Lớp học là nhà kho cũ được thuê lại của chủ một trang trại, được phụ trách bởi hai cô giáo và một thầy giáo (giáo viên nam dạy mầm non, tiểu học không hiếm ở Đức). Thực chất tụi nhỏ không ngồi học trong lớp nên không có phòng học, mà chỉ có phòng ngồi ăn. Phòng này cũng không mấy khi được sử dụng. Lớp mẫu giáo trong rừng không có bất cứ đồ chơi high-tech nào, thứ mới nhất chỉ có sách. Không phải nhà nước không có tiền mua trang thiết bị, mà là các giáo viên ở đây không muốn. Cô giáo nói với tôi: “Tụi nhỏ có đầy đồ chơi ở nhà rồi, cần gì trường học phải có. Quan trọng hơn là ở đây có vô số thứ để chơi không bao giờ chán và cũng đủ vui rồi”.
|
Tôi tự hỏi liệu phụ huynh Việt Nam có chấp nhận một trường mẫu giáo thế này? |
Nhìn hình ảnh chơi của tụi nhỏ là hình dung ra kiểu chơi rồi. Bé An, con anh Minh Dang Doan và chị Tam Nguyen, ngồi tô màu lên mấy miếng gỗ dư vứt cạnh hàng rào. Tụi nhỏ khác trèo vào giữa một bụi cây chơi không biết chán. Tụi nó gọi đó là lâu đài. Có hôm thì kéo nhau ra bờ suối phía sau (rất cạn) nghịch nước. Có hôm thì vào rừng, bọn trẻ vẽ trên đất, tìm kiếm cây cỏ, dựng hình bằng que củi...
Hôm nay các em được tham gia một buổi biểu diễn kịch cùng trẻ con ở hai chi nhánh trường khác. Sân khấu giữa đường, được quây bằng sợi dây thừng. Một nghệ sĩ già biểu diễn cả buổi với con voi (do người đóng giả) cũng đủ khiến tụi nhỏ reo cười thích thú! Chúng ngồi bệt trên sỏi cát, giữa trời nắng không hề than vãn, đi bộ băng rừng tới “rạp hát” khá xa rất vui vẻ.
Đi về trường tự móc đồ ăn được cha mẹ chuẩn bị từ sáng ra ăn. Không một trẻ nào được đút hay phải hối thúc chuyện ăn. Ăn xong, mỗi đứa tự chơi. Cô giáo bảo trẻ cần học cách tự chơi, mà thực ra tụi nó có thể nghĩ ra nhiều cách chơi. Niềm vui của trẻ đơn giản hơn người lớn nghĩ. An nói, An thích trường học này vì có giờ đọc sách và ngày nào thầy cô cũng có trò mới. Thực chất thầy cô chỉ gợi ý để trẻ tự chơi. Không có cái gì được sắp đặt cứng nhắc cả.
Đến khoảng hơn 12g thì cô giáo tập hợp để đọc sách. Sách hôm nay có tựa là Chú sâu háu ăn. Trước khi đọc cô giáo đốt một ngọn nến, đây là ký hiệu để trẻ hiểu đó là giờ cần trật tự và lắng nghe. Mỗi hai tuần trẻ lại được tìm hiểu về một chủ đề nào đó về tự nhiên, xã hội.
Tôi đã được nhìn thấy và cảm nhận được niềm vui của các em học sinh nhỏ này trong suốt một ngày đi học. Và, đứa nào cũng nhanh nhẹn, tự lập, thân thiện, giao tiếp tốt, kể cả một bé được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ cách đây hai năm.
Tôi tự hỏi liệu phụ huynh Việt Nam có chấp nhận một trường mẫu giáo thế này?