Một chế độ ăn uống thiếu điều độ và tùy tiện về giờ giấc, kén ăn và ăn kiêng hay thiên lệch một phần, hút thuốc, nghiện rượu và các bệnh mãn tính có thể gây thiếu một số chất dinh dưỡng trong cơ thể, dẫn đến các chứng khó chịu về thể chất, chẳng hạn như khô mắt, chuột rút ở chân, khô da, da sần sùi thô ráp và cảm giác lạnh bàn tay và bàn chân.
Nếu một số triệu chứng bất thường xuất hiện kéo dài trong 2 tuần mà vẫn không thuyên giảm và không có bất thường gì sau khi đến bệnh viện khám thì bạn cần nghĩ ngay đến tình trạng thiếu chất dinh dưỡng càng sớm càng tốt.
Những triệu chứng cảnh báo cơ thể bị thiếu chất dinh dưỡng
1. Chuột rút cơ
Chất Magiê là yếu tố không thể thiếu cho quá trình truyền tín hiệu của cơ, magiê có thể kích thích cơ thể sản xuất melatonin và điều chỉnh giấc ngủ, do đó, thiếu magiê có thể dễ dàng gây ra chứng mất ngủ và chuột rút.
Vì vậy, chúng ta nên tập trung ăn các loại thực phẩm có chứa magiê như các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, ngô và nấm.
2. Khô mắt và đỏ mắt
Vitamin B là một nhóm dinh dưỡng có tác dụng lớn có thể giúp điều chỉnh tổng lượng chất lỏng trong hốc mắt. Cơ thể thiếu vitamin B2 có thể làm giảm sức đề kháng của các mạch máu trên bề mặt nhãn cầu, dễ dẫn đến nhiễm trùng, có thể dẫn đến khô mắt, đỏ mắt, đồng thời tăng nguy cơ viêm kết mạc.
Vitamin B có thể giúp giảm căng thẳng, cải thiện khả năng tập trung và nhận thức, những người thiếu vitamin B có xu hướng căng thẳng và lo lắng.
Vì vậy, bạn nên ăn các thực phẩm có chứa vitamin B như sữa, gan động vật và thịt nạc, đồng thời lựa chọn các loại thực phẩm bổ sung vitamin B dưới sự hướng dẫn của bác sĩ nếu cần thiết.
3. Nhiễm trùng đường tiết niệu, vết thương lâu lành
Vitamin C là chất chống oxy hóa, có thể làm giảm hàm lượng vi khuẩn có hại trong đường tiết niệu. Khi chúng ta bổ sung chất này vào cơ thể không đủ, rất dễ gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Vitamin C còn tham gia cấu tạo collagen, duy trì các mô da chắc khỏe, thúc đẩy quá trình lành vết thương. Tuy nhiên, khi thiếu vitamin C thì cơ thể sẽ gặp vấn đề như kéo dài thời gian lành vết thương, da dễ bị bầm tím, thiếu vitamin C trầm trọng có thể gây bệnh còi, gầy guộc.
Nguồn Vitamin C có thể được cung cấp từ cà chua, bông cải xanh (súp lơ xanh), trái cây họ cam quýt, kiwi và quả chà là tươi.
4. Da khô và thô ráp, sần sùi
Vitamin A có thể duy trì sự mềm mại và đàn hồi của da. Nếu cơ thể của bạn bị thiếu hụt chất này có thể khiến da khô và thô ráp, thị lực kém khi ở trong môi trường bóng tối và rất dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp lặp đi lặp lại.
Do đó, nếu quan sát thấy cơ thể có dấu hiệu bị thiếu vitamin A thì bạn nên khẩn trương bổ sung dinh dưỡng bằng cách ăn nhiều cà rốt, xoài, các sản phẩm từ sữa, trứng và gan lợn. Đầy là những thực phẩm phổ biến có chứa nhiều vitamin A.
5. Mệt mỏi và dễ buồn ngủ
Sắt đóng vai trò quan trọng trong huyết sắc tố vận chuyển oxy trong máu, thiếu sắt dễ gây mệt mỏi và buồn ngủ, thiếu năng lượng, thậm chí gây thiếu máu do thiếu sắt.
Vì vậy, bạn nên ăn nhiều thực phẩm chứa sắt như nội tạng động vật, huyết, lòng đỏ trứng gà,… Nên ăn kết hợp đồng thời với thực phẩm chứa vitamin C có thể thúc đẩy quá trình hấp thụ sắt.
Lời khuyên thêm:
Bạn hãy nhanh chóng đi khám nếu có những biểu hiện trên, và nếu có thì bạn nên chú trọng bổ sung những chất dinh dưỡng còn thiếu.
Thực tế, chỉ cần bạn đảm bảo chế độ ăn đa dạng, không kén ăn, không kiêng khem là có thể đảm bảo dinh dưỡng cân đối và toàn diện, đồng thời nên từ bỏ các thói quen xấu như uống trà đặc, hút thuốc lá, nghiện rượu, bia, thức khuya, vì những hành vi này cũng sẽ làm tiêu hao chất dinh dưỡng trong cơ thể, từ đó có thể gây thiếu chất.