Do lúc đầu người trong cuộc bỏ qua hay không để ý nên từ những xích mích nhỏ, lâu dần vợ chồng mâu thuẫn lớn theo kiểu “ cái sảy nảy cái ung”.
Kinh tế khá giả nên sau khi tốt nghiệp đại học, Hưng có việc làm tại một công ty nước ngoài. Sau vài năm đi làm, sắm được nhà riêng, xe con, Hưng bắt đầu tìm vợ. Trong một lần về quê, Hưng bị chinh phục bởi cô thôn nữ chất phác có vẻ đẹp hương đồng gió nội tên Thu. Sau một thời gian tìm hiểu, họ quyết định xây tổ ấm, bỏ qua những lời can gián của người xung quanh là chênh lệch trình độ vì Thu chỉ mới tốt nghiệp lớp 12.
Thời gian đầu về sống với nhau, họ khá hạnh phúc nên Hưng rất mãn nguyện. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, giữa họ đã bắt đầu có hục hặc. Thật ra, chỉ là những xích mích nho nhỏ. Nhưng do cả hai không chịu dàn xếp ổn thỏa nên lớn dần thành mớ bòng bong. Hưng thích nhạc rock, còn Thu khoái vọng cổ. Chuyện không có gì ầm ĩ nếu ai nghe nhạc nấy. Nhưng chồng chê vọng cổ sến, vợ nói nhạc chồng thích giật giật giống khỉ mắc phong. Đến bữa, Thu quen nấu ăn nêm nếm ngọt, Hưng nói, món ăn gì như chè. Tới giờ ăn là chồng quạu quọ, chê vợ không biết cách nấu.
Thu nghĩ, cả hai cùng phải đi làm. Vậy mà về nhà, mình đã cực khổ đi chợ, nấu cho chồng ăn. Thay vì Hưng dịu giọng một chút, mình sẽ chỉnh lại cách nêm nếm. Đằng này, đã không thông cảm với vợ lại còn càu nhàu, chê lên chê xuống. Vậy nên Thu cứ mặc kệ, ngồi ăn ngon lành, trong khi Hưng khổ sở chống đũa nhìn. Mấy lần như vậy, cơm dọn lên, Hưng không thèm ăn mà xách xe ra quán.
Hưng có tật đi làm về mang giày vào tận trong nhà, dù có khi Thu vừa còng lưng lau xong. Bực quá, Thu gào lên: “Cũng ăn học tử tế mà không biết điều là sao ? Bộ tưởng tui là con ở hả”… Nếu như Thu nhỏ nhẹ nhắc chồng: “Nhà em mới lau! Anh chịu khó bỏ dép bên ngoài…” thì Hưng đã vui vẻ cởi giày. Nhưng thấy vợ tru tréo, Hưng càng làm tới. Không chỉ mang dép vô nhà mà còn trây ra cho bẩn thêm…
Lại nữa, trong khi Thu túi bụi với công việc nhà thì Hưng dán mắt vào màn hình vi tính chát chít hay chơi game, tán gẫu… Thế là Thu được dịp “ca cải lương”, nào là chồng lười, chồng vô tích sự, nào là sao số tôi khổ thế… Nếu như những lúc ấy, thay vì “độc tấu”, Thu chỉ cần gọi anh ơi anh hời, làm giúp em cái này, phụ em việc kia… Thì hẳn là Hưng sẽ vui vẻ làm ngay. Nhưng nếu Thu biết điều như thế thì đã chẳng có chuyện “ông chẳng bà chuộc” thế này.
Nhiều lúc, Hưng ngạc nhiên tự hỏi, vì sao từ một cô thôn nữ hiền lành trước đây, Thu biến thành một mụ đàn bà lắm mồm chua ngoa nhanh đến thế? Tuy vậy, trong những lý do Hưng đưa ra tự giải thích, không hề có lỗi của anh. Vợ chồng cứ ăn miếng trả miếng với nhau như vậy, dần dần suy nghĩ của họ rẽ theo hai hướng khác nhau. Không khí trong nhà ngày càng trở nên ngột ngạt và tổ ấm của hai người biến thành tổ lạnh. Hưng mượn cớ bận việc, đi đến khuya mới về. Thu cũng không nhường bước, xách va ly về ba mẹ ruột ở. Hưng không thèm đến thăm, cũng không nghĩ đến chuyện đón về, với tuyên bố: Đi được thì về được! Tình cảm cứ thế nhạt dần. Cuối cùng, họ cảm thấy không thể chung sống dưới một mái nhà nên quyết định ly dị.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, vợ chồng đưa nhau ra tòa chỉ vì “cái sảy nảy cái ung” thật không đáng. Vì sĩ diện, tự ái hão nên không ai nhường ai, cuối cùng chuyện nhỏ hóa to khiến mâu thuẫn ngày càng tiến triển, kéo theo hàng loạt bất hòa khác. Đã là vợ chồng phải biết tôn trọng sở thích của nhau. Khi bất đồng quan điểm, mỗi người nhịn nhau một tí, theo kiểu các cụ đã khuyên: “Cơm sôi bớt lửa” thì “một đời không khê”. Người này nóng thì người kia phải cố nguội. Chứ vợ chồng sống với nhau mà ăn miếng trả miếng, sĩ diện, tự ái hão thì cuối cùng thế nào cũng “ai đi đường nấy”.