Ăn nhiều muối
Muối là kẻ thù hàng đầu của người mắc bệnh lý tim mạch, cũng như đe doạ sức khoẻ một người bình thường có thể bị tăng huyết áp, tim mạch, đột quỵ. Đó là bởi khi ăn nhiều muối, hàm lượng nước trong máu tăng gây áp lực lên mạch máu, làm tăng thể tích máu, tim phải hoạt động nhiều hơn.
Khi mạch máu bị thu hẹp có nghĩa là ít oxy và chất dinh dưỡng được vận chuyển đến các tế bào, làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, đột quỵ và đau tim.
Trong khi đó, theo Bộ Y tế, trung bình mỗi người Việt hàng ngày đang ăn tới gần 10g muối, gần gấp đôi so với khuyến nghị của thế giới là 5g. Trung bình trong 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp, cứ 3 ca tử vong thì một do bệnh tim mạch, chủ yếu là tai biến mạch máu não.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một thìa 5g muối chứa khoảng 2.000mg natri, tương đương với lượng muối chỉ nên dùng trong ngày với một người trưởng thành. Trẻ nhỏ dưới một tuổi, lượng muối được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo dưới 1,5g và trẻ sơ sinh ăn dưới 0,3g muối.
Ăn nhiều nội tạng động vật
Nội tạng động vật (tim, gan, lòng, não,…) được xác định có chứa nhiều dinh dưỡng (tuỳ bộ phận) song chứa lượng lớn chất béo bão hòa và cholesterol, thường xuyên ăn sẽ làm tăng mỡ máu, có hại cho tim mạch.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo chỉ nên bổ sung lượng chất béo bão hòa bằng 5-6% lượng calo tiêu thụ hàng ngày. Đây là lý do người Mỹ không ăn hoặc ăn rất ít nội tạng.
Lượng sử dụng nội tạng động vật phù hợp với mỗi người theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng với người trưởng thành chỉ nên ăn 2-3 lần trong tuần (khoảng 50-70g/lần), trẻ em ăn 2 lần một tuần (khoảng 30-50g/lần).
Các chuyên gia cũng khuyên người già, người thừa cân, béo phì, người bị rối loạn mỡ máu hoặc mắc bệnh lý tim mạch tốt nhất không nên dùng các món ăn chế biến từ phủ tạng động vật.
Ăn nhiều đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn
Một số nghiên cứu đã liên kết việc tiêu thụ các loại thực phẩm chiên, như khoai tây chiên, gà chiên và đồ ăn nhẹ chiên làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Phương pháp chiên thông thường tạo ra chất béo trans, một loại chất béo làm gia tăng cholesterol xấu và hạ thấp cholesterol tốt.
Nhiều thực phẩm chế biến sẵn có chứa các loại dầu hydro hóa một phần, không an toàn và chứa một lượng lớn chất béo bão hòa.
Những loại dầu hóa học sẽ dẫn tới béo phì và mức cholesterol cao, do đó nó có thể dẫn đến sự phát triển của các vấn đề về tim mạch hay bệnh tiểu đường.
Ăn nhiều đường, đồ ngọt
Bột đường là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho cơ thể. Tuy nhiên, năng lượng được cung cấp phải tương ứng với hoạt động của cơ thể. Khi dư thừa, một phần glucid sẽ được dự trữ trong các bắp thịt và gan, phần khác sẽ được chuyển thành axit béo hoặc triglycerit làm gia tăng lượng mỡ trong cơ thể.
Ăn thừa chất đường được xác định là một trong những nguyên nhân dẫn đến béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch.
Các nghiên cứu đã chứng minh khi lượng đường được ăn nhiều hơn sẽ làm tăng đáng kể huyết áp tâm thu (6,9 mm Hg) và huyết áp tâm trương (5,6 mm Hg). Theo nghiên cứu, những ai ăn nhiều calo (từ 25% calo trở lên) sẽ tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch gấp 3 lần.
Mức tiêu thụ đường bình quân đầu người hiện nay cao gấp từ 2 – 8 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), do thói quen ăn uống các chế phẩm ăn nhanh và làm sẵn. Với thanh thiếu niên, mức tiêu thụ đường hiện tại có thể cao gấp từ 6 – 16 lần.
