Việc con gái Diệu Liên nhận học bổng 7 tỷ từ ĐH Harvard đã rất bất ngờ với anh chị?
Anh Trần Văn Dư: Vâng, đó là điều rất bất ngờ với gia đình và cả với chính bản thân cháu vì Diệu Liên chưa bao giờ dám mơ đến học bổng này. Vào thời điểm lớp 9 cháu có mơ học bổng của Singapore.
Sau này hết trung học, đến lúc thi đại học cháu cũng chỉ mơ được một suất học bổng hỗ trợ tài chính chứ không dám mơ học bổng toàn phần lại từ một trường danh tiếng tại nước Mỹ. Chính vì vậy khi biết tin, gia đình bất ngờ, mừng lắm.
Bên cạnh niềm vui, hạnh phúc khi con nhận học bổng danh giá, anh chị hẳn có nỗi lo toan?
Chị Nguyễn Thị Lộc: Biết tin con được học bổng đi du học tôi mừng lắm nhưng làm mẹ tất nhiên lo lắng rất nhiều. Mình lo không biết con qua bên đó thế nào, có thích nghi được không? Rồi những lúc bệnh, không có cha mẹ bên cạnh không biết con phải xoay sở làm sao?..
Sau này, được các anh, chị, chú, bác Việt kiều sống bên Mỹ quan tâm nên cũng yên tâm phần nào chứ lúc đầu biết tin con được học bổng tôi lo không ngủ được.
So với bạn bè Liên thiệt thòi hơn vì bố mẹ nghèo buộc em phải nỗ lực hơn rất nhiều. Trong hành trình phấn đấu của con có kỷ niệm nào đáng nhớ?
Anh Trần Văn Dư: Vì gia đình không có điều kiện nên dụng cụ học tập cháu Liên tất nhiên thua kém bạn bè. Ngay cả chuyện cháu cần cái máy tính điện tử cầm tay để đi thi, lúc đó mẹ cháu lại chưa nhận lương, gia đình cũng không còn tiền. Thế là cháu Quỳnh – em gái Liên đã đập con heo đất, lấy tiền tiết kiệm được hơn 700.000 ngàn ra mua cho chị máy tính cầm tay.
Còn kỷ niệm chuyện học tập, năm lớp 9, bên Singaporecó sang tuyển học sinh Việt Nam để cấp học bổng đi du học. Ban đầu, cháu đã không được vào nhóm chon đi thi học bổng này, nhưng sau đó không biết họ xét thế nào lại được chọn. Sau đó cháu đã lọt vào Top 10 người giỏi nhất đợt đó.
Tôi cho rằng đây là một sự phấn đấu vượt bậc của cháu vì nhà nghèo, cháu không được học thêm gì tiếng Anh lại vào được Top 10 người. Từ năm lớp 6 cháu Liên đã ấp ủ giấc mơ được học bổng nên ráng học có thành tích cao trong suốt giai đoạn trung học cơ sở vì học bổng này họ sẽ xét vào năm lớp 9.
Nhưng lúc không có tên trong danh sách được chọn, cháu buồn lắm, gia đình an ủi “thua keo này ta bày keo khác” cứ phấn đấu sẽ đạt được kết quả tốt. Không ngờ hai ngày sau cháu đi học về rạng rỡ báo tin cho ba mẹ lọt vào danh sách được chọn để đi thi.
|
Nữ sinh Diệu Liên cùng bố mẹ và em gái. |
Quay trở lại 20 năm trước, khi chào đời Liên có khác biệt?
Anh Trần Văn Dư: Khi sinh ra Diệu Liên không có gì nổi bật. Đến tuổi mẫu giáo, cháu có năng khiếu vẽ, các cô giáo toàn mang giấy đến nhà nhờ cháu vẽ để giảng trên lớp. Đến năm lớp 5, do việc học tập, thể thao cháu đạt thành tích cao nên được nhà trường cử đi giao lưu Nhân tài đất Việt, cháu được quà là một chiếc máy vi tính để bàn, hồi đó có giá lắm.
Chị Nguyễn Thị Lộc: Ngay từ lúc nhỏ hầu như Liên ở với ba nhiều hơn. Công việc của tôi buộc phải đi ra khỏi nhà từ 5h sáng về đến nhà là tối nên thời gian gần gũi con không được bao nhiêu. Mẹ về con đã ngủ, sáng mẹ đi con còn chưa dậy. (chị Lộc vừa khóc vừa tâm sự - PV)
Hẳn từ nhỏ Liên đã rất nghị lực?
