Bệnh viện Đa khoa Quang Thành (Nghệ An) ngày 19/1 (28 tháng Chạp) cho biết, bệnh nhân nhập viện sáng qua trong tình trạng nguy kịch, có dấu hiệu kích thích, da nhợt nhạt, mạch yếu, huyết áp giảm sâu về 80/40mmHg, sốc mất máu.
Bác sĩ chẩn đoán người đàn ông này bị xuất huyết tiêu hóa do lạm dụng rượu. Nếu không cấp cứu, người bệnh có nguy cơ cao ngừng tim, ngừng thở, tử vong do mất máu.
Người nhà cho biết bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu lâu năm, liên tục uống rượu. Ở nhà, ông nôn ra máu ba lần nên mới đi khám. Lúc vào viện, ông nôn thêm 500ml máu thẫm lẫn máu đông.
Sau hội chẩn, bác sĩ can thiệp nội soi cấp cứu cầm máu thắt 6 điểm cho người bệnh. Trưa 18/1, bệnh nhân tỉnh táo, huyết áp được nâng lên 120/80mmHg. Bác sĩ đánh giá bệnh nhân đã thoát sốc, qua cơn nguy kịch, tiếp tục theo dõi tại phòng cấp cứu.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quang Thành, gần Tết lượng bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa nhập viện nhiều hơn. Bệnh nhân chủ yếu từ 30-50 tuổi, hầu hết đến viện khi đã quá nặng, hơn 50% ca giảm chức năng gan. Nguyên nhân chính do người bệnh uống nhiều rượu bia, say rượu, nôn nhiều làm rách niêm mạc thực quản.
Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa đều phải truyền máu ít nhất từ 3 tới 10 đơn vị máu mỗi đợt. Ngoài ra, hầu hết các bệnh nhân này đều có tiền sử viêm gan B, kèm theo nghiện rượu nặng.
Dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa
ThS.BS Phạm Quang Trình, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho hay xuất huyết tiêu hóa là một trong những tình trạng cấp cứu nghiêm trọng. Tình trạng này xảy ra khi máu thoát ra khỏi lòng mạch và chảy vào trong ống tiêu hóa; có thể gặp ở bất cứ phân đoạn nào của đường tiêu hóa như thực quản, dạ dày, ruột hay hậu môn.
Bệnh nhân khi bị xuất huyết tiêu hóa thường rất dễ nhận biết bởi các biểu hiện đặc trưng như mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da, nôn ra máu rất nhiều, đi đại tiện ra máu, phân đen.
Mức độ mất máu có thể nhẹ tới vừa, thậm chí nhiều trường hợp chảy máu nặng gây mất máu nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.
Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân sẽ đại tiện phân đen 2-3 lần/ngày, mệt mỏi, vã mồ hôi, chân tay lạnh, niêm mạc nhợt nhạt, vật vã, có khi ngất xỉu, mạch nhỏ, huyết áp tụt, thở nhanh, nếu không cấp cứu sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Có nhiều nguyên nhân gây ra xuất huyết tiêu hóa. Ở dạ dày, các nguyên nhân gây viêm loét như: rượu, khuẩn HP, aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau, stress… hoặc các bệnh lý ác tính như ung thư dạ dày đều có thể gây xuất huyết tiêu hóa. Ở ruột, loét thành tá tràng là nguyên nhân rất thường gặp.
Chảy máu do xuất huyết tiêu hóa nhiều khi bị nhầm với chảy máu do trĩ, bệnh polyp đại trực tràng, ung thư đại trực tràng, viêm loét đại trực tràng. Vì vậy, khi thấy hiện tượng bất thường, bệnh nhân cần đi khám để xác định rõ bệnh và điều trị kịp thời.
Theo các bác sĩ, để phòng bệnh xuất huyết tiêu hóa, người dân không nên uống rượu bia, hút thuốc lá quá nhiều, đặc biệt là các loại rượu mạnh.
Ngày Tết cũng như ngày thường, nếu phải uống rượu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên uống dưới hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần.
Một đơn vị cồn tương đương 10g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Theo đó, một đơn vị cồn tương đương với khoảng 3/4 chai hay lon bia có dung tích 330ml (5%); một ly rượu vang 100ml (13,5%) hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Ngoài ra, không dùng các thuốc và thức ăn có hại cho dạ dày. Nên ăn tăng cường chất xơ và rau quả để dạ dày hoạt động tốt hơn.