Tỉ lệ biến chứng viêm não cao gấp 4 lần
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến nay trên địa bàn là hơn 1.600 ca, so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng gần gấp đôi, tuy nhiên không đột biến do số ca mắc trung bình trong nhiều năm trở lại đây đều dao động từ 2.000 – 4.000 ca. Trong đó, mức 4.000 ca là đỉnh dịch năm 2011. Hiện tại, trung bình mỗi tuần có thêm 30-50 ca mắc mới.
Tại BV Nhi TƯ, từ đầu đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 770 trường hợp mắc tay chân miệng, hiện tại 12 trẻ đang nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm. Trong khi cả năm 2017, BV Nhi TƯ mới tiếp nhận hơn 200 ca tay chân miệng.
ThS.BS Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, so với cùng kỳ năm 2017, số trẻ nhập viện do tay chân miệng tăng gấp 4, trong đó có nhiều ca biến chứng nặng vào tim, phổi, não, riêng biến chứng viêm não chiếm 15-20%, trong khi mọi năm tỉ lệ này dưới 5%.
Đáng lưu ý, phần lớn mẫu bệnh phẩm của BV Nhi TƯ gửi sang Viện Dịch tễ TƯ xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh tay chân miệng đều nhiễm chủng EV71.
Tại BV Việt Nam - Cuba, TS Nguyễn Thị Anh Xuân, Trưởng khoa Nhi cho biết, cách đây 1 tháng, trung bình mỗi ngày khoa chỉ tiếp nhận 3-4 tre mắc tay chân miệng, nhưng con số hiện tại đã tăng hơn 2 lần, từ 8-10 ca.
Nếu tính chung cả nước, từ đầu năm đến nay đã có gần 54.000 trường hợp mắc tay chân miệng, 6 trường hợp tử vong tại các tỉnh phía nam.
Trong đó, số ca mắc tại phía Nam chiếm áp đảo, hơn 61.000 ca (chiếm 77,6%), miền Bắc 6.500 ca (10,6%), miền Trung 6.000 ca (10,1%), Tây Nguyên 1.000 ca (1,7%).
Riêng TP.HCM đến nay đã ghi nhận hơn 18.000 ca mắc, hơn 3.500 ca nhập viện, trong đó số ca nhiễm virus EV71 chiếm khoảng 25%.
EV71 gây biến chứng cao hơn 5 lần
Theo các chuyên gia, sở dĩ năm nay dịch tay chân miệng bùng phát mạnh, nhiều ca nặng do sự trở lại của chủng virus EV71 nhưng lại biến chủng gene từ B5 sang C4. Đây là chủng virus đã gây dịch tay chân miệng lớn trên cả nước năm 2011, khiến 70.000 người mắc và hơn 150 ca tử vong.
Theo PGS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, khi nhiễm virus EV71 sẽ gây biến chứng thần kinh cao gấp 5,1 lần so với các chủng virus khác gây tay chân miệng.
Đa số các trường hợp tử vong đều phát hiện nhiễm virút EV71: 93% trường hợp tử vong tại Trung Quốc năm 2008-2012, 82% trong vụ dịch tay chân miệng tại Việt Nam năm 2011 và 100% trong số các trường hợp tử vong trong năm nay có lấy mẫu xét nghiệm tác nhân gây bệnh.
Số mắc tay chân miệng chủ yếu gặp ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 79%) và dưới 1 tuổi (chiếm 17%).
Đến nay, bệnh lưu hành quanh năm khắp 63 tỉnh thành, tuy nhiên số ca mắc thường tăng nhanh vào tháng 9 - 11 hàng năm, đặc biệt dịp đầu năm học mới.
Bệnh tay chân miệng gây ra do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, gồm có: Coxsackie, Echo và các virus đường ruột khác, trong đó hay gặp là virus EV71 và Coxsackie A16. EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong.
Bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá, do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường kém, không thường xuyên rửa tay xà phòng cho trẻ em.
Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Do đó các gia đình cần chủ động phòng bệnh bằng các thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; thực hiện ăn chín, uống chín, giữ môi trường sống, các đồ dùng luôn sạch sẽ.