Ở châu Âu, năm 2000, có 4 triệu trường hợp gãy xương mới và chi phí điều trị 31,7 tỷ Euro. Tại Việt Nam, việc bổ sung canxi đã được chú trọng nhưng loãng xương rất phổ biến. TS-BS Lê Nguyễn Thùy Khanh, Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích liên quan đến vấn đề này.
Được biết, Mỹ, một đất nước phát triển, người dân được uống sữa hàng ngày nhưng có đến 12 triệu người trên 50 tuổi bị LX. Tại Việt Nam, tỷ lệ người dân được uống sữa thường xuyên còn hạn chế nhưng số người bị LX lại có phần thấp hơn, khoảng 2,5 triệu người. So sánh dân số của Mỹ là 320 triệu người, Việt Nam gần 100 triệu người thì tỷ lệ bị LX ở người Việt có phần thấp hơn. Vì sao lại có tình trạng này?
TS-BS Lê Nguyễn Thùy Khanh: Con số 2,5 triệu người bị loãng xương ở Việt Nam chỉ là ước tính. Trong khi đó, số liệu người bị LX của Mỹ là kết quả của nghiên cứu dịch tễ học có giá trị. Vì vậy, dựa trên những con số này, không có nghĩa là tỷ lệ bị LX của Mỹ cao hơn ở Việt Nam.
Hơn thế nữa, đặc điểm dân số của hai quốc gia khác nhau: Việt Nam thuộc nhóm nước có dân số trẻ, tỷ lệ người trên 60 tuổi chưa đến 10%, trong khi đó, tỷ lệ này ở Mỹ là trên 20%. Thực tế cho thấy, tỷ lệ người mắc bệnh LX ở Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh, ước tính đến năm 2030 sẽ tăng khoảng 170-180%.
|
Ảnh mang tính minh họa. |
Tình trạng LX có phải chỉ do chế độ ăn uống hay còn chịu tác động của yếu tố nào khác? Việt Nam có nắng quanh năm, lệu độ hấp thu canxi ở người Việt có tốt hơn, thưa bác sĩ?
- Một chế độ dinh dưỡng cung cấp đủ canxi và vitamin D là quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất, không phải là yếu tố duy nhất quyết định sức khỏe của xương. Có nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau gây nên căn bệnh LX.
Trước tiên, nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới đã chứng minh bệnh LX có mối liên quan và được quy định bởi bộ gen của con người. Theo đó, nguy cơ bị LX giữa các dân tộc khác nhau sẽ khác nhau, một số dân tộc sẽ có nguy cơ bị LX nhiều hơn so với những dân tộc khác.
May mắn là con người có thể phòng ngừa được bệnh LX nếu điều chỉnh tốt những yếu tố nguy cơ khác. Cụ thể là mỗi ngày, cơ thể cần được cung cấp đủ lượng canxi và vitamin D cần thiết thông qua chế độ dinh dưỡng. Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam năm 2011, hiện khẩu phần ăn mỗi ngày của người Việt mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu canxi và tỷ lệ thiếu vitamin D là 40%.
Không chỉ vậy, lối sống, chế độ sinh hoạt, luyện tập cũng ảnh hưởng rất nhiều đến căn bệnh LX. Nhiều thống kê cho thấy, những người vận động điều độ, phù hợp thì hiếm bị LX hơn những người có lối sống thụ động. Uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá, bị béo phì làm giảm khả năng hấp thu canxi của cơ thể và cũng là yếu tố nguy cơ gây loãng xương.
Mặt khác, tuy chúng ta đang sống trong khu vực có ánh nắng quanh năm nhưng với thói quen che chắn kỹ khi ra nắng, kể cả thời điểm sáng sớm, tỷ lệ hấp thu vitamin D từ ánh nắng cũng bị hạn chế nhiều. Riêng nước ta có thêm tình trạng LX do sử dụng bừa bãi corticoid, thường gặp ở những người bị đau nhức xương khớp, hen suyễn, vảy nến... Corticoid còn pha trộn trong các loại Đông dược dạng thuốc tễ.
Thưa bác sĩ, tình trạng bổ sung sữa canxi hàng ngày nhưng vẫn bị LX có thường gặp không? Khi bổ sung quá nhiều mà cơ thể không hấp thu hết thì sẽ xảy ra nguy cơ gì?
- Như đã nói ở trên, để phòng ngừa bệnh LX, việc bổ sung canxi bằng cách uống sữa chỉ là một yếu tố quan trọng chứ không phải là tất cả. Vì vậy, trên thực tế, nhiều người bổ sung sữa canxi đặc hiệu cho lứa tuổi nhưng vẫn bị LX, thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh.
Cần tránh suy nghĩ chủ quan “chỉ cần bổ sung sữa là có thể không lo bị LX”. Để giúp cơ thể hấp thu tốt lượng sữa bổ sung, cùng lúc cần kết hợp bổ sung đầy đủ vitamin D, một chế độ vận động phù hợp và lối sống lành mạnh. Nếu quá lạm dụng sữa mà cơ thể không thể hấp thu hết thì nguy cơ rất cao là sẽ bị sỏi thận, sỏi đường tiết niệu.