Anh Trần Văn Dư: Từ bé, Liên đã ý thức được hoàn cảnh gia đình. Ba mẹ cũng tâm sự với cháu rằng gia đình mình khó khăn, con ráng học để sau này thoát nghèo. Lớp 5 là giai đoạn cuối cấp, các bạn đi học thêm rất nhiều. Thấy vậy tôi cũng có hỏi, nhưng cháu sợ ba mẹ tốn tiền nên bảo không đi.
Có cái máy tính để bàn được tặng, cháu lên mạng truy cập các trang online, tự mày mò học. Rồi từ lớp 6, cháu tự học là chính, mỗi khi ở đâu có hội chợ sách giảm giá là hai cha con đều đèo nhau đi mua sách giảm giá về học chứ không dám đến trung tâm.
Còn khi Liên cần gì đó, cháu cũng có nói với cha mẹ, nhưng chỉ là để nhắc vậy thôi chứ cháu cũng nói khi nào có tiền mua chứ không có đòi ba mẹ phải mua ngay hay mua cho bằng được.
Nếu đưa ra một nhận xét về Diệu Liên, anh chị nói gì?
Anh Trần Văn Dư: Diệu Liên là cô gái sống nội tâm, rất siêng năng, ít phô trương, ngoan và biết suy nghĩ rằng ba mẹ cực khổ nên cần phải phấn đấu học.
Có bao giờ Liên khiến ba mẹ phiền lòng?
Anh Trần Văn Dư: Cháu là con gái, chắc vậy nên ý thức hơn và cũng không nghịch ngợm khiến ba mẹ buồn.
Hẳn anh, chị có phương pháp dạy con đặc biệt?
Anh Trần Văn Dư: Không có gì đặc biệt cả. Nhưng có lẽ khác với một số phụ huynh, chúng tôi không ép buộc hay đặt chỉ tiêu cho con, nếu không đạt sẽ bị đòn. Có lần Liên kể, bạn cùng lớp học điểm kém bị mẹ đánh chảy máu chân. Gia đình tôi tuyệt đối để cháu phát triển tự nhiên. Do vậy cháu không có áp lực học tập nào.
Sau này lớn lên, cháu muốn chọn ngành học nào để vào ĐH, gia đình cũng để cháu chủ động chứ không ép cháu vào ngành học ba mẹ mong muốn.
Là niềm tự hào của ba mẹ, nhưng ở xứ người không ai bên cạnh, anh chị có tin rằng Liên đủ sức vượt qua những cám dỗ?
Chị Nguyễn Thị Lộc: Chúng tôi lo nhiều lắm. Vì khi còn ở với gia đình còn quan tâm, có gì chỉ dẫn liền. Khi du học cháu sẽ gặp nhiều khó khăn, về phong tục tập quán, về ngôn ngữ,... Nhưng sau một thời gian, thấy cháu không phàn nàn nên chắc đã thích nghi được hoàn cảnh mới.
Tôi cũng tin con mình sẽ không rơi vào cạm bẫy, hay cám dỗ nào vì Diệu Liên là một cô bé ngoan.
So với chị, em gái Như Quỳnh có gì đặc biệt? Anh chị kỳ vọng với cô con gái thứ hai ra sao?
Chị Nguyễn Thị Lộc: Tuy không bằng chị nhưng em Quỳnh cũng học giỏi. Cháu cũng ước mơ suất học bổng hỗ trợ tài chính chứ học bổng toàn phần thì không dám. Quỳnh là cô bé ngoan, chăm học và cũng có hiếu với ba mẹ.
Có bao giờ chị giận bản thân vì vất vả mà không có nhiều thời gian chăm lo cho con cái hơn?
Chị Nguyễn Thị Lộc: Hoàn cảnh đã như vậy mình chỉ còn cách ráng làm kiếm tiền lo con thôi. Bản thân tôi đã khổ nên càng cố làm để lo cho con sau này không khổ như ba mẹ nữa. May hai con gái cũng biết thương, biết nghĩ nên chúng tôi thấy được an ủi. (Chị Nguyễn Thị Lộc khóc - PV)
Nếu sau này Quỳnh cũng có cơ hội đi nước ngoài học, vợ chồng chị sẽ giải quyết thế nào?
Chị Nguyễn Thị Lộc: Nếu muốn được như chị, Quỳnh cũng phải ráng học mới có kết quả. Gia đình cũng động viên cháu nhiều.
Anh chị có gì nhắn gửi đến Diệu Liên đang ở phương xa?
Chị Nguyễn Thị Lộc: Con hãy cố gắng học giỏi Liên nhé, ở đây ba mẹ vẫn đi làm bình thường. Em con cũng học tốt nên con hãy yên tâm lo học.