Chiều 7/1, công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường Cao tốc Việt Nam (Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường Cao tốc Việt Nam) cho biết: “Dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây sẽ thông xe đoạn từ nút giao An Phú (quận 2) đến Vành Đai 2 (quận 9) dài 4km đã hoàn thành và chính thức thông xe từ 9h ngày 10/1”.
|
Phối cảnh nút giao An Phú lên đường dẫn cao tốc TP HCM-Long Thành-Dầu Giây sẽ được đưa vào sử dụng từ 10/1. |
|
Đến chiều 7/1, mọi công việc chuẩn bị cho việc thông xe cơ bản đã hoàn thành. Công nhân đang tất bất chỉnh trang một số công đoạn còn lại. |
Dự án đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây có tổng chiều dài toàn tuyến là 55km và đã khai thác tạm thời đoạn từ TP HCM (Vành Đai 2) đến Long Thành, tỉnh Đồng Nai (Quốc lộ 51) với chiều dài gần 20km từ đầu năm 2014.
Lãnh đạo Công ty đường cao tốc khẳng định: “Sau tròn năm đưa vào khai thác tạm thời gần 20km
đường cao tốc nói trên đã có hơn 5 triệu lượt xe lưu thông an toàn, thông suốt và đạt hiệu quả cao, rút ngắn đáng kể thời gian từ TP HCM đến Vũng Tàu và chất lượng lưu thông luôn đảm bảo không ùn tắc”.
|
Sau đúng 1 năm đưa vào sử dụng tạm thời 20km (từ TPHCM đến QL51, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), đoạn cao tốc nói trên đã có hơn 5 triệu lượt xe lưu thông an toàn, thông suốt và đạt hiệu quả cao |
Tuy nhiên suốt thời gian đoạn đường đưa vào sử dụng, do dự án thành phần 1 (Đoạn từ An Phú đến Vành Đai 2) đang thi công nên đã xảy ra ùn tắc khá nghiêm trọng tại các tuyến đường dẫn vào cao tốc như Đỗ Xuân Hợp (quận 9); Nguyễn Duy Trinh, Đồng Văn Cống từ cầu Phú Mỹ (quận 2) sang để vào đường Vành Đai 2 lên đường cao tốc. Vì vậy mặc dù phương tiện rút ngắn được thời gian, khoảng cách khi sử dụng đường cao tốc nhưng khi vào đường dẫn luôn bị ùn tắc nhất là vào những dịp cuối tuần, lễ tết lượng xe tăng đột biến gây mất nhiều thời gian.
|
Tuy nhiên tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại khu vực đường dẫn ở TP HCM luôn là nỗi ám ảnh cho giới lái xe... |
|
...nhất là những dịp cuối tuần, lễ tết. Khi nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 được đưa vào sử dụng, tình trạng như thế này sẽ được khắc phục. |
Trước tình hình trên, Công ty CPDV kỹ thuật đường Cao tốc Việt Nam ra sức thi công suốt ngày đêm nhằm sớm đưa vào sử dụng, thông xe 4km đường dẫn cao tốc từ nút giao An Phú đến Vành Đai 2. Khi đưa vào khai thác, sẽ kết nối đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây với đại lộ Đông Tây, trục đường giao thông quan trọng của TP HCM và góp phần giải quyết tình trạng quá tải cửa ngõ Thành phố đi các tỉnh lân cận, giảm thời gian và tăng khả năng tiếp cận, kết nối với các phương tiện tham gia giao thông từ trung tâm thành phố đi lên cao tốc chỉ còn 4km thay vì gần 9km như trước đây.
Lãnh đạo công ty đường Cao tốc cũng cho biết: “Trước Tết Nguyên đán (dự kiến khoảng ngày 8/2) sẽ thông xe toàn tuyến đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây từ TP HCM đến Dầu Giây (dài 55km)”.
|
Đến trước Tết Ất mùi 2015, tuyến cao tốc TP HCM- Long Thành-Dầu Giây (dài 55km) sẽ được thông xe hoàn toàn. |
Như vậy bắt đầu từ Tết Ất Mùi, từ TPHCM đi ngã 3 Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai) để về các tỉnh miền Trung, phía Bắc, Đà Lạt (Lâm Đồng), nếu đi theo lộ trình cũ (QL1A) sẽ mất khoảng 3 giờ với chiều dài 70km; nhưng nếu đi đường cao tốc sẽ rút ngắn được 20km và thời gian chỉ còn 1 giờ.
Đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây dài 55km qua các địa phương: Quận 2 (từ nút giao An Phú); quận 9 (TPHCM), Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) với 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp.
Các nút giao trên tuyến là: An Phú, Đỗ Xuân Hợp, Vành đai 2, QL51 và nút giao Dầu Giây. Đoạn từ nút An Phú đến Vành đai 2 được thiết kế theo cấp đường đô thị, vận tốc là 80km/h; đoạn cao tốc còn lại (từ Vành đai 2 đến Dầu Giây, dài 51km) tốc độ thiết kế 120km/h.