Đường làm tăng nguy cơ bị phù nề, khiến ảnh hưởng xấu đến hoạt động của tim. Do đó, nên hạn chế ăn các đồ ngọt như kẹo, chocolate, bánh gato, bánh ngọt, bánh quy, mật ong, bánh mỳ ngọt, kem. Những thực phẩm này chứa chất béo và hàm lượng calo cao.
Ăn thịt quá nhiều
Ăn quá nhiều thịt (chất đạm) và dầu mỡ sẽ tạo ra gánh nặng cho cơ thể. Khi thức ăn không được chuyển hóa hết sẽ tích tụ lại sinh ra các độc tố. Đặt nền tảng cho các bệnh lý như xơ vữa động mạch, gút, đái tháo đường.
Chế độ ăn hợp lý giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch
Giảm muối: chế độ ăn giảm muối giúp giảm và kiểm soát tăng huyết áp.
Giàu kali: thiếu kali làm ảnh hưởng tới huyết áp, gây rối loạn nhịp tim. Chế độ ăn bổ sung kali giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn. Các thức ăn giàu kali bao gồm chuối, cam, lê, mận chín…
Nhiều rau, trái cây, ngũ cốc.
Tránh thức ăn chế biến sẵn.
Dùng dầu ăn thay vì dùng mỡ động vật để tránh chất béo bão hòa.
Mua thịt chưa chế biến, chế biến bằng đồ không có chất béo bão hòa và transfat.
Tránh thức ăn và đồ uống có nhiều đường.
Không dùng bơ kèm mayonaise khi chế biến thức ăn, chỉ nên dùng một trong hai thứ này mà thôi.
Có thể uống rượu với lượng rượu vừa phải.
Nếu có thể, nên đến bác sỹ dinh dưỡng để được tư vấn về chế độ ăn hợp lý.
Những "siêu thực phẩm" tốt nhất cho hệ tim mạch
Quả việt quất
Chất chống oxy hóa trong cây việt quất có tác dụng giảm lượng cholesterol xấu (LDL cholesterol) lắng đọng ở thành mạch máu.
Quả việt quất đứng đầu danh sách là một trong những thực phẩm có khả năng chống lại bệnh tật mạnh nhất. Loại quả này có chứa anthocyanins, một chất chống oxy hóa làm cho quả có màu xanh đen. Các chuyên gia tin rằng: chất chống oxy hóa trong cây việt quất có tác dụng giảm lượng cholesterol xấu (LDL cholesterol) lắng đọng ở thành mạch máu. Đây là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não.
Chất xơ và vitamin C cũng được tìm thấy nhiều trong quả việt quất. Do đó có thể tăng cường sức khỏe tim mạch bằng cách bổ sung quả việt quất vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Cá hồi
Cá hồi là một nguồn cung cấp protein tuyệt vời đồng thời rất giàu axit béo omega - 3 có lợi cho tim.
Loài cá nước lạnh này là một nguồn cung cấp protein tuyệt vời đồng thời rất giàu axit béo omega – 3 có lợi cho tim. Hiệp hội Tim mạch Mỹ đưa ra lời khuyên nên ăn cá hồi và các loại thực phẩm giàu axit béo omega – 3 khác khoảng 2 lần/tuần, không chỉ giúp phòng chống bệnh tim mạch mà còn rất tốt cho sức khỏe.
Yến mạch
Nhiều nghiên cứu cho thấy một chế độ ăn giàu yến mạch có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim vì yến mạch có khả năng duy trì nồng độ cholesterol ở mức thấp.
Yến mạch chứa nhiều các loại vitamin, khoáng chất và chất xơ, có tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol trong máu. Nhiều nghiên cứu cho thấy một chế độ ăn giàu yến mạch có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim vì yến mạch có khả năng duy trì nồng độ cholesterol ở mức thấp. Do đó tiêu thụ các sản phẩm từ yến mạch thường xuyên có thể phòng chống bệnh tim mạch và ngăn ngừa ung thư.