Vài năm trở lại đây, trên mạng xã hội tràn ngập clip dán mác review phim nhưng thực chất là tóm tắt phim khiến "chén cơm" của nhà sản xuất lao đao.
Review (đánh giá) và recap (tóm tắt) là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Review một bộ phim nghĩa là đưa ra nhận xét, đánh giá tổng quan về bộ phim đó. Người review có thể nêu những điểm mạnh, điểm yếu về kịch bản, diễn xuất, kỹ xảo, thông điệp… nhưng tuyệt đối không tiết lộ nội dung toàn bộ phim hay các tình tiết, nhân vật mang tính chất bước ngoặt, mấu chốt.
Do vậy, review chỉ hé lộ một phần nội dung với nhiều dẫn dắt, gợi mở nhằm giới thiệu, khuyến khích công chúng đến rạp để thưởng thức trọn vẹn tác phẩm. Nếu buộc phải tiết lộ phần nhiều nội dung, reviewer (người làm review) cũng cảnh báo trước để công chúng cân nhắc.
Review mang dấu ấn cá nhân khá đậm đặc vì nó là góc nhìn, cảm nhận chủ quan của mỗi reviewer. Trình độ phân tích, cách cảm nhận tác phẩm điện ảnh thể hiện trong clip review rất rõ nên không ít reviewer trở thành tên tuổi hot, mang tính định hướng dư luận không kém gì nhà phê bình điện ảnh đình đám.
Một clip tóm tắt phim “Hai Phượng” nhưng núp bóng review.
Trong khi đó, recap chỉ đơn thuần là tóm tắt nội dung chính của bộ phim mà bỏ qua các yếu tố khác. Điều đáng nói, recap phim là hoạt động bất hợp pháp, xâm phạm quyền lợi nhà sản xuất. Bởi khác với review, các clip recap tiết lộ tất tần tật nội dung với loạt tình tiết quan trọng khiến khán giả không còn hứng thú xem trọn vẹn bản gốc. Từ phim điện ảnh dài 120 phút đến phim truyền hình 30 tập, từ phim bom tấn Hollywood đến phim Việt Nam, từ phim đang chiếu ở rạp đến phim thời xưa lơ xưa lắc…, tất cả đều bị tóm tắt ngắn gọn trong clip dài chừng 5 đến 10 phút.
Đáng báo động khi hầu hết dạng clip tóm tắt này đều núp bóng review phim và xuất hiện nhan nhản trên YouTube, TikTok, Facebook… Những kênh như FC Review, Matcha Review, Phim ngôn tình TV, Vua Phim Review, Gấu Béo Vụng Về, Queen Movies… có hàng loạt clip tóm tắt theo kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó". Sự mập mờ này tai hại ở chỗ: nó khiến cho cả những người yêu phim, lên án nạn ăn cắp chất xám cũng hiểu sai khái niệm review và bị sa vào cái bẫy tiếp tay cho nạn xâm phạm bản quyền.
Thử lướt qua một số kênh chuyên review phim trá hình, chất lượng clip vô cùng tệ hại. Nếu clip review chuyên nghiệp có giọng đọc truyền cảm hứng thì clip recap chỉ đều đều giọng vô cảm của "chị Google". Phần hình ảnh là những đoạn cắt ghép rời rạc, lặp đi lặp lại. Đã vậy, vì chăm chăm câu view nên chủ kênh thậm chí còn viết sai tên phim, cố tình giật tít gây sốc theo hướng rẻ tiền, bóp méo, xuyên tạc nội dung bản gốc.
Chẳng hạn, bộ phim "Thiên mệnh anh hùng" của Victor Vũ bị một kênh recap biến thành cái tên lạ hoắc "Chân mệnh thiên tử" cùng với dòng tít sai bét về nội dung: "Tranh quyền đoạt vị, thù hận trùng trùng tại Việt Nam (thời nhà Nguyễn)". Một đứa con tinh thần khác của Victor Vũ là "Thiên thần hộ mệnh" cũng bị kênh Quậy Official giật tít kiểu "Đắm chìm trong quyền năng của bùa ngải, cô gái trẻ nhận cái kết đắng thảm hại".
Nhiều kênh còn cố tình viết sai chính tả như kênh Mọt Xinh Review giật tít clip recap phim "Hai Phượng": "Chị đại yang hồ một mình cân hết bọn bắt cóc giải cứu con gái". Thậm chí, có kênh còn "cầm đèn chạy trước ô tô". Khi phim truyền hình "Cây táo nở hoa" mới chiếu đến tập 40, một chủ kênh đã làm clip tóm tắt tập 43! Dĩ nhiên, mọi nội dung trong clip này đều do tác giả tự đoán tự bịa rất giật gân. Đến khi tập 43 chính thức lên sóng, khán giả mỡi hỡi ôi vì mọi phỏng đoán của chủ kênh kia đều ở trên mặt trăng!
