Grab bị các nước xử phạt sai phạm thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Mới đây, TAND TP.HCM tuyên Công ty TNHH Grab Việt Nam phải bồi thường cho Vinasun số tiền hơn 4,8 tỷ đồng. Trước đó, Grab cũng bị chính quyền một số nước xử phạt vì có những sai phạm trong hoạt động kinh doanh.

Vào ngày 28/12 vừa qua, TAND TP HCM chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), tuyên buộc Công ty TNHH Grab Việt Nam bồi thường cho nguyên đơn hơn 4,8 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử đã chỉ ra nhiều sai phạm của Grab trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, Grab có mối quan hệ nhân quả giữa sai phạm của Grab với thiệt hại của Vinasun. Hội đồng xét xử cho hay đơn vị này không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến thua lỗ của Vinasun. Vì vậy, tòa buộc Grab bồi thường cho Vinasun số tiền hơn 4,8 tỷ đồng và không chấp nhận yêu cầu của Vinasun đòi Grab số tiền hơn 36,3 tỷ đồng.
Grab bi cac nuoc xu phat sai pham the nao?
Grab bị Singapore và Philippines phạt khoản tiền lớn cho vụ sáp nhập với Uber.
Đây là án phạt mới nhất dành cho Grab. Trước đó, Grab bị một số nước đưa ra mức xử phạt vì có những sai phạm trong kinh doanh. Gần đây nhất, Grab bị phạt khoản tiền lớn cho vụ sáp nhập với Uber hồi đầu năm 2018.
Cụ thể, vào tháng 3/2018, Uber bán toàn bộ hoạt động kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á cho đối thủ Grab để đổi lấy 27,5% cổ phần của Grab.
Sau khi hoàn thành thương vụ sáp nhập, Grab tăng chi phí cho mỗi chuyến đi lên 10 - 15%, giảm điểm thưởng của khách hàng xuống và giảm tần suất các chương trình tăng điểm thưởng cho tài xế.
Trước sự việc này, Ủy ban người tiêu dùng và cạnh tranh Singapore (CCCS) đã vào cuộc điều tra. Cuối cùng, CCCS đi đến kết luận vụ sáp nhập đã làm giảm đáng kể tính cạnh tranh trong thị trường dịch vụ gọi xe bằng ứng dụng công nghệ ở Singapore.
Vì vậy, vào ngày 24/9/2018, Singapore đưa ra mức phạt dành cho Grab và Uber 13 triệu SGD (222 tỉ đồng) vì vi phạm luật cạnh tranh. Ngoài ra, Singapore còn đưa ra nhiều biện pháp yêu cầu Grab phải giảm chi phí các chuyến xe và tăng thêm đối thủ cạnh tranh với Grab, áp dụng lại giá cũ, cho phép tài xế Grab có thể sử dụng các ứng dụng gọi xe khác.
Cũng liên quan đến vụ sáp nhập trên, vào tháng 10/2018, cơ quan giám sát cạnh tranh Philippines đưa ra mức phạt 16 triệu peso (khoảng 297.000 USD) đối với Grab và Uber vì hoàn tất sáp nhập trong lúc thương vụ vẫn đang được cơ quan này xem xét.

Mời độc giả xem video: Nhiều nước Đông Nam Á đưa thương vụ Grab - Uber vào tầm ngắm (nguồn: VTV1)

Bên cạnh thương vụ sáp nhập với Uber, Grab còn từng bị Bulgaria phạt vì bị cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh. Điều này xuất phát từ việc nhiều hãng taxi truyền thống của Bulgaria biểu tình vì cho rằng các ứng dụng như Uber đang cạnh tranh không lành mạnh khi sử dụng tài xế không có giấy phép lái taxi, không có giấy phép hành nghề vận tải.
Sau khi vào cuộc điều tra phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan vận tải, chính quyền Bulgaria đã đưa ra mức phạt 50.000 Euro (khoảng 57.000 USD) dành cho Uber vì những cáo buộc trên. Giới chức Bulgaria còn yêu cầu Uber và các dịch vụ tương tự phải có xe taxi và tài xế được cấp phép nếu muốn vận hành. Về sau, Uber đã rút khỏi thị trường Bulgaria.
Tâm Anh (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)