Trắng da siêu tốc
Chị Hà Thị Kim Anh trú tại Cầu Giấy, Hà Nội tâm sự cách đây 3 năm chị đã mạnh tay chi cả trăm triệu đồng để sang Thái Lan tiêm trắng da. Chị Kim Anh kể vì chưa tin tưởng công nghệ tiêm trắng da ở Việt Nam lúc đó nên chị sẵn sàng bỏ số tiền lớn qua bên Thái Lan để thử vì đã được bạn bè giới thiệu.
Chi phí cho cả chuyến đi và tiêm 5 liệu trình trong vòng hơn 1 tháng, sau đó chị tiêm lại hai mũi nữa vào tháng tiếp theo. Cảm quan, tháng đầu chị Kim Anh thấy da mình trắng lên nhiều nên hai lần sau chị lại bay qua Thái Lan để tiêm tiếp cho đủ liệu trình.
|
Ảnh minh họa. |
Niềm vui chưa kéo dài được bao lâu thì khoảng 3 tháng sau, chị thấy da mình sạm hơn và lại quay về mốc cũ. Nhiều người ái ngại hỏi chị làn da Ngọc Trịnh đâu rồi. Có người an ủi cho rằng không hợp thuốc. Sau này, chị Kim Anh liên hệ lại bên tư vấn dịch vụ mới biết để có da trắng như Ngọc Trinh chị phải duy trì tiêm đến suốt đời. Từ bỏ ước mơ da trắng, chị đành quay về thực tế và coi như bỏ ra 100 triệu đồng để mua bài học cho mình.
Gần đây, cụm từ “tiêm trắng da” đang trở thành cụm từ “hot” được rất nhiều người tìm kiếm trên Google. Nhưng chỉ cần đọc lướt qua một lượt, chúng ta có thể nhận ra rằng, đây là một trong những phương pháp làm đẹp vô cùng tốn kém với nhiều mức độ khác nhau.
Dịch vụ này được quảng cáo rầm rộ ở các spa với chi phí khác nhau. Những spa vừa vừa giá tiêm vitamin C làm trắng da xấp xỉ 1 triệu đồng/lần tiêm.
Ở các spa cao cấp, giá mỗi mũi tiêm rơi vào 2 đến 2,5triệu/mũi và người tiêm phải thực hiện đủ liệu trình 12 mũi tiêm.
Sau đó, muốn duy trì làn da trắng sáng, cứ sau 2 tuần, chị em buộc phải tiêm nhắc lại, cứ đều đặn quanh năm tiêm và tiêm, không được dừng tiêm.
Một vài trang mạng còn quảng cáo là có thể tự mua vitamin C về nhà tự tiêm để làm trắng da. Điều này rất nguy hiểm bởi cái chết có thể đến bất cứ lúc nào.
Chị Nguyễn Thanh Hà trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội tâm sự chị được một người bạn làm spa tư vấn tiêm để làm trắng da vì da chị sạm quá. Tuy nhiên, khi tìm hiểu chị thấy giá của việc tiêm làm trắng da này quá cao mà mỗi nơi một giá nên chị còn đắn đo tìm hiểu.
Trong quá trình tìm hiểu, chị Hà vào bệnh viện Da liễu trung ương khám, bác sĩ chẩn đoán sạm da nhưng khi chị đề xuất tiêm vitamin C làm trắng da thì chị nhận được thông tin không phải trường hợp cần tiêm vitamin C. Sau khi được bác sĩ giải thích, chị Hà đã bỏ ý định tiêm làm trắng da.
Nguy hiểm cho tính mạng
Còn PGS TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết tiêm vitamin C làm đẹp vô cùng nguy hiểm vì nó có thể gây tử vong do sốc phản vệ. PGS Dũng chia sẻ ngay chính đồng nghiệp của ông vì muốn làm trắng da đã đi tiêm vitamin C và hậu quả bị sốc phản vệ sau khi tiêm vitamin C. Dù được cấp cứu nhưng vẫn không qua khỏi. PGS Dũng cho rằng việc làm đẹp mà phải trả giá bằng tính mạng thì không cần bàn cãi có nên hay không nên.
TS Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết bệnh viện không triển khai tiêm trắng da vì đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào cho rằng việc tiêm có thể làm trắng da. Việc các thẩm mỹ viện, spa quảng cáo về công dụng trắng da của các mũi tiêm, TS Doanh cho rằng cần xem xét rất kỹ.
Mỗi người có một màu da nền quy định của gen và người Việt không thể trắng như người Châu Âu. Bình thường da đen do ánh nắng, môi trường tác động từ bên ngoài khi làm trắng da thì cũng không thể trắng hơn da nền của mình.
Bản chất vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh, nhiều nghiên cứu đã cho thấy, vitamin C có khả năng ngăn ngừa sản sinh sắc tố melanin - sắc tố quyết định màu da của chúng ta. Việc bổ sung vitamin C chỉ có tác dụng ức chế sản sinh melanin trong một thời gian nhất định.
Vì vậy, hiệu quả làm trắng chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn và cần làm đi làm lại theo định kỳ, ít hiệu quả và rất nguy hiểm cho mỗi người.