Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) công bố Dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Đáng chú ý, theo dự thảo, bổ sung đối tượng mới “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” trong 9 lĩnh vực: âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, văn nghệ dân gian.
Theo Người Lao Động, cuối tháng 3, Bộ VHTT&DL đã có Công văn số 1033 gửi 9 hội văn học - nghệ thuật chuyên ngành trung ương đề nghị báo cáo và cung cấp một số nội dung liên quan đến đối tượng "người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật" thuộc lĩnh vực chuyên ngành.
Đến ngày 10/4, Bộ VHTT&DL đã nhận được công văn phản hồi của 9/9 hội. Có 6/9 hội gồm Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam không đề xuất danh hiệu NSND, NSƯT cho "người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật".
Có 3 hội đề xuất bổ sung đối tượng. Cụ thể, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đề xuất tác giả kịch bản múa; Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề xuất nhạc sĩ sáng tác và phối khí; Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đề xuất nghệ sĩ sáng tác, nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh và giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh.
Liên quan đến việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, mới đây, một số nghệ sĩ lên tiếng. NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ trên Vietnamnet, cô đồng tình về đối tượng được xét là nhạc sĩ sáng tác và phối khí trong lĩnh vực âm nhạc. Tuy nhiên, Trần Ly Ly không đồng tình về đối tượng được xét là tác giả kịch bản múa và nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh.
Trần Ly Ly nói thêm: “Các hội diễn văn hóa hiện nay ở sân chơi nghệ thuật quần chúng rất nhiều, nếu lấy giải thưởng tại đây để xét tặng sẽ không phân biệt được giá trị giữa các giải thưởng của nghệ sĩ. Như thế sẽ có cả ngàn NSƯT, dần giảm mất giá trị danh hiệu”.
|
NSƯT Trần Ly Ly. Ảnh: VOV. |
Còn nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho hay: "Tôi nghĩ khi thực sự trân trọng người sáng tạo nghệ thuật, sẽ luôn có cách ghi nhận. Như tôi quan trọng nhất vẫn là được làm nghề, có các tác phẩm sống trong lòng khán giả. Việc xét tặng danh hiệu rất cao quý, đáng trân trọng nhưng nếu phải xin hoặc nêu ý kiến thì tôi không phù hợp để làm việc đó".
Trước đây, một số nghệ sĩ cũng bày tỏ quan điểm về việc xét tặng danh hiệu. Năm 2022, chia sẻ với Báo Giao Thông, NSND Lê Tiến Thọ cho biết, ông hiểu việc xét duyệt được thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, kết quả chưa làm thỏa mãn khán giả.
“Chả có ai sai cả, chỉ có cái chưa đúng thôi, kết quả chưa làm thỏa mãn thôi. Luật không sai, hội đồng không phải không đúng. Làm sao để êm thấm thì yếu tố định tính, định lượng phải phân định cho rõ ràng hơn.
Chẳng hạn, làm sao để những nghệ sĩ có cống hiến vẫn được ghi nhận, đỡ bị thiệt thòi. Mà để không thiệt thòi thì phải làm đúng, phải rà lại những tiêu chí cho kỹ, không bỏ sót và chính xác”, NSND Lê Tiến Thọ bày tỏ.
|
NSND Lê Tiến Thọ. Ảnh: Báo Giao Thông. |
Tháng 7/2022, sau khi một nghệ sĩ gạo cội "trượt" danh hiệu NSND, NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM lên tiếng. Chia sẻ với Dân Trí, ông cho hay, việc xét tặng có quy định, quy chuẩn, khi vận dụng cho từng trường hợp cụ thể, sẽ có lúc xảy ra sự chưa chính xác.
"Cũng vì vậy mà nghị định, quy định cho chúng ta thời hạn kiến nghị cho các trường hợp thấy rằng chưa chính xác, để cấp thẩm quyền đề nghị Hội đồng xét duyệt xem xét lại", ông nói.
Xem video: "Nghệ sĩ Trần Ly Ly trong chương trình Đẹp Việt". Nguồn VTV