Giảng viên Bách Khoa gây dựng "Cốc trà đá vì cộng đồng"

Google News

ĐH Bách Khoa HN có gần 20.000 sinh viên, chủ yếu là nam. Mỗi ngày, SV chỉ cần bớt uống một cốc trà đá, dành kinh phí làm từ thiện...

 Tôi học tập từ "Hũ gạo cứu đói" của Bác Hồ
"Cốc trà đá vì cộng đồng” vinh dự trở thành một trong những công trình Thanh niên làm theo lời Bác do Đoàn thanh niên Thành phố Hà Nội trao tặng. Hồi đó, ngoài cương vị Bí thư Đoàn trường, anh Lê Hiếu Học hiện đang là giảng viên chính Viện Kinh tế và Quản lý - Đại học Bách Khoa Hà Nội. Anh sinh năm 1974, tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội vào năm 1996. Năm 1998 anh theo học tại Thái Lan. Năm 2001 về công tác tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Năm 2005, tròn 31 tuổi, anh hoàn thành luận án Tiến sĩ chuyên ngành chuyển giao công nghệ sau 4 năm học tập tại nước Ý.
 Anh Lê Hiếu Học trong một lần tới thăm, tặng quà các gia đình chính sách.
"Xuất phát từ nhu cầu hoạt động tình nguyện, hỗ trợ sinh viên của Đoàn trường. Sinh viên tham gia các hoạt động mùa hè xanh, lên xin kinh phí nhà trường, khoa, viện để tặng quà gia đình chính sách. Mỗi phần quà khoảng 50 đến 100.000 đồng, trong khi kinh phí ăn uống, đi lại hết cả 100 triệu. Mỗi lần như vậy, việc "đi xin" rất khó khăn.
Hay khi mùa mưa bão về, các lớp muốn ủng hộ đồng bào lũ lụt, thiên tai. Muốn "có tiền ngay" sinh viên thường "tiện tay" trích quỹ ra đóng tập trung. Tôi nghĩ làm như vậy sẽ không còn tính sẻ chia. Công tác vận động, tuyên truyền cho các chương trình sau cũng không cao. Bản thân tôi và Ban chấp hành Đoàn trường đặt ra câu hỏi phải nghĩ ra phong trào gì đó vừa có kinh phí vừa giáo dục được sinh viên. "Cốc trà đá vì cộng đồng" ra đời trong bối cảnh đó - Tiến sĩ Lê Hiếu Học tâm sự.
Anh cho biết, chương trình còn xuất phát từ bài học “Hũ gạo cứu quốc” của Bác Hồ. Anh và Ban chấp hành Đoàn trường mong muốn hướng sinh viên đến việc tiết kiệm. "Từ cái nhỏ nhất nhưng góp lại sẽ giúp được cho nhiều người. Bớt một cốc trà đá vừa được thêm tiền làm việc lớn lại bớt đi việc mất thời gian ngồi quán xá. Tôi kỳ vọng vào bài học "tích cóp" này sẽ hướng sinh viên sống chậm nhưng biết nhìn xa, trông rộng. Bài học quan trọng đó sẽ theo sinh viên hết cả chặng đường, ngay cả sau khi họ ra trường…
Xin cảm ơn mỗi sớm mai thức dậy...
Tính đến nay, từ mô hình "Cốc trà đá vì cộng đồng", Đoàn thanh niên Đại học Bách Khoa Hà Nội đã huy động được khoảng 300 triệu đồng, dành tặng việc làm các công trình thanh niên tình nguyện.
Hằng năm, những sinh viên Bách Khoa có hoàn cảnh khó khăn được tặng học bổng từ đây. Đoàn trường đã hoàn toàn chủ động trong các hoạt động tặng quà cựu chiến binh của trường, các gia đình chính sách, trẻ em nghèo hiếu học, ủng hộ đồng bào lũ lụt. Mỗi năm Đoàn thanh niên Đại học Bách khoa dành một phần kinh phí gửi tặng những gia đình chính sách, các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo.
Vào mỗi sáng thứ năm hàng tuần, trên con đường dẫn ra cổng trường phía đường Trần Đại Nghĩa, hàng trăm bạn sinh viên Bách Khoa không quên nán lại bên thùng quỹ của chương trình “Cốc trà đá vì cộng đồng”. Họ bớt những cốc trà tiết kiệm hàng ngày, những tin nhắn điện thoại không cần thiết, thậm chí cả những bữa ăn ít ỏi của sinh viên để gửi tới chương trình.
