Chăm lo gia đình, tề gia nội trợ... từ lâu đã được ngầm định là việc của riêng phụ nữ. Câu "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" được truyền qua nhiều thế hệ, vô tình tạo ra những định kiến, gọng kìm giới tính áp đặt lên cả nam và nữ, như: Đàn ông phải xông pha kiếm tiền, lo toan cuộc sống, làm trụ cột vững chắc về kinh tế, còn đàn bà chăm lo gia đình, đảm đang nội trợ để giữ lửa cho cuộc sống gia đình.
Nhiều năm nay, định kiến giới với hàng trăm điều răn dạy "đàn ông phải thế nọ, đàn bà phải thế kia" là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột gia đình, khi hai bên không thể sẻ chia, thấu hiểu cho công việc và nghĩa vụ của nhau.
"Nhiều người đàn ông vẫn cho rằng việc nhà là cái gì đó khủng khiếp với phái mạnh; khi xắn tay làm việc nhà là họ đang giúp vợ, chứ vốn dĩ việc ấy không phải là của họ. Chúng ta đang gán giới tính lên việc nhà, cho rằng phụ nữ phải ở bếp, dọn nhà, nấu ăn... còn đàn ông làm việc nhà là bỏ đi. Các bà mẹ chồng cũng đo đếm con dâu bằng việc có làm việc nhà hay không. Mẹ đẻ trước khi cho con gái đi lấy chồng cũng dặn phải nữ công gia chánh, biết dọn nhà, chăm chỉ, không thì... có chó nó lấy.
Chúng ta bị những lề thói từ xa xưa trói buộc, áp đặt, cứ nhất nhất tuân theo dù vô lý thế nào. Đó là tư duy cũ mòn, khiến chúng ta bị cũ kỹ, rập khuôn trong cách nghĩ", nhà báo Hoàng Anh Tú nói tại lễ phát động chiến dịch truyền thông "Thanh niên chuẩn - Nói không với định kiến giới" chiều 24/1. Chiến dịch do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Plan International Việt Nam tổ chức, diễn ra từ tháng 1 đến tháng 12/2022.
|
Định kiến giới tồn tại ở nhiều mặt trong đời sống xã hội. |
Những ngày Tết đến gần, câu hỏi: "Ai lo việc nhà?" lại càng nóng hổi, nhất là với phái nữ - những người được mặc định phải chăm lo bếp núc, làm những việc không tên, không lương từ ngày này qua ngày khác để giữ gia phong, nề nếp.
"Ngày Tết là gánh nặng với phụ nữ, khi xã hội coi đó là thước đo đánh giá sự đảm đang của người vợ, người mẹ trong gia đình. Cứ đến Tết, người ta lại cân đo đong đếm khả năng của phụ nữ bằng câu hỏi ngôi nhà có được chăm sóc tốt, dọn dẹp kỹ không, ấm áp thế nào. Những đánh giá, phán xét của người khác luôn đổ ập lên họ trong nhiều dịp, nhưng sẽ nặng nề hơn ngày Tết", ông Tú nói và nhận định, đây là điều thiếu công bằng. Trong xã hội hiện đại, trách nhiệm kiếm tiền "xây nhà" không còn là của riêng nam giới, không có lý gì việc "xây tổ ấm" lại dành riêng cho người phụ nữ.
Bà Phạm Thị Thanh Giang, đại diện Tổ chức Plan International Việt Nam, có cùng quan điểm: "Những ngày Tết là thời điểm thước đo từ xã hội, gia đình hiện ra rõ ràng nhất. Vai trò của người phụ nữ với gia đình sẽ bị đánh giá. Điều đó có mang lại niềm hạnh phúc, sự thoải mái cho các thành viên trong gia đình hay không? Sự thay đổi cần bắt nguồn từ tất cả chúng ta, từ phụ nữ, đàn ông đến nhận thức của toàn xã hội".
|
Nhà báo Hoàng Anh Tú (giữa) chia sẻ tại lễ phát động chiến dịch "Thanh niên chuẩn - Nói không với định kiến giới". |
Theo bà Thanh Giang, một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ dành 20 giờ mỗi tuần cho những công việc không tên, gấp đôi so với đàn ông. Có 20% số nam giới không làm việc nhà. Những việc không tên trong gia đình gồm rửa bát, quét, lau nhà, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo... Đây là những việc người phụ nữ không được trả lương để làm, nhưng vẫn phải thực hiện như một nghĩa vụ.
Nhà báo Hoàng Anh Tú đưa ra số liệu đáng chú ý về bất bình đẳng giới trong chăm sóc gia đình hiện nay: Khi 21 triệu học sinh Việt Nam phải ở nhà học trực tuyến do dịch COVID-19, phụ nữ dành 62 tiếng mỗi tuần, còn đàn ông chỉ dành khoảng 30 tiếng mỗi tuần cho việc chăm sóc con. "Do con cái chưa thể đến trường, bố hoặc mẹ sẽ phải ở nhà chăm con. Bao nhiêu người đàn ông sẵn sàng ở nhà làm điều đó? Dịch COVID-19 càng khoét sâu hơn khoảng cách việc nhà giữa nam và nữ. Việc nhà là áp lực rất lớn với phụ nữ và dịch bệnh càng làm trầm trọng hơn vấn đề này", ông Tú nói và nhấn mạnh, điều quan trọng để duy trì cuộc sống hạnh phúc, phá bỏ định kiến giới không phải là rạch ròi phân biệt ai làm gì, mà cả hai giới đều cần thấu hiểu, quan tâm, biết được sự khó khăn vất vả của nhau, cùng nhau chia sẻ việc nhà.
|
Đừng để phụ nữ phải ưu phiền vì việc nhà ngày Tết. |
Theo nghiên cứu của Đại học Columbia (Mỹ), Nếu người bố lười làm việc nhà, sau này con gái sẽ chỉ chọn những nghề mang tính định kiến giới, được mặc định dành cho phái nữ chứ không muốn làm CEO, nhà kinh tế học... Còn trong những gia đình mà đàn ông làm việc nhà, sự mạnh mẽ của người phụ nữ sẽ được thúc đẩy và phát triển.
Đại diện Plan International Việt Nam cho rằng, sự thay đổi nên được bắt nguồn từ nam giới, cụ thể là thế hệ trẻ - những người sẵn sàng cởi mở với những thay đổi. Không thể thay đổi định kiến giới trong ngày một, ngày hai, tuy nhiên những dịch chuyển có thể diễn ra từ từ khi cả cộng đồng cùng chung tay hành động.
Chiến dịch truyền thông “Thanh niên chuẩn - Nói không với định kiến giới” được tổ chức trên quy mô toàn quốc dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến với mong muốn góp phần thay đổi nhận thức, hành vi có định kiến giới, tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Chiến dịch cũng hướng đến việc trang bị kiến thức, nâng cao năng lực cho cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên trong công tác tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của nữ thanh niên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.