Với tình tiết hấp dẫn, bất ngờ và gay cấn trong các tập phát sóng, bộ phim Người phán xử đã có những con số, ấn tượng trong lòng khán giả truyền hình thời gian qua.
Những con số kỷ lục bộ phim Người phán xử đã mang về
Trong tối qua 7/9, trong giải thưởng Ấn tượng VTV 2017, bộ phim Người phán xử đã giành được giải thưởng 2 hạng mục danh giá là giải Phim truyền hình ấn tượng và Diễn viên nam ấn tượng (NSND Hoàng Dũng).
Người phán xử được mua kịch bản chuyển thể từ bộ phim truyền hình của Israel - The Arbitrator. Bản phim gốc đạt 6 tỷ lượt xem trong suốt 3 phần phim (tổng 4 phần), phá vỡ mọi kỷ lục về phim truyền hình, trở thành phim thương mại thành công nhất của Israel.
Theo nhà sản xuất, bộ phim đã mất 1 năm để chỉnh sửa kịch bản và Việt hóa 50% nội dung để phù hợp với khán giả Việt Nam. Nội dung bộ phim nói về thế giới giang hồ, ở đó nhân vật Phan Quân là một ông trùm khét tiếng giả danh tri thức, chủ của tập đoàn Phan Thị và những câu chuyện xung quanh nhân vật này về sự thù địch, mánh lới kinh doanh...
Sự đấu đá trong giang hồ, giữa những phe cánh với hàng loạt cái tên đình đám: Phan Hải, Thế Chột, Lê Thành, Bảo Ngậu, Lương Bổng… diễn ra qua các tập phát sóng để đi đến hồi kết vào tập 47 phát sóng tối ngày 31/8 vừa qua.
Ở hồi kết, hàng loạt cái chết của các nhân vật được diễn ra như vợ Phan Quân, Lương Bổng… trong đó khiến Phan Quân đau đớn nhất chính là việc nhân vật này sát hại con ruột của mình Lê Thành, dưới sự dàn xếp cài bẫy của kẻ thù Thế "Chột".
|
Rating trung bình của Người phán xử ở HN và TP.HCM. |
Mặc dù còn gây ra tranh cãi lớn ở hồi kết, nhưng bộ phim đã đưa về nhiều thành công lớn.
Theo báo cáo từ VIETNAM-TAM, khung giờ vàng phim truyện Việt Nam trên kênh VTV3 từ đầu năm 2016 đến nay, có rất nhiều dự án được phát sóng như: Nữ cảnh sát tập sự, Khúc hát mặt trời, Những ngọn nến trong đêm phần 2, Nguyệt thực, Zippo mù tạt và em, Tuổi thanh xuân phần 2, Ngày mai ánh sáng, Bước nhảy hoàn vũ, Vực thẳm vô hình...
Các phim kể trên đã thu hút lượt rating lần lượt là 2,29%; 1,92%; 2,2,4%; 1,63%; 3,1%; 2,97%; 2,37%; 1,97%; 2,28%. Trong đó, thành công nhất và để lại kỷ lục về lượng khán giả theo dõi chính là Người phán xử với rating trung bình 47 tập phát sóng đạt 5,42%.
Kỷ lục rating của phim đạt 18.67% dân số Hà Nội theo dõi ở tập 27. Tức trong thời gian chiếu tập 27, trung bình một phút có 18.67% dân số Hà Nội xem phim (khoảng 606.052 khán giả đã xem).
Chắc có lẽ sự tò mò của khán giả về thân thế của Lê Thành ở tập 27 đã đưa tập này đạt rating cao nhất trong tất cả các tập phát sóng là 7,15% tại cả Hà Nội và TP.HCM (trung bình 1 phút có 692.295 khán giả xem phim).
Còn tại thị trường TP.HCM, rating của phim Người phán xử thu hút người xem cao nhất vào tập cuối của bộ phim khi đạt 1,79%. Tức trong khoảng thời gian phát sóng tập cuối, trung bình mỗi phút có khoảng 1,79% dân số TP.HCM theo dõi (khoảng 114.903 khán giả).
