Tuyển sinh quân đội là một trong những vấn đề được độc giả quan tâm trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay. Nhiều thí sinh muốn tìm hiểu rõ hơn về các đối tượng tuyển sinh của các trường đại học thuộc khối quân đội cũng như quyền lợi của thí sinh nếu trúng tuyển. Kiến Thức có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Quân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật Lincon & Brothers về vấn đề này.
- Hỏi: Thí sinh trúng tuyển vào đào tạo đại học hệ quân sự trong các trường thuộc khối quân đội có quyền lợi gì?
- Luật sư Nguyễn Hồng Quân trả lời: Theo quy định, thí sinh trúng tuyển vào đào tạo đại học hệ quân sự trong các trường thuộc khối quân đội được quân đội bảo đảm về ăn, ở, mặc, phụ cấp hàng, không phải đóng học phí, được đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng phục vụ cho học tập.
Tuy nhiên, học viên phải nghiêm chỉnh chấp hành điều lệnh, điều lệ của quân đội và quy định của nhà trường. Trong trường quân đội, ngoài việc học tập, học viên được rèn luyện toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong, nếp sống, sinh hoạt chính quy theo điều lệnh quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao khi ra trường.
Cũng theo quy định, sau từng năm học, những học viên được xếp loại xuất sắc, loại giỏi được hưởng chế độ khen thưởng theo quy định của Bộ Quốc phòng; Học viên được hưởng chế độ nghỉ hè, nghỉ tết theo quy định.
Học viên tốt nghiệp ra trường sẽ được giám đốc, hiệu trưởng cấp bằng tốt nghiệp; văn bằng tốt nghiệp cấp cho học viên khi tốt nghiệp ra trường là bằng đại học thuộc hệ thống văn bằng quốc gia (mẫu văn bằng do Bộ GD-ĐT phát hành).
|
Ảnh minh họa. |
Học viên tốt nghiệp được Bộ Quốc phòng phong quân hàm sĩ quan, như sau: Học viên tốt nghiệp được phong quân hàm sĩ quan cấp thiếu úy. Phong quân hàm cấp trung úy đối với học viên tốt nghiệp loại giỏi; Học viên đào tạo phi công, tàu ngầm và bác sĩ tại Học viện Quân y, kỹ sư tại Học viên Kỹ thuật Quân sự xếp loại học tập khá; Học viên đào tạo trình độ đại học xếp loại tốt nghiệp khá, có một trong các điều kiện sau: Trong khóa học được khen thưởng từ hình thức giấy khen trở lên trong học tập hoặc đạt giải chính thức tại các kì thi quốc gia, quốc tế; học viên là người dân tộc thiểu số, hoặc học viên trước khi vào học có đủ điều kiện cử tuyển theo quy định của nhà nước.
Phong quân hàm cấp thượng úy đối với học viên đào tạo trình độ đại học tại các trường trong nước, xếp loại tốt nghiệp xuất sắc. Nếu tốt nghiệp loại giỏi phải được tặng danh hiệu Anh hùng hoặc có thành tích xuất sắc được tặng thưởng huân chương chiến công; Học viên đào tạo tại các trường nước ngoài, theo hình thức đào tạo hai giai đoạn, thời gian đào tạo trên 6,5 năm, có trình độ sau đại học và xếp loại tốt nghiệp xuất sắc.
Theo quy định của Bộ Quốc phòng, tất cả học viên sĩ quan đều phải nghiêm chỉnh chấp hành việc phân công công tác sau khi tốt nghiệp. Việc phân công công tác căn cứ vào mục tiêu đào tạo và nhu cầu của từng đơn vị. Những học viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi được ưu tiên xem xét nguyện vọng khi phân công công tác.
- Hỏi: Đối tượng tuyển sinh của các trường khối quân đội năm 2015 là những ai?
- Luật sư Nguyễn Hồng Quân trả lời: Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vào các trường quân đội năm 2015 của Ban Tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng), đối tượng tuyển sinh của các trường này là:
1. Hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự, có thời gian phục vụ tại ngũ 6 tháng trở lên (tính đến tháng 4 năm tuyển sinh); Quân nhân chuyên nghiệp; Công nhân viên quốc phòng phục vụ đủ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 9 năm tuyển sinh);
Các đối tượng quy định tại Khoản 1 có nguyện vọng đăng ký dự thi, các đơn vị tổ chức sơ tuyển, lập hồ sơ đăng ký dự thi những trường hợp đủ tiêu chuẩn, nộp cho các trường và Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng theo đúng quy trình, nhưng phải bảo đảm đủ quân số cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
2. Thiếu sinh quân được đắng ký dự thi theo nguyện vọng, không hạn chế số lượng và trường dự thi.
3. Nam thanh niên ngoài Quân đội (kể cả quân nhân đã xuât ngũ), số lượng đăng ký dự thi không hạn chế.
4. Nữ thanh niên ngoài Quân đội và nữ quân nhân:
a) Tuyển 10% chỉ tiêu cho các ngành: Bác sỹ quân y tại Học viện Quân y, Quan hệ quốc tế về quốc phòng và các ngành ngoại ngữ tại Học viện Khoa học quân sự;
b) Tuyển tối đa 10% chỉ tiêu cho các ngành: Kỹ sư quân sự ngành Công nghệ thông tin và Điện tử viễn thông tại Học viện Kỹ thuật quân sự;
c) Các trường tuyển sinh theo phương thức lấy từ điểm cao xuống thấp đến đủ chỉ tiêu tuyển sinh quy định.
5. Trường Sĩ quan Lục quân 1 tuyển thí sinh từ tỉnh Quảng Trị trở ra;
Trường Sĩ quan Lục quân 2 tuyển thí sinh từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở vào;
Thí sinh các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế tùy theo nguyện vọng, được đăng ký dự thi vào một trong hai trường quy định tại Khoản này.
6. Thí sinh có hộ khẩu thường trú phía Nam được tính từ Quảng Trị trở vào;
Thời gian được tính hộ khẩu thường trú phía Nam tính đến tháng 9 năm thi phải đủ 3 năm thường trú liên tục trở lên.
7. Trường hợp thí sinh đang cư trú tại các tỉnh phía Bắc, nhưng đã chuyển hộ khẩu thường trú tại các tỉnh phía Nam, có bố mẹ đẻ (bố mẹ nuôi theo đúng quy định của pháp luật về nuôi con nuôi) có hộ khẩu thường trú và đang cư trú tại các tỉnh phía Bắc, bản thân thí sinh học và thi tốt nghiệp trung học phổ thông (theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) tại các trường thuộc các tỉnh phía Bắc (cả thanh niên ngoài Quân đội và quân nhân đang tại ngũ) đăng ký dự thi như sau:
a) Không được đăng ký dự thi vào Trường Sĩ quan Lục quân 2;
b) Được đăng ký dự thi vào các trường còn lại, nhưng hưởng điểm chuẩn cho thí sinh thuộc các tỉnh phía Bắc;
c) Ban Tuyển sinh quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết chung là Ban Tuyển sinh quân sự cấp tỉnh) lập danh sách những thí sinh quy định tại Khoản này gửi các trường và báo cáo Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng cùng với ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi.