Chiều 18/3, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi đối thoại trực tuyến về kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển; ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo); ông Hoàng Minh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Sắp tới, Bộ sẽ công bố đề thi minh họa
Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ 2015 đang đến gần, giáo viên ở các trường hiện đang rất lúng túng trong việc ôn luyện cho học sinh khi họ không nắm được cấu trúc đề thi cũng như phạm vi ôn tập. Nhiều học sinh cũng đang khá lo lắng về vấn đề này. Trả lời câu hỏi Bộ GD&ĐT có định hướng hay chủ trương gì khi không công bố cấu trúc đề thi cũng như phạm vi ôn tập, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Việc hướng dẫn ôn tập đã có ngay từ đầu năm. Đề thi tương tự năm trước. Nội dung nằm trong chương trình THPT, vì vậy thí sinh không nên lo lắng. Việc ôn tập vẫn diễn ra bình thường. Bộ không ban hành cấu trúc đề thi. Nhưng để đáp ứng yêu cầu của học sinh, tới đây, Bộ sẽ công bố đề thi minh họa. Đề thi này không khác năm 2014.
|
Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ công bố đề thi THPT quốc gia minh họa. Đề thi này không khác năm 2014. |
Có một thực trạng là vì lo lắng, nhiều học sinh đã mua nhiều loại sách tham khảo và trong quá trình ôn tập lại phụ thuộc vào các loại sách tham khảo này.Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, các em không nên lệ thuộc nhiều vào tài liệu tham khảo. Nên bám chắc SGK với sự hướng dẫn của giáo viên để ôn tập kỹ sẽ hiệu quả. Học tốt thì thi sẽ tốt. Tự tin thì cũng sẽ có kết quả thi tốt.
Một vấn đề khiến học sinh lo lắng nữa là việc đi lại từ tỉnh này tới tỉnh khác có gặp thuận lợi hay không? Những nơi gần điểm thi (không phải là Hà Nội và TPHCM) có đủ chỗ nghỉ cho phụ huynh và thí sinh không?
Giải đáp băn khoăn này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với các trường và địa phương khảo sát kỹ, tính toán kỹ khả năng tổ chức, tiếp nhận thí sinh rồi mới chọn cụm thi. Các em có thể yên tâm về điều này”.
Các trường căn cứ vào đâu để đưa ra điểm chuẩn?
Năm nay Bộ yêu cầu các trường phải công bố chuẩn xét tuyển trước khi học sinh nộp hồ sơ xét tuyển. Vậy các trường sẽ sử dụng những yếu tố gì để xây dựng ngưỡng xét tuyển của mình? Các trường sẽ làm thế nào để biết được mình sẽ lấy điểm chuẩn từ bao nhiêu khi chỉ biết số học sinh sẽ thi vào trường mình (chẳng hạn như ĐH Bách khoa sơ tuyển trước) nhưng lại không biết điểm thi của thí sinh, vì các em có thể thi ở bất cứ đâu. Vậy các trường giải quyết vấn đề này thế nào?
Câu hỏi trên đang là một vấn đề khiến các thí sinh và phụ huynh vô cùng quan tâm. Theo ông Hoàng Minh Sơn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ chỉ quy định các trường sẽ công bố điểm xét tuyển không được thấp hơn ngưỡng xét tuyển chất lượng đầu vào. Còn cao hơn bao nhiêu so với chất lượng đầu vào là do các trường quyết định.
Ngưỡng xét tuyển đầu vào của các trường đại học, cao đẳng cao hơn hoăc bằng so với Bộ GD&ĐT đặt ra. Chẳng hạn ĐH Bách Khoa sẽ căn cứ vào đề thi cụ thể và phổ điểm mà do thí sinh ở nơi khác đến thi để có thể có con số thống kê, căn cứ vào số thống kê và phổ điểm đó mà đưa ra mức tối thiểu để nhận hồ sơ vào.
Một câu hỏi khác tại buổi đối thoại trực tiếp khiến nhiều người quan tâm đó là câu hỏi của một bậc phụ huynh. Nội dung câu hỏi như sau: “Năm nay, con tôi thi tốt nghiệp và có nguyện vọng lấy kết quả để xét tuyển vào ĐH-CĐ, nhưng hiện tôi không rõ việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường như thế nào? Ví dụ nguyện vọng 1 của con tôi muốn vào trường Đại học Hà Nội, nguyện vọng 2 là Đại học Nội vụ và một nguyện vọng nữa là một trường cao đẳng (thi khối D1). Vậy sau khi nhận được phiếu báo điểm thi, con tôi phải làm như thế nào? Trong trường hợp nguyện vọng 1 không được thì việc đăng ký xét tuyển các nguyện vọng (NV) khác như thế nào?
Trả lời vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa cho biết, có 4 giấy chứng nhận kết quả thi. NV1: Được đăng ký 4 ngành của 1 trường; được rút hồ sơ ra để đăng ký trường khác. NV1 chỉ được nộp vào 1 trường duy nhất với 4 NV vào các ngành khác nhau trong 1 trường. Ở đợt này, thí sinh được rút hồ sơ để nộp vào trường phù hợp.
Thí sinh đã trúng NV1 mất quyền dùng giấy xét NV bổ sung.
Nếu thí sinh trượt NV1 được phép dùng NV bổ sung. Có thể nộp một lúc 3 phiếu vào 3 trường khác nhau cũng được.
Ở NV bổ sung thì không được rút hồ sơ trong quá trình xét tuyển.
Sau khi kết thúc đợt xét tuyển mà thí sinh chưa trúng tuyển, có thể đến xin rút giấy NV bổ sung nộp tiếp trong các đợt xét tuyển sau.
Dự kiến ĐH có 3 đợt xét tuyển, CĐ 4 đợt xét tuyển.
Thí sinh phải cân nhắc kỹ việc chọn trường để nộp hồ sơ xét tuyển, nên căn cứ vào điểm thi (phải cao hơn điểm chuẩn năm trước ít nhất 2 điểm); thông tin xét tuyển của trường (công bố 3 ngày/lần)… để chọn trường nộp hồ sơ xét tuyển.
Với lo lắng thí sinh đăng ký thi 3 - 4 môn thi sau đó vi phạm hoặc bỏ thi thì sẽ xử lý thế nào, ông Nghĩa cho biết: Nếu bị kỷ luật thi chỉ bị trừ điểm thì vẫn được sử dụng kết qủa thi, nếu đình chỉ thì không được xét tốt nghiệp và ĐH. Nếu thí sinh thi đủ môn xét tốt nghiệp mà bỏ các môn còn lại thì vẫn được dùng môn thi đó để xét tuyển ĐH. Trong trường hợp đang thi mà ốm đau được đặc cách, điều kiện điểm phải trên 5 đối với các môn đã thi.