Theo thông báo từ Văn phòng Quốc hội, ngày 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra nghị quyết đồng ý đề nghị khởi tố bị can của VKSND Tối cao đối với bà Châu Thị Thu Nga (ĐBQH đoàn Hà Nội) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng thời tạm đình chỉ nhiệm vụ ĐBQH của bà Nga để các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành thủ tục hình sự theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết được ban hành căn cứ vào Điều 58 Luật tổ chức Quốc hội và căn cứ đề nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao tại công văn ngày 31/12/2014.
Theo điều 58 luật Luật Tổ chức Quốc hội 2001 (sửa đổi năm 2007), "không có sự đồng ý của Quốc hội (QH) và trong thời gian QH không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ QH thì không được bắt giam, truy tố ĐBQH và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH. Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện KSND tối cao".
|
Bà Châu Thị Thu Nga (áo đen) khi bị bắt tối 7/1. |
ĐBQH không thể bị cơ quan, đơn vị nơi đại biểu làm việc cách chức, buộc thôi việc, nếu không được Uỷ ban thường vụ Quốc hội đồng ý. Nếu vì phạm tội quả tang mà ĐBQH bị tạm giữ, thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xét và quyết định.
Luật cũng quy định, trong trường hợp ĐBQH bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì UB Thường vụ QH quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH đó.
ĐBQH bị Toà án kết án thì đương nhiên mất quyền ĐBQH, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật.
Chiều 8/1, HĐND Hà Nội cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu HĐND đối với bà Châu Thị Thu Nga. Quyết định do Phó chủ tịch HĐND Hà Nội Lê Văn Hoạt ký.
Bà Nga trúng cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khóa 14, nhiệm kỳ 2011-2016 tại đơn vị bầu cử huyện Phúc Thọ.
Tại kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố diễn ra đầu tháng 12/2014, bà Nga có đơn xin vắng mặt vì lý do sức khỏe.