Sau mỗi lần đóng góp, các bạn sinh viên không quên viết, dán những thông điệp cuộc sống lên tấm bảng to dựng ngay gần đó. Nhiều bạn sinh viên đã viết: "Chúc cho mỗi ngày qua đi không ai gặp phải điều bất hạnh". "Hôm nay mình làm được việc có ích. Mình sẽ không chỉ tiết kiệm trà đá dành tặng người nghèo mà mình sẽ còn học cách tiết kiệm thời gian. Sẽ học tập thật chăm chỉ làm nhiều việc làm có ý nghĩa".
Chen vào giữa những bông hoa giấy xanh, đỏ, tím, vàng để chuyển tải thông điệp do chính các bạn gửi gắm, khá nhiều sinh viên Bách Khoa đã chép câu thơ với những dòng chữ nắn nót: "Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy. Ta thêm ngày nữa để yêu thương"...
Từ phong trào này, Tiến sĩ Lê Hiếu Học tâm sự: "Cốc trà đá vì cộng đồng" đã giúp tôi và các bạn sinh viên rất nhiều. Bản thân tôi học được cách chắt lọc công việc và sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên. Tôi và cả các bạn sinh viên tìm thấy niềm vui trong hoạt động dù nhỏ nhưng rất ý nghĩa mang nặng tình yêu thương. Hơn hết, từ hoạt động này, tôi hiểu hơn về sinh viên của mình. Tôi luôn thấy mình trẻ lại, thấy sinh viên của mình không chỉ đơn giản như những gì họ vẫn thể hiện bên ngoài. Việc hiểu sinh viên giúp cho tôi rất nhiều trong công tác giảng dạy, định hướng sống cho các bạn ấy".
Tiến sĩ Lê Hiếu Học tại chương trình "Cốc trà đá vì cộng đồng". 
Sẽ dạy con cách tiết kiệm để sẻ chia
Tiến sĩ Lê Hiếu Học tâm sự hiện anh đã là cha của hai cô con gái rất đáng yêu. "Mỗi sớm mai thức dậy, tôi nhắc con gái mình học cách tiết kiệm bằng cách ngắt vòi nước khi đánh răng, tắt điện khi ra khỏi phòng, gom giấy vụn để làm chương trình kế hoạch nhỏ, lấy quỹ tặng người nghèo.
"Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi nghe con gái mình bập bẹ "Con tắt điện khi ra khỏi phòng rồi bố nhé!". Ngay cả khi đi siêu thị mua đồ, khi hai đứa trẻ nhắc nhau: "Chỉ mua những gì cần thiết, dành tiền tiết kiệm để chia sẻ các bạn nghèo", tôi hiểu mình đã và đang là một người cha hạnh phúc".
Với các bạn sinh viên, thầy giáo trẻ Lê Hiếu Học thường chia sẻ với học trò: Đã là sinh viên, việc đầu tiên cần phải học. Không chỉ học kiến thức mà học cả cách sống, cách giao tiếp, ứng xử, cách làm việc để có thể đạt hiệu quả cao nhất. "Các bạn tham gia công tác Đoàn, Hội, các hoạt động ngoại khóa sẽ là cơ hội tốt, để bổ sung và trau dồi những kỹ năng còn thiếu vắng của người trẻ". Nhưng có một điều sinh viên phải tự rèn cho mình, đó là tính kỷ luật và lòng yêu thương. Kỷ luật sẽ được thực hiện từ điều nhỏ nhất như đi học đầy đủ, đi học đúng giờ. Chỉ cần tặc lưỡi nghỉ học một lần, thì sẽ có lần nghỉ học thứ hai. Chỉ cần vô cảm một lần sẽ có những lần tiếp theo. Đến một lúc bạn sẽ trở thành người thờ ơ trước nỗi đau và khó khăn của người khác. Khi bạn vô cảm, bạn sẽ không tìm ra niềm vui. Bạn sẽ trở thành người bất hạnh.
Anh cũng chia sẻ về những bí quyết của mình khi là cán bộ Đoàn: Đừng bao giờ lấy ý kiến cá nhân của mình áp đặt các bạn trẻ. Tôi chỉ lấy ví như việc bán vé chiếu những bộ phim cần tuyên truyền như phim “Đừng đốt”. Nếu chiếu miễn phí, chẳng bạn nào đến xem, hoặc rất ít, hoặc phải huy động sinh viên ngồi lấp hội trường và kết quả là toàn hội trường là những tiếng nói chuyện riêng, tán gẫu hoặc cười đùa. Nhưng nếu bán vé, 10.000 đồng thôi, nhưng ai quan tâm thì sẽ đến xem thực sự. Chọn được những bộ phim hay có tính lan tỏa chắc chắn sẽ đông người đi, như vậy công tác tuyên truyền sẽ hiệu quả hơn. Đối với các phim được sinh viên yêu thích thì Đoàn trường lại có thể gây quỹ cho hoạt động Đoàn...
Vũ Hương Giang/Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô

Bình luận(0)