Hồi hộp, lo lắng… là điều bình thường
PGS. TS Nguyễn Thị Hoa, Trưởng phòng Tâm lý học ứng dụng, Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, học sinh có tâm lý hồi hộp, lo lắng… thậm chí run sợ trước kỳ thi THPT quốc gia là điều bình thường.
|
PGS. TS Nguyễn Thị Hoa. |
"Các em phải hiểu rằng, đã đi học là phải trải qua kỳ thi. Bài thi là kết quả để đánh giá nỗ lực, trình độ nhận thức của từng học sinh. Kết quả thi phản ánh khả năng của từng học sinh, người vào đại học, người học cao đẳng, người đi học nghề... Đây là nấc thang quan trọng trong cuộc đời của các em.
Tuy nhiên, các em không nên suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng tới sức khỏe, giảm khả năng ôn tập dẫn tới kết quả thi sắp tới không tốt. Hãy biến hồi hộp, lo lắng, run sợ,… trở thành động lực tích cực và hành động bằng việc lên kế hoạch học tập khoa học, thời gian biểu cho từng môn thi sắp tới, học nhóm, học hỏi ở bạn bè, thầy cô. Như vậy, sẽ giúp các em tập trung ôn thi tốt hơn, suy nghĩ tốt hơn về kỳ thi sắp tới, căng thẳng đã trở thành căng thẳng tích cực", bà Hoa phân tích.
Bà Hoa chia sẻ thêm, năm nay là năm đầu tiên tổ chức hình thức thi mới. Các em học sinh cần hiểu rằng: Khó là khó chung, không khó một ai và không dễ một ai.
Chỉ còn gần một tháng nữa, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ bắt đầu, việc ôn tập dồn bài tập, kiến thức đến gần ngày thi là chuyện thường gặp ở học sinh. Khi lượng kiến thức rất lớn dồn trong thời gian ngắn sẽ khiến các em suy nghĩ, tưởng tượng những viễn cảnh như: mình không đỗ thì sẽ như thế nào? Bạn bè, bố mẹ, người thân sẽ nhìn mình ra sao? Mọi người có dị nghị, nói mình không?...
|
Hồi hộp, lo lắng trước kỳ thi là điều bình thường, thí sinh cần biến điều đó làm động lực để ôn tập tốt hơn. |
PGS.TS Nguyễn Thị Hoa khuyên: “Các em không nên có những tưởng tượng, suy nghĩ tiêu cực, có thể dẫn tới ốm đau, không có kết quả tốt cho kỳ thi. Hãy biến những suy nghĩ đó thành cảm xúc tích cực, thúc đẩy quá trình học tốt hơn, nỗ lực hơn trong học tập. Tích cực trao đổi kiến thức với bạn bè, thầy cô để hệ thống lại kiến thức, ôn tập tốt cho kỳ thi sắp tới.
Tuy nhiên, nếu em nào chưa có quá trình học tập và chuẩn bị tốt cho kỳ thì, bài thi sẽ không như mong muốn thì đó cũng là chuyện bình thường. Trượt thi không phải là “trời sập”, là kết thúc tất cả. Nếu không may bị trượt thi thì hãy xem đó như là một trải nghiệm, một bài học để chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi lại.
Khi vào phòng thi, các em thường gặp tình trạng hồi hộp, tim đập loạn nhịp, tâm lý nhìn giám thị như là người xấu, luôn rình bắt chúng ta. Đó là suy nghĩ sai lầm, các em phải hiểu rằng, giám thị là người bảo vệ chúng ta và bảo vệ sự công bằng trong mỗi kỳ thi. Bên cạnh đó, chúng ta thường gặp tâm lý tự ti, tưởng tượng những điều xấu, bất lợi như đề thi khó, không làm được bài, … thay vì nghĩ những điều tốt. Do đó, các em hãy gạt bỏ những suy nghĩ bất lợi cho mình, cần phải nghĩ đến một tương lai tươi sáng. Nghĩ đến điều vui, người thân, những nơi giúp bạn có tinh thần tốt nhất."
Bà Nguyễn Thị Hoa nhắn nhủ, các em học sinh cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, tránh ăn nhiều chất béo, chất kích thích, … Sau 1 tiếng ngồi học bài nên đứng dậy đi lại, nghỉ ngơi 5 phút, phóng tầm mắt ra xa để thư giãn mắt, tỉnh táo lại đầu óc.
Đừng để áp lực đến mức phải nhập viện
Chia sẻ về tình trạng học sinh bị tâm lý sợ hãi, lo lắng trước kỳ thi, Bác sĩ Dương Đình Phúc, Chủ nhiệm khoa Tâm thần kinh – Bệnh viện 354 cho biết, hàng năm, vào kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng có hàng loạt học sinh, sinh viên phải nhập viện tâm thần do áp lực học hành, thi cử.
Theo ông, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng, hồi hộp ở thí sinh. Tuy nhiên, áp lực “đỗ đạt” từ phía gia đình hoặc từ bản thân các em là nguyên nhân chính. Một số gia đình đã kỳ vọng cao hơn khả năng thực có của con cái, điều đó tạo nên nhưng áp lực lớn cho em. Thêm vào đó là khối lượng kiến thức lớn, mật độ thi dày đặc cũng khiến các em căng thẳng, mệt mỏi, lâu dần nếu không được nghỉ ngơi một cách hợp lý, rất có thể dẫn đến bệnh rối loạn stress hoặc nặng hơn là rối loạn tâm thần.
Theo ông, những bệnh nhân đến khám, đều trị hầu hết có biểu hiện ban đầu là đau đầu, rối loạn giấc ngủ, rối loạn trí nhớ, khó tập trung vào học hành dẫn đến không hiểu bài giảng, sức học giảm sút. Một số trường hợp nặng sẽ xuất hiện chứng rối loạn trầm cảm.
Rối loạn stress ở học sinh nếu không được can thiệp sớm, kịp thời có thể dẫn đến những rối loạn trầm cảm có hành vi tự sát. Rất nhiều học sinh mắc chứng bệnh trầm cảm ẩn có ý tưởng tự sát mà phụ huynh không hề hay biết và rồi khi xảy ra hậu quả đau lòng thì phụ huynh mới đi tìm nguyên nhân.
Bác sĩ Dương Đình Phúc khuyến cáo, để ôn thi hiệu quả, mỗi em phải tự sắp xếp thời gian học và nghỉ ngơi phù hợp. Trong đó, các em nên dành 6 tiếng/ngày để ngủ và ngủ giấc phải sâu. Giấc ngủ có vai trò đặc biệt quan trọng vì đây là lúc các tế bào thần kinh thải độc và lấy chất dinh dưỡng. Không nên học quá khuya hoặc học quá nhiều sẽ gây mệt mỏi, căng thẳng thần kinh. Phụ huynh không nên tạo sức ép với các con, tránh tâm trạng lo lắng thái quá, ảnh hưởng đến sự tập trung và phân tán tư tưởng của con khi ôn thi.