Liên quan đến vụ nổ tại KĐT Văn Phú xảy ra lúc 15h15 ngày 19/3 khiến 4 người chết, 10 người bị thương, 36 căn hộ bị hư hỏng nặng, Báo điện tử Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội để làm rõ vấn đề: Ai sẽ là những đơn vị, cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm về vụ nổ, về việc bồi thường những gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng?
|
Hiện trường vụ nổ. |
Luật sư Tiến cho biết, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bổi thường thiệt hại thì: “ 1.Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường; 2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó”(Điều 604).
Như vậy có thể thấy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ đặt ra khi: có thiệt hại xảy ra trên thực tế; có hành vi trái pháp luật; có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật và phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người thiệt hại.
Xét trong trường hợp vụ nổ kinh hoàng ở KĐT Văn Phú, Hà Đông thì có thể thấy:
Thứ nhất, hành vi của anh Cường có dấu hiệu trái pháp luật. Cụ thể, anh Cường là người mang vật liệu nổ mua được ra trước cửa nhà, cạnh đường rồi dùng đèn khò cắt vật liệu nổ để lấy sắt thì xảy ra vụ nổ. Theo kết quả điều tra của Cục Kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) xác định: loại thuốc nổ thu được ở hiện trường trùng khớp với loại thường sử dụng chế tạo bom; các mảnh vỡ bằng gang, kim loại văng tại hiện trường cũng là vật liệu chế tạo bom. Như vậy có thể thấy hành vi của anh Cường đã có các dấu hiệu phạm tội tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ theo Điều 232 Bộ luật hình sự.
Thứ hai, anh Cường đã thực hiện hành vi do lỗi vô ý. Bởi lẽ, bom là một loại vũ khí có ký hiệu, kích thước, hình dạng riêng biệt để có thể nhận biết được đây là loại vũ khí nguy hiểm. Anh Cường là người buôn bán phế liệu nên anh hoàn toàn có khả năng phân biệt được các loại phế liệu, vật liệu khác nhau trước khi mua hoặc bán.
Vì vậy, anh Cường hoàn toàn có thể nhận dạng được vật liệu mà anh đang dùng đèn khò cắt “tiềm ẩn khả năng gây nguy hiểm”. Tuy nhiên, có thể do anh Cường chủ quan cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra (vì có thể quả bom này để quá lâu nên không thể nổ, hoặc nó đã hư hỏng hoàn toàn) nên anh vẫn thực hiện hành vi của mình.
Khoản 2 Điều 308 BLDS quy định: “Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được”.
Thứ ba, hành vi dùng đèn khò cắt vật liệu nổ để lấy sắt là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ nổ kinh hoàng làm 14 người thương vong.
Mặt khác, vật liệu nổ trong trường hợp này được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định tại Khoản 1 Điều 623 BLDS: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”.
Như vậy, theo quy định tại Khoản 2 Điều 623 BLDS và theo hướng dẫn tại mục 3 Nghị quyết 03/200/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Hay nói cách khác, trường hợp này anh Cường phải có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại về vật chất và tinh thần cho các nạn nhân từ vụ nổ.
Tuy nhiên, người gây thiệt hại là anh Cường cũng đã chết nên pháp luật quy định trong trường hợp này thì những người được hưởng thừa kế của người gây thiệt hại phải có nghĩa vụ bồi thường trong phạm vi tài sản của người đã chết để lại theo quy định tại Khoản 1 Điều 637: “Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.
Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì:“1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; 2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình”.
Trong trường hợp này, do hành vi này được thực hiện với lỗi vô ý nên nếu gia đình anh Cường có thể chứng minh khả năng bổi thường thiệt hại vượt quá mức so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của gia đình thì có thể xin giảm mức bồi thường thiệt hại trên thực tế.
Ngoài ra, nếu cơ quan điều tra, xác minh được ai là người đã bán vật liệu nổ cho anh Cường thì người này cũng có thể sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc bồi thường thiệt hại nếu họ có lỗi với hậu quả đã xảy ra.
Vì sao không khởi tố vụ án?
Theo tài liệu điều tra ban đầu thì hành vi của Phạm Văn Cường có thể cấu thành tội phạm chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ được quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự .
Như vậy, Nguyễn Văn Cường là người trực tiếp gây ra vụ việc đã chết và nếu có kết luận của cơ quan điều tra xác định không còn đồng phạm khác thì vụ việc cũng không được khởi tố mà chỉ thu thập chứng cứ để làm rõ trách nhiệm dân sự, giải quyết trách nhiệm dân sự giữa các bên nên không có căn cứ khởi tố vụ án hình sự để xử lý theo Điều 232 BLHS (theo khoản 7 Điều 107 BLTTHS). Trong trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo Điều 108 BLTTHS.
>>>Xem thêm video: Nhân chứng kể lại vụ nổ kinh hoàng tại KĐT Văn Phú