Mới đây, trong cộng đồng chơi Pickleball chia sẻ hình ảnh một người đàn ông 39 tuổi, ở Thanh Hóa đang chơi môn thể thao này thì bất ngờ đổ gục, nghi do đột quỵ sau đó tử vong.
Lãnh đạo phường Đông Hải, TP Thanh Hóa, cho biết vụ việc xảy ra trên địa bàn chiều 8/10/2024. Cụ thể, anh L.A.T. (39 tuổi, trú tại TP Thanh Hóa) chơi Pickleball cùng bạn bè, lúc ngồi nghỉ uống nước, anh bất ngờ gục xuống.
Anh T. được mọi người tiến hành sơ cứu, đưa đi bệnh viện nhưng đã tử vong. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền phường Đông Hải đã đến ghi nhận thông tin, hỗ trợ gia đình đưa anh về lo hậu sự. Được biết, người đàn ông này có tiền sử bệnh tim.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Tường Kha - Trưởng Bộ môn Y học thể thao, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, đột tử trong chơi thể thao không phải là hiếm gặp, biến cố này hoàn toàn có thể phòng ngừa được.
|
Ảnh minh họa. |
Tập luyện là hoạt động tốt cho sức khỏe, ngăn ngừa thừa cân, béo phì, các bệnh tim mạch, chuyển hóa và ung thư. Trung bình, một người nên vận động từ 3-5 buổi/tuần, mỗi lần tập kéo dài 30-60 phút.
BS Kha cho biết, theo lượng vận động (cường độ, tần suất, thời lượng, tính chất bài) có các nhóm môn tập khác nhau. Tập sức mạnh gồm các môn cử tạ, các bài ném... Môn tốc độ (sức nhanh) như chạy, bơi hay đạp xe ở cự ly ngắn. Môn sức bền như chạy cự ly từ 3km, marathon, bán marathon, đi bộ thể thao, đạp xe đường dài.
Khi tập thể dục hoặc chơi thể thao, bác sĩ Kha khuyến cáo người dân nên chọn môn phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Pickleball giống tennis, bóng bàn, cầu lông, là bài tập vận động hỗn hợp sức mạnh, tốc độ, sức bền, đang được nhiều người yêu thích.
Với một số cá nhân đặc biệt, việc tập thể dục hoặc chơi thể thao trong đó có pickleball có thể là yếu tố khởi phát gây đột tử. Nguy cơ này hay xảy ra ở người trước giờ ít vận động hoặc có bệnh tim mạch nhưng không được phát hiện.
5 nguy cơ dẫn đến đột tử khi chơi thể thao
Theo bác sĩ Kha, các nguy cơ dẫn tới đột tử khi tập luyện thể thao như:
1. Những người chưa, ít tập thể thao hoặc có sẵn bệnh lý tim mạch nhưng không biết: Những trường hợp này khi có lượng vận động lớn, dẫn tới hưng phấn tối đa gây tăng nhịp tim, tăng huyết áp, thể gây rung nhĩ/thất, gây nhồi máu cơ tim, gây vỡ mạch máu não (đột quỵ).
Ngay cả với những người từng tập luyện lâu dài, cơ thể đã thích nghi nhưng lượng vận động vượt ngưỡng chịu đựng của cơ thể có thể dẫn tới tế bào, tổ chức thiếu máu, thiếu oxy, thiếu dinh dưỡng. Tim và não là tổ chức bị thiếu hụt và thiệt hại sớm nhất, không bù kịp, nguy cơ gây ra đột quỵ.
2. Suy kiệt năng lượng cấp tính: Hoạt động thể lực kéo dài trong một buổi tập, làm tiêu hao năng lượng, trước hết là sụt giảm đường huyết dẫn đến hôn mê, không cấp cứu kịp thời sẽ tử vong.
3. Rối loạn nước và điện giải: Lượng vận động lớn, kéo dài, gây tăng sinh nhiệt, thải nhiệt bằng việc tăng cường bài tiết mồ hôi, hậu quả là mất cân bằng nước, điện giải, rối loạn thăng bằng kiềm toan, có thể gây hôn mê, đột quỵ .
4. Sốc nhiệt: Lượng vận động lớn, kéo dài gây sinh nhiệt, cơ thể thải nhiệt không kịp, tích lũy nhiệt gây sốc nhiệt. Nếu tập trong môi trường nắng, nóng, cơ thể bị bức xạ nhiệt dẫn tới gia tăng nhiệt độ cơ thể, sốc nhiệt, rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn nhịp tim, nhịp thở, hôn mê, co giật, ngừng tuần hoàn, ngừng thở.
5. Tập thể thao cường độ lớn, kéo dài có thể gây tiêu cơ vân, rối loạn chuyển hóa điện giải, rối loạn thăng bằng kiềm toan, rối loạn đông máu, tăng kali máu, suy thận, suy tim cấp, gây ngừng thở, ngừng tuần hoàn.
Khi tập luyện, bác sĩ Kha lưu ý người tập phải đánh giá tình trạng sức khỏe của mình có đủ điều kiện tham gia tập luyện. Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa thể thao, tim mạch để đánh giá khả năng chịu đựng của cơ thể, ngưỡng thể lực.
Người dân cần nắm rõ nguyên tắc như tập đúng kỹ thuật, nâng dần thời gian để cơ thể thích nghi, mỗi ngày tăng dần, không đột ngột tăng thời gian quá ngưỡng cơ thể.
Khi đang gắng sức, cần tránh việc dừng lại đột ngột vì thời điểm này cũng có thể xuất hiện nhiều rối loạn nhịp đe dọa tính mạng. Chuẩn bị nước uống, trang phục như mũ chống nắng, không mặc quần áo kín khó tỏa nhiệt. Các phòng và sân tập cần có tủ thuốc dự phòng, thậm chí nhân viên y tế sẵn sàng sơ cứu các tình huống khẩn cấp", bác sĩ Kha khuyên.