Nhiễm chéo xảy ra khi vi khuẩn và virus được chuyển giao từ một bề mặt bị nhiễm khuẩn đến một bề mặt khác chưa bị nhiễm. Các vi khuẩn và virus có thể truyền từ con người, các bề mặt của các thiết bị nơi làm việc và giữa các loại thực phẩm với nhau.
Ngoài ra việc lây nhiễm chéo còn xảy ra trong quá trình đi chợ khi để chung các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua chế biến khi để chung với nhau. Điều này có thể gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là những ngày tết đến xuân về, Ban quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM đưa ra các lưu ý cho người dân hạn chế để các thực phẩm bị nhiễm chéo như sau:
Vật liệu bao gói chứa đựng
Theo Ban quản lý ATTP TP.HCM, để hạn chế quá trình lây nhiễm chéo, người dân cần sử dụng bao gói hợp vệ sinh chứa đựng tách biệt các loại thực phẩm sống và thực phẩm không qua chế biến (rau sống, thịt nấu chín, trái cây…), ngay khi mua tại chợ. Điều này hạn chế vi khuẩn, virus lây nhiễm từ bề mặt thực phẩm tươi sống sang các thực phẩm không qua chế biến.
|
Thực phẩm sống không nên để chung với thực phẩm không qua chế biến để giảm thiểu tình trạng lây nhiễm chéo vi khuẩn, virus. Ảnh: Internet. |
Dụng cụ sơ chế, chế biến
Vệ sinh dụng cụ sơ chế, chế biến trước và sau khi sử dụng, nhất là khi sử dụng cho các thực phẩm tươi sống bằng nước rửa chén hoặc nước nóng. Đồng thời phơi khô các dụng cụ sau khi rửa để hạn chế các dụng cụ đó không bị gỉ sét hay bị nấm mốc bám trên bề mặt dụng cụ.
“Nếu có điều kiện, mỗi gia đình nên có ba thớt riêng biệt: Một dùng để thái thức ăn sống, một dùng để thái thức ăn chín và một để thái trái cây, rau củ để tránh lây nhiễm chéo các vi khuẩn” - Ban quản lý ATTP lưu ý.
Cũng theo ban này, người tiêu dùng cần thay thớt, dao, kéo… khi thấy trên bề mặt của chúng đã có nhiều vết xước hoặc rỉ sét bởi đây là những nguồn lây nhiễm trực tiếp lên thực phẩm.
Do đó, Ban quản lý ATTP khuyến cáo, người dân cần giữ thớt, dao và vật chứa thực phẩm sạch sẽ và trong tình trạng tốt, đảm bảo bữa ăn được ATVSTP.
Bảo quản sản phẩm
Đây cũng là khâu quan trọng trong việc tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn, virus gây hại cho sức khỏe. Ban quản lý ATTP lưu ý, các loại thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm hay cá… phải được lưu trữ trong một hộp nhựa cứng hoặc để ở dưới cùng của tủ lạnh. Điều này ngăn thực phẩm sống không cho tiếp xúc với các thực phẩm không qua chế biến hoặc để nước thịt không được nhỏ giọt vào thực phẩm khác.
Với các thực phẩm không qua chế biến khác cần phải được bọc cẩn thận khi để trong tủ lạnh để giảm thiểu nguy cơ rủi ro bị nhiễm chéo.