Tạp chí New England Journal of Medicine hôm 1/4 đăng tải nội dung nói về một người đàn ông ở Mỹ nhập viện khi chức năng thận không thể hồi phục buộc phải chạy thận suốt quãng đời còn lại. Nguyên nhân ban đầu được cho là do thói quen uống 16 cốc trà đá (trà đen) mỗi ngày. Loại nước uống này chứa nhiều axít oxalic - thành phần góp phần gây nên vấn đề về thận nếu sử dụng nhiều.
Sau khi thông tin được đăng tải, các trang mạng Việt Nam đồng loạt đưa cảnh báo về tác hại của trà đá trong việc gây suy thận khiến nhiều người hoang mang. Uống trà đá là thói quen dân dã và rất phổ biến của một bộ phận lớp trẻ, đặc biệt ở khu vực miền Bắc khi trời nắng nóng.
Lê Trang, một kế toán ở Hà Nội băn khoăn: “Trước mình học trong nam hay uống cà phê nhưng khi ra Hà Nội lại thay bằng thói quen uống trà đá. Cơ quan mình xem các quán trà đá là nơi tụ tập mỗi khi ăn trưa xong".
Anh Văn Tùng (kỹ sư công trình) cũng cho biết, mỗi ngày đi làm, anh ngồi trà đá 4-5 lần, ngày nắng nóng ngồi nhiều hơn. “Nếu uống trà đá gây suy thận, chắc tôi đã mắc bệnh từ lâu, bố mẹ tôi ở nhà cũng uống trà mấy chục năm nay nhưng không sao. Không rõ thông tin trà đá gây suy thận thực hư thế nào".
|
Uống trà đá là thói quen rất phổ biến nhất là khi trời nắng nóng. Ảnh minh họa. |
Vậy uống trà đá thực sự gây bệnh hay không?
Giải đáp thắc mắc của Zing.vn, bác sĩ Cao Xuân Phúc - Học viện Quân y 103 cho biết đây là thông tin gây hiểu lầm. Ông phân tích, trà đá hay trà đặc cơ bản không khác nhau, trà đá chỉ là loại trà uống cùng với đá nên loãng hơn. Cả hai đều không phải là nguyên nhân gây suy thận. Và không thể khuyến cáo bất kỳ ai không nên uống trà (nước chè).
Bác sĩ Phúc cho biết, axít oxalic hữu cơ có mặt khá phổ biến trong nhiều loài thực vật, nhất là chua me đất. Ngoài ra còn có trong khế, chanh, mùi tây, rau dền, ca cao, socola, các loại quả hạch hay quả mọng và các loại đậu, đỗ. Tuy nhiên, lượng axít oxalic có thể bị giảm đáng kể trong quá trình ngâm rửa hoặc luộc gạn bỏ nước.
Riêng với các loại lá chè, mặc dù chúng cũng có chứa một lượng axít oxalic song trong nước chè thì nồng độ của axít này tương đối nhỏ, do chỉ một lượng nhỏ chè được sử dụng khi pha nước. Axít oxalic chỉ có nhiều trong mì tôm, xúc xích, các loại bánh trứng… với tính chất là một chất phụ gia trong liều lượng cho phép của Cục ATTP.
Trong một phát biểu trên báo Nhân dân, Cục trưởng An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) Tiến sĩ Trần Quang Trung từng khẳng định axít oxalic tồn tại trong một số loại thực phẩm với hàm lượng ở các mức độ khác nhau nhưng nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe rất thấp.
Đồng quan điểm, một chuyên gia tại Viện Hóa học Việt Nam cũng khẳng định axít oxalic trong nước chè tồn tại ở dạng hữu cơ với một hàm lượng không đáng kể, không hề gây nguy hại cho sức khỏe.
Về trường hợp uống 16 ly trà đá gây suy thận ở trên, bác sĩ Phúc lý giải: “Đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, chẳng hạn như người này đã bị sỏi thận do uống thuốc nam trị gout trước đó hoặc bị sỏi thận lâu năm nhưng không điều trị. Thực chất các bác sĩ cũng không khẳng định trà đá là nguyên nhân gây bệnh trong trường hợp này. Do đó, cần đưa ra những thông tin chính xác, không thể kết tội cho trà đá”.
Tiến sĩ Alejandra Mena-Gutierrez, Trung tâm y tế, Đại học Arkansas (Mỹ) người trực tiếp điều trị cho trường hợp suy thận ở trên cũng thừa nhận trên tạp chí: "Chúng tôi không khuyên mọi người đừng uống trà. Nếu bạn khỏe mạnh và uống trà vừa phải, nó sẽ không gây hại gì cho thận của bạn".
Khi nào trà đá mới thực sự nguy hiểm?
Theo các chuyên gia, uống trà không nên uống quá đặc bởi có thể gây kích thích thần kinh và không nên lạm dụng bởi cũng như các loại thực phẩm, đồ uống khác, dùng quá nhiều sẽ gây phản tác dụng.
Mặc dù trà đá không phải nguyên nhân gây sỏi thận song cũng cần thận trọng khi uống loại nước này, đặc biệt trà đá vỉa hè. Thực tế, trà đá vỉa hè được bán với giá chỉ 2-3 nghìn đồng mỗi cốc, chủ yếu được pha với chỉ một ít nước trà, nước lọc (thậm chí nước lã) và đá. Các quán trà đá đa phần là quán cóc, tạm bợ, nhiều bụi bẩn.
Viện Thực phẩm chức năng từng phát hiện trong trà đá có chứa vi khuẩn E.coli, có thể gây ngộ độc cấp tính, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy. Chưa kể đến việc có thể uống phải chè mốc, nước bẩn từ các quán trà đá. Do đó, người tiêu dùng cần thận trọng để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Riêng với những người mắc các bệnh lý, tốt nhất cần có sự tư vấn của bác sĩ về chế độ ăn uống.