Tối 19/9, nhiều cảnh sát có mặt tại trụ sở khang trang của Công ty VN Pharma trên đường 3/2, phường 14, quận 10, thực hiện việc khám xét ở các phòng làm việc của VN Pharma. Sau đó, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng
giám đốc công ty là ông Nguyễn Minh Hùng đã bị bắt giữ và di lý ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra. Theo thông tin ban đầu, ông Hùng bị bắt vì có hành vi làm giả 7 bộ hồ sơ đấu thầu thuốc vào
bệnh viện và mới trúng gói thầu trị giá 800 tỷ đồng. Ngoài ra, người đứng đầu Công ty VN Pharma còn bị cho là dính líu đến hành vi buôn lậu.
|
Lực lượng an ninh làm nhiệm vụ tại trụ sở Công ty VN Pharma tối 19/9. Ảnh bé là ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty. |
Thông tin ông Hùng bị bắt giữ và Công ty VN Pharma bị khám xét đã khiến dư luận, nhất là giới kinh doanh, sản xuất trong ngành dược vô cùng quan tâm. Bởi trong ngành dược Việt Nam, Công ty CP VN Pharma là một công ty “sinh sau đẻ muộn” nhưng tốc độ phát triển và chiếm lĩnh thị trường dược phẩm nhanh như vũ bão.
Hiện Công ty CP VN Pharma có nhiều công ty thành viên khác như Công ty TNHH MTV dược Nam Anh, Công ty CP dược Nam Hùng, Công ty TNHH MTV dược VN Pharma. Ngoài ra, Công ty CP VN Pharma còn liên tiếp thành lập các đơn vị thành viên như VN Medicare (tháng 11/2012) hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh và sinh hóa phẩm y tế; VN Logistics (tháng 3/2013) hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kho bãi và hậu cần ngành dược; VN Clinic (tháng 7/2013) hoạt động trong lĩnh vực phòng khám.
Vậy, việc sếp tổng là ông Nguyễn Minh Hùng bị bắt giữ, Công ty CP VN Pharma bị khám xét, và có thể bị tạm ngừng hoạt động trong thời gian khám xét, thì các công ty thành viên của VN Pharma có bị liên tụy, tạm ngừng hoạt động; ban lãnh đạo của các công ty này có bị liên đới trách nhiệm?
Theo
Luật sư Hoàng Văn Thạch, Văn phòng Luật sư Trí Minh, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, các công ty thành viên của Công ty CP VN Pharma là các doanh nghiệp mà Công ty CP VN Pharma tham gia góp vốn vào. Với tư cách là thành viên góp vốn, Công ty CP VN Pharma có thể chi phối hoạt động của các công ty thành viên. Tuy nhiên, theo quy định của Luật doanh nghiệp thì chúng là hai pháp nhân hoàn toàn độc lập. Do vậy, nếu các công ty con không tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật với Công ty CP VN Pharma thì các công ty này sẽ không chịu trách nhiệm liên đới gì, lãnh đạo của họ cũng vậy. Ngược lại nếu có tham gia vào các hoạt động phi pháp thì bản thân các công ty thành viên này và lãnh đạo của họ sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới hoặc độc lập tùy nội dung sự việc.
"Hiểu một cách đơn giản quan hệ giữa Công ty CP VN Pharma và các công ty thành viên giống như quan hệ bố - con. Bố vi phạm pháp luật và bị bắt giữ, khám xét thì không có nghĩa là con cũng vi phạm và bị bắt giữ, khám xét.
Tuy nhiên về mặt quản trị doanh nghiệp thì các Công ty thành viên nhận vốn góp từ Công ty CP VN Pharma. Do vậy nếu Công ty CP VN Pharma bị kết luận là có vi phạm pháp luật, và các tài sản góp vốn vào Công ty thành viên cũng dính líu đến hoạt động vi phạm pháp luật thì theo quy định chúng sẽ bị tịch thu, điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty con", Luật sư Thạch nói.