Đội lốt review cộng với chất lượng tồi, đáng ngạc nhiên khi dạng clip recap này lại thu hút rất đông lượt xem. Những clip recap phim "bom tấn" nước ngoài như "Nàng tiên cá", "Chúa nhẫn", "Người Kiến", "Người Nhện", "Họa bì"… thường xuyên chạm ngưỡng triệu view. Diễn viên trẻ Chinh Đỗ phân tích: "Tôi có xem qua một vài clip tóm tắt và thấy chất lượng của nó khá tệ nên thử khảo sát một số khán giả trung thành của các kênh này. Họ đa phần là học sinh, sinh viên - những người mê phim ảnh nhưng không đủ điều kiện tài chính để đến rạp thường xuyên. Trong số đó, tỉ lệ ở tỉnh lẻ, vùng nông thôn chiếm khá đông. Họ cho hay mình ở quê, không có điều kiện ra rạp nên chọn hình thức coi tóm tắt cho tiện. Các bạn ở thành phố thì vì lười, ngại ra rạp nên xem clip tóm tắt để thỏa cơn tò mò. Chỉ cần bỏ ra một tiếng đồng hồ là đã nắm được nội dung gần chục bộ phim điện ảnh nổi tiếng. Tha hồ mà "chém gió" với bạn bè như một "mọt phim" chính hiệu".
Các kênh review phim trá hình xuất hiện tràn lan trên mạng.
Clip recap chỉ thỏa mãn sự tò mò nhất thời của khán giả chứ không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức điện ảnh. Thậm chí, về lâu về dài, nó phá vỡ cảm xúc, trải nghiệm điện ảnh của khán giả. Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng nêu rõ: "Xem một bộ phim trọn vẹn là hành trình thưởng thức cái hay, cái đẹp trong từng hình ảnh, âm thanh, diễn xuất, góc máy… mà đạo diễn và cả ekip cố công tạo nên. Những gì hay ho, hồi hộp hay vỡ òa… khi xem phim của khán giả đều bị các clip recap xóa sạch. Vài ba phút xem tóm tắt phim thì không khác gì họ cầm một cuốn sách mà chỉ mở ra đọc mỗi phần mục lục. Chưa kể nhiều phim có cốt truyện rất nhạt, không có gì đặc sắc nhưng cách kể chuyện, cấu tứ của đạo diễn vô cùng tài tình, cuốn hút. Chắc chắn qua clip tóm tắt chỉ chăm chăm cốt truyện chính, những bộ phim như vậy sẽ khiến công chúng nhầm tưởng nó rất dở".
Với nhà sản xuất, trào lưu review phim trá hình không khác gì nạn phim lậu hay quay lén, thậm chí còn nguy hại hơn bởi vỏ bọc review. Bà Ngô Thị Bích Hiền, Phó Tổng giám đốc Hãng phim BHD bức xúc cho đây là hình thức xâm phạm bản quyền, gây tổn thất nghiêm trọng về doanh thu cho nhà làm phim. Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, phim điện ảnh hiện nay không chỉ chiếu rạp mà còn phủ sóng ở các nền tảng chiếu phim trực tuyến có bản quyền và thu phí như Film Plus, Danet, Netflix, K+…
Như vậy, người yêu điện ảnh vẫn có cơ hội thưởng thức trọn vẹn cái hay, cái đẹp của loạt phim nổi tiếng mà không cần phải đến rạp. Tuy nhiên, tâm lý ăn xổi, thích "xài chùa" của người Việt vẫn ăn sâu bám rễ khiến việc dẹp nạn recap là điều không hề dễ dàng. Cũng theo bà Hiền, ngoài chuyện ảnh hưởng đến doanh thu, nạn recap còn làm lung lay niềm tin, sự đam mê và nhiệt huyết của nhà làm phim lẫn nhà đầu tư vào thị trường điện ảnh.
Luật sư Tô Thị Phương Dung, Văn phòng luật Minh Khuê, cho biết: "Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2022 (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2023), việc review phim không thuộc các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao và cũng không thuộc các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo quy định. Do vậy, hành vi review phim cắt xén, sửa đổi, xuyên tạc, tiết lộ nội dung phim dưới bất kỳ hình thức nào không có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu có quyền tác giả gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Đối với hành vi vi phạm bản quyền thì tùy vào hình thức, mức độ nghiêm trọng, thiệt hại mà cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự".
Thế nhưng đến nay trên các nền tảng mạng xã hội, các clip review phim trái phép vẫn nhan nhản và ngang nhiên mời gọi khán giả. Kênh này bị đánh sập lại mọc lên kênh mới với chiêu thức tinh vi hơn. Cái khó ở chỗ dù chủ kênh biết mình đang ăn cắp thành quả của người khác song họ sẵn sàng vì "chén cơm" của mình mà ngó lơ. Phía khổ chủ là các nhà sản xuất lại ít ai đâm đơn kiện chính thức vì các kênh như thế đông như quân Nguyên. Họ lại mang tâm lý "vô phúc đáo tụng đình" hay "được vạ thì má đã sưng". "Ngọn roi" thì đã có nhưng chưa ai đủ quyết liệt để cầm "ngọn roi" đó răn đe kẻ xấu.