặc biệt này nhằm kỷ niệm tích xưa, khi giặc đến làng, người dân đồng lòng ném bánh chưng, thịt lợn, thức ăn xuống giếng cổ để cất giấu trước khi di tản. Sau khi giặc khuất bóng, lạ kỳ những thực phẩm dưới giếng vẫn sử dụng được. Cho là “lộc trời”, người dân làm “Tết cùng” để lễ đất trời, tưởng nhớ cha ông có công giữ làng…
Nằm gần trung tâm thôn, đình cổ thôn Yên Trường giàu giá trị văn hóa truyền thống, được Nhà nước tôn vinh là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cứ 3 năm 1 lần, nhằm ngày 5.2 âm lịch, hội làng được tổ chức.
Ngày Hội diễn ra với những nghi lễ đặc sắc: tế, rước thành hoàng làng từ Đình xuống Quán và ngược lại; trai gái rộn ràng thi hát quan họ, các trò chơi chọi gà, cờ tướng, thổi cơm thi, kéo co…ghi đậm dấu ấn bản sắc văn hóa một vùng quê xứ Đoài…