Ở nước ta, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin Sởi - Rubella miễn phí cho trẻ từ 1-14 tuổi trên toàn quốc từ cuối năm 2014 đến tháng 5/2015.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, trên quy mô huyện, 100% số huyện đều đạt tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Sởi - Rubella trên 95%.
Kết quả giám sát, kiểm tra cho thấy, các điểm tiêm chủng đều thực hiện đúng qui trình chuyên môn kỹ thuật, công tác tổ chức, bố trí điểm tiêm chủng hợp lý, không quá đông.
|
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành thăm và kiểm tra điểm tiêm chủng vắc xin Sởi - Rubella tại Trường THCS Lê Quý Đôn. |
Cả nước ghi nhận 15.866 trường hợp phản ứng nhẹ thông thường được báo cáo (sốt, đau tại chỗ tiêm, nhức đầu…) chiếm 0,08%, thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất.
Số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng được ghi nhận là 8 trường hợp và đã được Hội đồng chuyên môn điều tra, đánh giá nguyên nhân. Thống kê cho thấy 8 trường hợp phản ứng sau tiêm trên gần 20 triệu trẻ em là một con số rất nhỏ. Trong đó, có ba trường hợp liên quan đến phản ứng của vắc xin gồm một trường hợp sốt cao co giật, hai trường hợp sốc phản vệ sau tiêm vắc xin. Cả ba trường hợp trên đều được xử trí kịp thời và hồi phục.
Chất lượng vắc xin tại các điểm tiêm chủng được bảo đảm. Kết quả kiểm tra của các đoàn giám sát cho thấy, tại các bàn tiêm chủng, vắc xin được bảo quản lạnh đúng qui định. Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế đã kiểm tra lấy mẫu vắc xin tại điểm tiêm chủng trong thời gian diễn ra chiến dịch, kết quả 100% số mẫu được kiểm tra đều đạt an toàn.
Những tác hại của bệnh sởi, Rubella gây ra rất nguy hiểm như: gây sảy thai, dị tật bẩm sinh, gây ra biến chứng viêm tai giữa ở trẻ, hoặc viêm phổi, viêm não, mù lòa, suy dinh dưỡng... Chiến dịch tiêm chủng Sởi - Rubella đạt tỷ lệ cao góp phần khống chế những căn bệnh nguy hiểm và giảm gánh nặng chi phí y tế cộng đồng. Việt Nam đã hạn chế nguy cơ dịch Sởi - Rubella bùng phát trong khi thế giới vẫn còn những quốc gia phải đối mặt với dịch bệnh này trong năm 2015.
|
GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đi giám sát công tác Tiêm chủng mở rộng. |
Nhờ những thành công đạt được, Việt Nam đã thanh toán các căn bệnh khác như: bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi… đã giảm hàng trăm lần so với trước khi triển khai chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Trong năm 2015, Việt Nam trở thành 1 trong 39 quốc gia trên thế giới được công nhận “Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin” theo tiêu chuẩn quốc tế. Với năng lực của mình, Việt Nam sẽ là một quốc gia sản xuất vắc xin số lượng lớn cung cấp cho nhu cầu trong nước và thế giới. Đây là một trong những thuận lợi lớn để nước ta tiếp tục nỗ lực đạt những mục tiêu quan trọng, nhằm hướng tới mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.