Về doanh thu quảng cáo, theo báo cáo của VIETNAM-TAM, trung bình một tập phát sóng phim, nhà Đài thu về khoảng 3 tỷ đồng. Chi phí quảng cáo trong khung giờ phát sóng phim
Người phán xử tăng dần và ổn định ở các tập về sau. Sau 47 tập phát sóng nhà đài thu về khoảng hơn 192 tỷ đồng tiền quảng cáo (số liệu tính theo bảng giá quảng cáo từ website của TVAd).
Số lượng TVC quảng cáo trong 47 tập phát sóng Người phán xử là 1557 lần.
Cú vượt lên ngoạn mục của phim truyền hình
Với những con số ấn tượng về rating, quảng cáo, dư luận ví Người phán xử là cú vượt lên ngoạn mục của dòng phim truyền hình.
Bộ phim quy tụ được dàn diễn viên kỳ cựu sáng giá như: Hoàng Dũng, Thanh Quý, Thanh Hương, Việt Anh, Hồng Đăng …
Nội dung phim được sắp xếp một cách chặt chẽ và có nhiều bất ngờ. Phim đã đưa khán giả truyền hình đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác, có hài hước, có vui nhộn, có kịch tính, có tức giận…
Sự mới lạ ở đây là tội phạm (cái ác) lại là tuyến nhân vật chính trong phim. Bên cái ác của họ là hàng loạt câu chuyện được khai thác, vạch trần mà ắt hẳn khán giả truyền hình nào cũng tò mò muốn được biết.
Sự chân thực của bộ phim không chỉ ở những cảnh quay gần gũi, lối diễn xuất tự nhiên của diễn viên mà âm thanh của những tập phim cũng được thu trực tiếp vì thế khiến khán giả được chứng kiến một câu chuyện có thực ở ngoài đời.
Nhưng sâu xa nhất, có lẽ do phía nhà sản xuất đã nắm bắt được xu hướng của công chúng khán giả, đặc biệt là ngôn từ và những câu thoại trong phim đã khiến nhiều người phải gật đầu tâm đắc của những kẻ giang hồ đầy nghĩa khí như Phan Quân, Phan Hải.
Điều này không chỉ khiến khán giả mà cả cộng đồng mạng đều hứng thú chia sẻ. Một số câu nói của nhân vật Phan Quân từng ảnh hưởng lớn đến cộng đồng mạng như: “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, còn những cái khác, có hay không có không quan trọng”; “Chỉ khi nào con thực sự bình tĩnh, con sẽ biết mình phải làm gì. Con nên nhớ mình là doanh nhân, nếu tức giận thì đi ngủ”....
Với Người phán xử, nhà sản xuất hầu như không đẩy viral trên mạng, thay vào đó hầu hết viral đều được khán giả truyền hình tạo ra bằng những câu chuyện hài hước ngoài đời và kể về phim.
Còn đối với cộng đồng mạng là hàng loạt chia sẻ được đăng tải sau khi kết thúc mỗi tập phim, ảnh “chế” (ảnh cắt ghép, chỉnh sửa) cũng được truyền tay nhau. Đặc biệt, bộ phim được quan tâm của nhiều tờ báo online khi liên tục cập nhật tình tiết liên tiếp qua các tập phim. Do đó, đây cũng chính là nguyên nhân khiến bộ phim thành công.
|
Số lượng quảng cáo qua các tập phim. |
>>>> Video: 9X xăm cảnh trong phim "Người phán xử":
Để có những bộ phim hay thu hút sự chú ý của khán giả, phía đơn vị sản xuất truyền hình không chỉ khai thác những kịch bản hay mà còn phải hiểu khán giả truyền hình Việt Nam. Để từ đó, điều chỉnh về nội dung phù hợp, gây dựng những chi tiết gần gũi và hấp dẫn. Bởi khán giả vẫn là cốt lõi giá trị làm nên thành công của một bộ phim truyền hình.