Nhạc sĩ yêu cầu bồi thường hơn 155 triệu đồng, VNG cho rằng mình không vi phạm nên không đồng ý trả xu nào.
Ngày 3/12, TAND TP.HCM đã mở phiên xử sơ thẩm vụ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là ông Trần Quyết Lập (nghệ danh Trần Lập, ngụ Đống Đa, Hà Nội) với Công ty VNG (trụ sở quận 11, TP.HCM).
Đòi ba khoản bồi thường
Tháng 6, nhạc sĩ Trần Lập nộp đơn khởi kiện công ty trên tại tòa án. Theo đó, ông trình bày bản thân là tác giả và chủ sở hữu đối với bài hát Đường đến vinh quang. Đồng thời ông là trưởng ban nhạc Bức Tường, là chủ sở hữu của bản ghi âm bài hát này. Tuy nhiên, thời gian qua, ông phát hiện Công ty VNG đã sử dụng bản ghi âm bài hát trên website http://mp3.zing.vn của công ty nhằm mục đích cho công chúng có thể nghe, xem ca nhạc trực tuyến và tải bài hát này về.
Vì thế ngày 9/7/2013, ông đã thông qua một văn phòng luật sư đề nghị Thừa phát lại quận Gò Vấp lập vi bằng việc này. Từ đây, luật sư đã liên hệ với phía Công ty VNG đàm phán về khoản thù lao trả cho ông nhưng công ty khước từ. Nay ông khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường ba khoản như sau: Thứ nhất, thanh toán khoản tiền nhuận bút là 55,38 triệu đồng. Thứ hai, bồi thường lợi nhuận bị thiệt hại do không tiếp tục phát hành được album mới có bài hát nêu trên là 50 triệu đồng. Và cuối cùng là chi phí thuê luật sư 50 triệu đồng.
Tại tòa, lý giải cho các khoản đòi bồi thường này, đại diện nguyên đơn cho biết: “Khi tiến hành hoạt động kinh doanh thì bất luận bị đơn có thu tiền đối với mỗi lượt nghe và tải bản ghi âm nêu trên không thì đều phải có nghĩa vụ thanh toán các khoản tiền nhuận bút, thù lao cho nguyên đơn (là tác giả, người biểu diễn và chủ sở hữu bản ghi âm)”. Số tiền thù lao nguyên đơn đưa ra được tính căn cứ bằng 1/10 mức thu “Biểu mức thu phí sử dụng tác phẩm âm nhạc” được áp dụng tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (300 đồng/bài hát/lượt tải nhân cho số lượng xem tải, tính đến ngày lập vi bằng). Khoản tiền thứ hai bị thiệt hại tính toán dựa trên lợi nhuận thu được sau khi trừ đi chi phí sản xuất, thuế và thù lao dành cho ban nhạc. Mức lợi nhuận này tương đương khoảng 30% tổng doanh thu từ việc phát hành album mới. Còn chi phí luật sư là căn cứ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ quy định.
|
Nhạc sĩ Trần Lập và trang web ZingMP3 (mp3.zing.v) sử dụng bài hát Đường đến vinh quang. Ảnh: INTERNET |
“Không trả vì không có lỗi”
Trước yêu cầu của phía nguyên đơn, Công ty VNG lại cho là bản thân không vi phạm gì nên không đồng ý. Trình bày, phía công ty còn nói “nguyên đơn đã xác định sai đối tượng khởi kiện”. Đúng là công ty chủ sở hữu và quản lý trang web trên với mục đích cùng nghe cùng chia sẻ các bài hát. Tuy nhiên, bản ghi âm bài hát trên là do một người dùng đăng lên, không phải do phía bị đơn làm. Giải thích thêm, bị đơn cho rằng người dùng nếu đăng ký là thành viên của trang mạng này được quyền đăng các bài hát lên, còn người dùng không đăng ký chỉ được phép xem và nghe. Tất cả là miễn phí, công ty chỉ kinh doanh nhạc số thu phí từ nguồn khách tải bài hát làm nhạc chờ, nhạc chuông.
Cũng từ câu chuyện mua bản quyền này, công ty yêu cầu phía nguyên đơn rút đơn khởi kiện và sau đó ký hợp đồng hợp tác với công ty. Số tiền bản quyền mà công ty hiện vẫn trả là 8.000 đồng/tháng/bản nhạc khi ký hợp đồng với các tác giả. Còn trong vụ án này, công ty không sai nên không có trách nhiệm bồi thường.
Có trách nhiệm hay không?
Tranh luận tại tòa, luật sư nguyên đơn nhấn mạnh vụ án này là tranh chấp trách nhiệm theo pháp luật quy định. Công ty không thể sử dụng và cung cấp nguồn thông tin đến người dùng một cách vô tội vạ, cũng như không thể nói cùng nghe, cùng chia sẻ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác. Ở đây là một trang mạng xã hội mà công ty bị đơn là người quản lý hoàn toàn có thể can thiệp việc cho đăng tải, gỡ bỏ các bài hát, bài ghi một cách chặt chẽ. Một bản nhạc mà nói trả 8.000 đồng/tháng cho nhạc sĩ là rất đau lòng. Hành vi sử dụng là có nên công ty bị đơn phải có trách nhiệm bồi thường, không thể khước từ.
Đối lại, bị đơn cho rằng bảng giá mà nguyên đơn đưa ra làm căn cứ chỉ là đơn phương. Nguyên đơn cũng không chứng minh được bị đơn là nguồn khởi đầu đăng tải bản ghi âm trên. Nếu tra trên mạng, bản ghi âm này xuất hiện ở nhiều trang mạng xã hội khác từ năm 2007. Đến năm 2012, bản ghi âm này mới đăng tải trên trang web của bị đơn. Bị đơn cũng không phân phối bản ghi âm này vì không nhận tiền. Không đồng ý, luật sư nhấn mạnh phân phối không có nghĩa là phải thu tiền mà có thể miễn phí.
Do vụ án có nhiều tranh cãi, HĐXX quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào thứ Tư (10/12) tới.
Các trường hợp phải trả tiền nhuận bút, thù lao
Khoản 1 và 2 Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ quy định (trích): Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật.
Khoản 3 Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ quy định (trích): Tổ chức, cá nhân sử dụng quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
_________________________________________
70% là tỉ lệ thị trường âm nhạc trực tuyến mà ZingMP3 (mp3.zing.vn) nắm giữ, chiếm vị thế cao nhất trong các trang âm nhạc trực tuyến với hơn chục triệu người sử dụng. Website nghe nhạc đứng đầu tại Việt Nam này thu hút nhiều quyền lợi quảng cáo từ nhiều nhãn hàng, sản phẩm, thu tiền sử dụng khách hàng qua nhiều hình thức thanh toán.